Xã hội

Vì sao Tây Nguyên là điểm "nóng" của tín dụng đen?

08/03/2019, 18:04

Những hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên chưa lường hết được tác hại mà vẫn tìm đến các hình thức cho vay nặng lãi.

img
Cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai bắt một vụ núp bóng doanh nghiệp cho vay nặng lãi.

Vay lãi suất từ 282-365%/năm

Ngày 8/3, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức hội nghị triển khai giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng hạn chế tín dụng đen.

Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam nhận định, đối với khu vực Tây Nguyên có tỷ lệ hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn cao, tình hình tín dụng đen của khu vực thời gian qua diễn biến phức tạp, đặc biệt là tại Gia Lai. Người dân chưa lường hết được tác hại mà vẫn tìm đến các hình thức cho vay nặng lãi.

Báo cáo cuối năm 2018 của Công an tỉnh Gia Lai cho thấy, có khoảng 860 đầu mối có biểu hiện cho vay lãi suất cao với khoảng 9.000 người dân tham gia, đa số là đồng bào dân tộc thiểu số. Hình thức cho vay bằng tiền mặt, mua nợ vật tư nông nghiệp, hàng hoá phục vụ sinh hoạt.

Thời gian qua, trên cả nước tình hình tín dụng đen diễn biến phức tạp, do điều kiện cuộc sống và nhu cầu cấp bách, người dân chưa lường hết được tác hại và vẫn đang tìm đến các hình thức cho vay nặng lãi, cùng với hoạt động của xã hội đen đã và đang gây hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt, ảnh hưởng xấu đến đời sống kinh tế, an ninh xã hội”.

Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam

Trong khoảng đầu năm 2019, tại tỉnh này cũng đã phát hiện và khởi tố điều tra một nhóm đối tượng núp bóng doanh nghiệp để cho người dân vay với lãi suất 144%/năm.

Tương tự, ông Trần Xuân Hải, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cũng cho biết, trên địa bàn xuất hiện tình trạng người dân vay lãi suất từ 282-365%/năm.

“Nhiều thủ đoạn đòi nợ hết sức manh động, gây sức ép đối với người đi vay như: đổ chất thải, chất bẩn vào nơi ở; tụ tập đông người tại nơi làm việc, kinh doanh; thuê các đối tượng hình sự, thanh thiếu niên hư hỏng để đe doạ gây sức ép…", ông Hải cho biết.

img
Toàn cảnh hội nghị triển khai giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng hạn chế tín dụng đen.

Nguyên do bùng phát tín dụng đen

Tại hội nghị này, ông Trần Xuân Hải nhận định: "thời gian gần đây, dịch bệnh cây trồng đang lan rộng, đặc biệt là hồ tiêu, gây thiệt hại lớn cho người dân. Trong khi đó, các vườn rẫy tiêu là tài sản thế chấp tại các ngân hàng. Hơn thế nữa, giá cả của nông sản không ổn định và xu hướng giảm xuống thấp nên gây khó cho hoạt động vay của các ngân hàng và đây cũng là nguyên nhân của người dân tìm đến tín dụng đen".

Ngoài ra, ông Hải còn đề cập đến tình trạng thanh thiếu niên hư hỏng, lười lao động đã sa vào tín dụng đen với các hoạt động như cờ bạc, cá độ bóng đá, ma tuý, chơi điện tử…

Còn theo ông Nguyễn Đình Vinh, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, người dân do hạn chế về nhận thức, ít tiếp cận với thông tin và khoảng cách địa lý nên e ngại tiếp cận vốn tín dụng chính thức và bị lôi kéo bởi các hình thức tín dụng đen.

Chỉ ra thực tế trong thủ tục vay tín dụng, ông Vinh cho biết, vướng mắc về chứng minh thu nhập, tài sản đảm bảo dẫn đến khó đáp ứng yêu cầu của ngân hàng khi cấp tín dụng.

Ông Nguyễn Văn Lý, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội lại cho rằng: "mức cho vay tối đa và thời hạn cho vay của một số chương trình còn thấp. Chưa đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn và chưa phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh, ngành nghề, hoạt động chăn nuôi đại gia súc, trồng cây công nghiệp lâu năm tại khu vực Tây Nguyên".

"Công tác phối hợp giữa các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm của các tổ chức nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp và các tổ chức chính trị xã hội vẫn chưa được gắn kết...", ông Lý cho hay.

Dẫn chứng từ việc mất mùa do thiên tai hoành hành liên tiếp, ảnh hưởng đến việc sử dụng vốn để khôi phục kinh tế, vị đại diện cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho rằng, cần sớm ban hành chính sách xử lý rủi ro do nguyên nhân khách quan phù hợp với đặc điểm, điều kiện hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số nhằm tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn và có cơ hội sớm hồi phục kinh tế vươn lên thoát nghèo bền vững.

Bà Hồ Thị Quý, Trưởng ban hỗ trợ phát triển Phụ nữ, Hội Phụ nữ Việt Nam cho rằng, Ngân hàng nhà nước cần phải đẩy mạnh hoạt động xây dựng chính sách và sớm ban hành Chiến lược tài chính toàn diện nhằm giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp nhu cầu với chi phí hợp lý, đặc biệt là ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.