Xã hội

Vì sao Quảng Trị bội chi quỹ khám chữa bệnh BHYT?

01/08/2017, 14:18

Tình trạng gia tăng chi phí khám chữa bệnh BHYT tỉnh Quảng Trị tăng đột biến và đã ở mức báo động.

Quang- Tri- boi- chi- quy- kham- chua- benh- BHYT-

6 tháng đầu năm 2017, Quảng Trị bội chi quỹ BHYT đứng thứ 2 toàn quốc.

6 tháng ngốn gần hết quỹ BHYT của cả năm

Ông Hồ Sỹ Nam, Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Trị cho biết, 6 tháng đầu năm 2017, quỹ khám chữa bệnh (KCB) BHYT giao 179/386 tỷ đồng nhưng hiện Quảng Trị đã chi 342 tỷ, vượt 163,4 tỷ; là địa phương bội chi quỹ BHYT đứng thứ 2 toàn quốc và đứng thứ 3 toàn quốc về tốc độ gia tăng so với cùng kỳ năm 2016 (tăng 84% so với 6 tháng đầu năm 2016). 

So với tỉnh lân cận thì tốc độ gia tăng BHYT KCB của Quảng Bình 43%, toàn quốc 30%, Quảng Trị 82%. Nếu theo tỷ lệ sử dụng quỹ thì Quảng Bình 63%, toàn quốc 59% và Quảng Trị 90%.

Theo ông Nam, nguyên nhân bội chi BHYT chủ yếu là do thay đổi giá viện phí theo quy định tại Thông tư liên tịch số 37 ngày 29/10/2015 của liên Bộ Y tế - Tài chính Quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và một số quyền lợi mở rộng theo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Bên cạnh đó, một số cơ quan KCB BHYT đã tận dụng triệt để các chính sách mới này làm gia tăng chi phí.

Nguyên nhân?

Theo BHXH tỉnh Quảng Trị, tình hình kê tràn lan giường bệnh diễn ra hầu hết ở các cơ sở KCB BHYT trên toàn tỉnh. Qua khảo sát tại 13 cơ sở KCB BHYT có giường bệnh đã có tình trạng kê thêm 1.600 giường bệnh, nâng tổng số giường bệnh thực kê tại 13 cơ sở này lên 3.300 giường bệnh so với giường kế hoạch cấp có thẩm quyền giao là 1.700 giường bệnh (gấp đôi so với giường kế hoạch).

Quang- Tri- boi- chi- quy- kham- chua- benh- BHYT-

Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Trị cho biết sẽ triển khai nhiều giải pháp kéo giảm bội chi quỹ BHYT

Tình trạng “kê thêm giường” dẫn đến chỉ định rộng rãi bệnh nhân vào điều trị nội trú. Qua rà soát số liệu từ năm 2012 đến năm 2015 (trước thời điểm tăng giá viện phí) thì tần suất vào điều trị nội trú của đối tượng tham gia BHYT từ 0,16 đến 0,17 lượt điều trị nội trú/thẻ BHYT/năm. Sau khi có giá viện phí mới theo thông thư liên tịch số 37 (trước đây bình quân từ 21.000- 50.000 đồng/giường nay tăng lên từ 150.000- 200.000 đồng/giường), tần suất vào điều trị nội trú tăng đột biến (năm 2016 tần suất 0,2 lượt/thẻ BHYT/năm; năm 2017 tần suất 0,23 lượt/thẻ BHYT/năm).  

Thời gian điều trị nội trú cũng kéo dài hơn mặc dù cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, trình độ chuyên môn của đội ngũ nhân viên y tế trên địa bàn những năm gần đây tăng lên rõ rệt. Chính sách hỗ trợ tiền ăn 35.000 đồng/ngày là chính sách rất tốt đối với người nghèo, nhưng hiện nay là một trong những yếu tố làm tăng chi phí nội trú, tăng thêm bội chi quỹ BHYT.

“Hiện nay tăng thêm ngày điều trị nội trú 1,5 ngày, 6 tháng đầu năm 2017 là 79.820 ngày. Việc gia tăng chỉ định vào điều trị nội trú, kéo dài thời gian nằm viện, chỉ định rộng rãi dịch vụ kỹ thuật và cung ứng thuốc thay đổi chưa thực sự hợp lý đã làm gia tăng chi phí KCB BHYT 6 tháng đầu năm 72,2 tỷ đồng (chiếm hơn 50% so với chi phí KCB BHYT 6 tháng đầu năm 2016)”, ông Nam cho hay.  

Trong đó, việc kê thêm giường bệnh tăng đối tượng tham gia BHYT từ năm 2015 đến nay là 12,9%, bệnh nhân vào điều trị nội trú tăng 31,5%, số tiền điều trị nội trú tăng 25,5 tỷ đồng. Chi phí kéo thêm ngày điều trị 31,6 tỷ đồng, số tiền gia tăng dịch vụ kỹ thuật chỉ định rộng rãi 5,3 tỷ đồng...

Quang- Tri- boi- chi- quy- kham- chua- benh- BHYT-

Tại kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh Quảng Trị khóa VII, Bí Thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Hùng chỉ đạo ngành Y tế và Bảo hiểm phải chủ động phối hợp kiểm tra, kiểm soát, có các biện pháp ngăn chặn các trường hợp lạm dụng

Ông Nam cho biết, sau khi tính toán, BHXH tỉnh xác định lại chi phí tăng giá viện phí 6 tháng đầu năm 2017 là 76,6 tỷ đồng (thực tế tính toán là 102,8 tỷ đồng, tuy nhiên có 26,2 tỷ đồng tăng giá viện phí nằm trong các nguyên nhân chủ quan trên). Việc thay đổi bệnh viện từ hạng 2 lên hạng 1, hạng 3 lên hạng 2 cũng ảnh hưởng khách quan và làm gia tăng chi phí KCB BHYT trên 5 tỷ đồng.

Nhằm ngăn chặn tình trạng bội chi quỹ BHYT, phấn đấu giảm tốc độ gia tăng chi phí KCB BHYT xuống mức gia tăng chung của toàn quốc là khoảng 30%. Ông Nam đề ra 13 giải pháp, trong đó có việc tổ chức kiểm tra thường kỳ và đột xuất sự có mặt của người bệnh điều trị nội trú, đặc biệt phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi lạm dụng và trục lợi quỹ BHYT…

Theo báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh 6 tháng đầu năm 2016, công tác thanh quyết toán các đối tượng có thẻ BHYT còn nhiều vướng mắc giữa cơ sở KCB và BHYT do các văn bản hướng dẫn của Trung ương còn thiếu thống nhất, không phù hợp với thực tiễn, đặc biệt thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa 2 ngành Y tế và BHXH tỉnh, đến nay số BHYT chưa chấp nhận thanh toán là 124.500 triệu đồng do vượt trần quỹ, vượt quỹ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.