Vận tải

Vì sao taxi truyền thống “bôi xấu” Uber, Grab?

10/10/2017, 08:05

Nhiều hãng taxi truyền thống giăng khẩu hiệu phản đối dịch vụ taxi công nghệ Uber, Grab.

13

Vinasun đã yêu cầu các tài xế tháo gỡ khẩu hiệu dán trên xe

Họ cho rằng loại hình này đang gây bất bình đẳng trong kinh doanh do không giới hạn số lượng đơn vị và lượng xe tham gia thí điểm và phải được quản lý như taxi truyền thống.

Taxi truyền thống tố bất bình đẳng

Những ngày qua, người đi đường tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM thường xuyên bắt gặp hình ảnh xe taxi của một số hãng như: Mai Linh, Vinasun, Thanh Nga, Thành Lợi dán dòng chữ với nội dung: “Yêu cầu Uber và Grab phải tuân thủ pháp luật Việt Nam”, “Đề nghị dừng thí điểm Grab và Uber vì quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh”.

Ngày 9/10, ông Tạ Long Hỷ, Phó tổng giám đốc thường trực Vinasun cho biết, sau sự việc nhiều xe taxi Vinasun có dán khẩu hiệu phản đối Grab, Uber gây sự chú ý của dư luận, hãng đã yêu cầu các tổ, đội quản lý taxi yêu cầu các tài xế tháo gỡ. Riêng với các xe taxi đang đưa khách đi các tỉnh, ông Hỷ cho biết muộn nhất là đến 7h ngày 11/10 buộc tháo gỡ các khẩu hiệu. Ông Hỷ cũng cho rằng việc dán các khẩu hiệu trên không xuất phát từ công ty mà là từ các tài xế. Nội dung các khẩu hiệu này cũng bình thường, không có gì sai phạm. Các tài xế đã dán các khẩu hiệu trên vào tối 7/10.

Tuy nhiên, trao đổi với PV, nhiều tài xế Vinasun khẳng định họ không tự in và dán các khẩu hiệu trên xe. Những khẩu hiệu này do công ty in ấn và đưa tài xế dán vào. “Sau khi các báo phản ánh, chiều 9/10, anh em tài xế chúng tôi tự kêu gọi tháo bỏ những khẩu hiệu đã dán trên xe vì những khẩu hiệu này phản cảm”, tài xế Trần Văn An nhà ở quận Gò Vấp nói.

Trả lời báo chí tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, theo phân cấp, UBND sẽ chịu trách nhiệm phát triển, tổ chức quản lý giao thông, trong đó có quản lý về quy hoạch phát triển hạ tầng, lưu lượng xe. Do đó, việc kiểm soát số lượng từng loại hình như thế nào là trách nhiệm của địa phương, địa phương xem xét tuỳ theo điều kiện hạ tầng để quyết định dừng cấp hay tiếp tục cấp trên cơ sở đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và điều kiện hạ tầng.

Tài xế Nguyễn Văn Tiến (nhà ở quận 5) cũng cho hay, những khẩu hiệu này đang phản tác dụng, gỡ càng sớm càng tốt vì mang tiếng xấu cạnh tranh không lành mạnh. “Chúng tôi đang lo ngại khách hàng sẽ tẩy chay do những khẩu hiệu không đẹp và có phần vi phạm pháp luật này. Việc này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến thu nhập hàng ngày của chúng tôi”, anh Tiến chia sẻ.

Lý do giăng các khẩu hiệu trên được đại diện các hãng taxi truyền thống đưa ra là đang có nhiều bất bình đẳng trong quản lý giữa taxi truyền thống và Grab, Uber, không chỉ ở các chiêu khuyến mại giảm giá sốc, mà còn ở quy định logo, số lượng xe hoạt động, cấm đường đang được áp chặt với taxi truyền thống.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc taxi Thành Lợi Group cho biết không phản đối Grab và Uber, nhưng số lượng xe loại hình này phát triển quá nhanh đã phá vỡ quy hoạch giao thông. Chỉ qua 18 tháng đã có đến hơn 50.000 xe Grab và Uber, tạo ra cảnh hỗn loạn và đẩy nhiều hãng taxi truyền thống đến nguy cơ phá sản.

