Showbiz

Vì sao thí sinh X - Factor tự tử?

09/05/2016, 18:50
image

Tiến sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân cho rằng, có thể thí sinh chương trình X-Factor tự tử vì áp lực dư luận.

BHQuân

Tiến sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân cho rằng, có thể thí sinh chương trình X-Factor tự tử vì áp lực dư luận.

Liên quan tới câu chuyện Mai Thái Anh, thí sinh của chương trình X- Factor tự tử có thể vì áp lực dư luận, Báo Giao thông đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân, Giảng viên Trung tâm đào tạo và chăm sóc tinh thần Ý tưởng Việt, để hiểu hơn về sức ảnh hưởng của dư luận tới các thí sinh tham gia chương trình truyền hình thực tế (THTT).

Anh đánh giá thế nào về tầm quan trọng của công tác tư vấn tâm lý cho thí sinh tham gia chương trình THTT?

Tôi cho rằng điều này vô cùng quan trọng. Mỗi cuộc thi, tài năng là yếu tố đương nhiên nhưng vững vàng về mặt tâm lý, bản lĩnh đối diện với dư luận và vượt qua nó mới là yếu tố quyết định thí sinh nào hơn thí sinh nào. Chính vì vậy, các cuộc thi nên chú ý việc chuẩn bị sẵn tâm lý cho thí sinh để đối diện với các kết quả.

Theo anh, những áp lực mà thí sinh phải gánh chịu khi tham gia chương trình THTT là gì?

Thứ nhất là áp lực của sự nổi tiếng, các cuộc thi thường đánh rất mạnh vào sự nổi tiếng, thí sinh phải quen với việc mọi người sẽ săm soi những điểm tốt và chưa tốt, cùng những thông tin đời tư. Khi đã trở thành tâm điểm của dư luận, đời tư được công khai thì thí sinh phải chuẩn bị tâm lý sẵn sàng đón nhận mọi luồng dư luận.

Thứ hai là áp lực của chính cuộc thi, vì chắc chắn trong một cuộc thi, BTC luôn cố gắng tạo ra các áp lực để kiểm tra bản lĩnh của thí sinh.

Thứ ba là áp lực của chính bản thân thí sinh, nếu họ không xem đây là cuộc chơi, là cơ hội để mình khẳng định bản thân mà chỉ cố gắng đạt được mốc nào đó bằng mọi giá thì chính họ sẽ tự tạo áp lực cho mình.

Thứ tư là áp lực đến từ những người thân trong gia đình, có trường hợp thí sinh được gia đình đồng thuận, nhưng cũng có trường hợp gia đình phản đối, thì đó cũng là một áp lực không nhỏ mà thí sinh phải vượt qua.

Cuối cùng là áp lực từ truyền thông cũng không kém. Truyền thông có thể nâng bạn lên, nhưng cũng có thể hạ bạn xuống. Dưới góc nhìn của truyền thông, bạn sẽ trở nên đa dạng và nhiều màu sắc, bạn phải làm quen với điều đó.

Những lời khen chê ảnh hưởng thế nào tới tâm lý thí sinh?

Ở lứa tuổi của các bạn, khó có thể đòi hỏi sự trưởng thành và chín chắn để nhìn nhận sự việc. Cảm xúc của các bạn lại chưa ổn định và bị lệ thuộc vào nhiều yếu tố, nên những lời khen chê ảnh hưởng rất nhiều tới tâm lý.

Thí sinh sẽ dễ bị ảo tưởng về tài năng của mình nếu được dư luận quá nâng. Còn nếu bị chê lại khiến thí sinh dễ rơi vào trạng thái tự ti, mất bình tĩnh. Do đó, nếu các bạn không thật sự biết mình ở đâu, không thật sự có tâm lý vững vàng thì sẽ rất dễ chạy theo dư luận và dễ bị dư luận đánh gục.

Tôi nghĩ truyền thông cũng nên hết sức cẩn trọng khi nâng hay phê phán một ai đó, chúng ta cần phải có cái nhìn đa chiều. Nên hiểu là trong một cuộc thi, họ đang là thí sinh nên sẽ có những điểm mạnh, điểm yếu. Do đó, chúng ta đừng tự cho mình quyền phán xét người khác, vì như thế dễ làm hại đến sự phát triển của một con người. 

Dư luận có ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý thí sinh, vậy các thí sinh nên chuẩn bị tâm lý như thế nào khi bị dư luận tấn công, thưa anh?

Tôi nghĩ, điều đầu tiên là các bạn phải xác định rằng: Tham gia một chương trình THTT chỉ là một cuộc chơi. Cuộc chơi sẽ có thắng thua và có nhiều khó khăn, áp lực. Khi xác định được những điều đó, các bạn mới vào cuộc chơi theo đúng cách người chơi và không bị các yếu tố khác chi phối.

Thứ hai, trong quá trình tham gia cuộc thi, các bạn phải chuẩn bị tâm lý đón nhận những luồng dư luận trái chiều. Dư luận sẽ đến rất tự nhiên, hoặc có thể do một hoặc một số đối tượng nào đó cố tình tạo nên để nâng thí sinh này và hạ thấp thí sinh kia.

Thứ ba, các bạn tham gia thi cần có người đồng hành. Đó là những người hiểu và sẵn sàng đồng hành với mình, chia sẻ thành công và khó khăn để có thể hỗ trợ mình vượt qua giai đoạn đó.

Tất nhiên, dù hội đủ ba điều kiện trên nhưng dư luận vẫn sẽ đến. Khi đó, các bạn phải hết sức bình tĩnh để dối diện. Một điều chắc chắn rằng, bạn không thể sống bằng dư luận, cũng không thể sống vì dư luận. Nếu dư luận đứng về bạn thì không sao, nhưng nếu dư luận chống lại bạn thì hãy bằng tài năng của mình để chứng minh dư luận sai. Bạn không nhất thiết phải lên tiếng bào chữa, vì nếu bạn có tài năng thật sự, mọi yếu tố khác sẽ bị lu mờ.

Theo luật sư Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật Quốc Tế Hồng Thái, muốn xử lý cá nhân xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác trên mạng xã hội thì phải xác định được đối tượng cụ thể, xem xét mức độ và phải hội đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Theo đó, Điều 20 Hiến pháp 2013 quy định: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, không bị tra tấn, bạo lực, khi bức, dùng hình hay bất kỳ hành vi đối xử phạm tới sức khỏe, danh dự, nhân phẩm. Trong Bộ luật dân sự 2015, Điều 37 cũng nêu: Danh dự, nhân phẩm của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm được xác định theo Ðiều 604 Bộ luật Dân sự: Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Ðiều 611 Bộ luật Dân sự nêu lên mức độ thiệt hại của cá nhân: Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm, thiệt hại do danh dự, uy tín của pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm bao gồm: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.

Điều 121 Bộ luật Hình sự quy định: Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

>>> Xem thêm video Cảnh sát cứu người đàn ông nhảy cầu tự tử

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.