Anh Nguyễn Mạnh Hoàn, tài xế taxi Thanh Nga bày tỏ, Uber, Grab có nhiều lợi thế hơn taxi truyền thống như không bị khống chế số lượng xe, không bị cấm đường, không mất đàm phí, đón trả khách tự do. Trong khi đó, taxi truyền thống phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế, phí. Điều này khiến cho thu nhập của tài xế taxi truyền thống giảm mạnh, nhiều lái xe bỏ nghề.

Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết, thống kê từ Hiệp hội Taxi Hà Nội, chỉ trong 18 tháng áp dụng thí điểm, số lượng xe hoạt động kiểu Uber, Grab trên toàn quốc đã lên tới hơn 50.000 chiếc, riêng tại Hà Nội xe dưới 9 chỗ là hơn 25.000 chiếc. Việc này đã phá vỡ quy hoạch, gây ùn tắc giao thông và quá tải trầm trọng.

Một bất bình đẳng khác được ông Bình chỉ ra, hiện có nhiều tuyến đường cấm xe taxi làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh. Việc cấm đường dẫn tới sự cạnh tranh không lành mạnh trong khi các loại hình đặt xe qua mạng như Uber, Grab lại không. Việc cấm taxi trên một loạt tuyến phố đã khiến nhiều du khách không hài lòng về chất lượng dịch vụ.

14
Từ khi Uber, Grab hoạt động đã làm cho các hãng taxi truyền thống loay hoay tìm giải pháp cạnh tranh - Ảnh: Tạ Tôn

Sau khi thí điểm, sẽ đánh giá điều chỉnh phù hợp

Ông Trần Quang Lâm, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, việc các tài xế dán băng rôn, khẩu hiệu phản đối Uber, Grab như vậy là không nên, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh kinh doanh đối với các doanh nghiệp. “Sở đã họp với Hiệp hội taxi. Việc dán băng rôn là hành động tự phát của các doanh nghiệp và yêu cầu hãng taxi Vinasun đề nghị các tài xế phải gỡ bỏ các băng rôn trên xe”, ông Lâm nói.

Trước thông tin các hãng taxi truyền thống đang muốn đòi hỏi sự công bằng kinh doanh vận tải với Uber, Grab, TP HCM có đưa ra được những điều kiện kinh doanh công bằng không, điều kiện thế nào, trao đổi với Báo Giao thông, ông Lâm cho rằng Grab đang được Bộ GTVT cho thí điểm nên chưa đánh giá được. Phải đợi hết thời gian thí điểm mới có đánh giá và điều chỉnh phù hợp. Ông Lâm khẳng định: “Các hãng taxi truyền thống hay Uber, Grab đều phải kinh doanh tuân thủ theo quy định của pháp luật hiện hành”.

Ông Nguyễn Tuyển, Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, trước khi có Grab, Uber, Hà Nội cấp phù hiệu cho 19.256 xe taxi. Liên quan đến việc vì sao taxi truyền thống bị cấm trên một số tuyến phố, còn Uber, Grab thì không, ông Tuyển cho biết, trước đây, khi đưa ra dự thảo quản lý xe taxi, Hà Nội cũng muốn đưa xe công nghệ Grab, Uber vào quản lý nhưng hiện đang gặp khó bởi Grab, Uber vẫn chỉ đang được thí điểm. Những văn bản quy phạm pháp luật liên quan cũng chưa có để quản chặt hơn loại hình kinh doanh này. “Chúng tôi đang chờ các cơ quan chức năng đưa hình thức kinh doanh này vào các nghị định, thông tư liên quan, lúc đó mới ban hành quy chế quản lý loại hình kinh doanh phù hợp”, ông Tuyển nói.

Liên quan đến việc quản lý đối với xe Uber, Grab, ông Đỗ Quốc Bình đề nghị cần quản lý xe kinh doanh vận tải hành khách dưới 9 chỗ ngồi ứng dụng công nghệ thông tin như taxi về số lượng, chất lượng, phạm vi hoạt động và đưa vào trong quy hoạch vận tải hành khách bằng taxi tại Hà Nội đến năm 2030. Cần cấp hạn ngạch đối xe Uber, Grab theo quy hoạch phù hợp với điều kiện giao thông và năng lực kết cấu hạ tầng giao thông. Trước khi có quy định quản lý chính thức, đối với xe thí điểm hợp đồng điện tử cần ban hành quy định cụ thể về kích thước, màu sắc, vị trí dán logo, biểu trưng của các xe thí điểm đảm bảo rõ ràng, dễ nhận biết và giao các Sở GTVT địa phương in và cấp phát logo nhận diện.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.