Đường sắt

Vì sao tuyến đường sắt đô thị số 1 Hà Nội triển khai sau?

10/12/2018, 14:00

Dự án đang triển khai GPMB khu tổ hợp Ngọc Hồi, điều chỉnh và đấu thầu song song với việc báo cáo Quốc hội...

dothi1

Tuyến đường sắt đô thị số 1 Ngọc Hồi - Yên Viên đi qua ga Giáp Bát, Hà Nội hiện nay và kết nối với đường sắt quốc gia (Trong ảnh: Kho bãi tại ga Giáp Bát, Hà Nội)

Nhiều người đặt câu hỏi vì sao tuyến đường sắt đô thị số 1 của Hà Nội và có hướng tuyến rất quan trọng, nhưng tuyến Ngọc Hồi - Yên Viên lại triển khai sau dự án số 2 và số 3 là Cát Linh - Hà ĐôngNhổn - ga Hà Nội. Vậy, dự án này đang được triển khai thế nào?

Gắn kết với đường sắt Bắc - Nam

Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT, đại diện chủ đầu tư) cho biết, năm 2004 dự án được Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư và nghiên cứu khả thi dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 Hà Nội, Ngọc Hồi - Yên Viên, với quy mô xây dựng tuyến dài 28,7km, đường ray đôi khổ rộng 1m và khổ lồng 1,435m.

Sau khi được điều chỉnh, hiện dự án được chia thành 2 giai đoạn: Tập trung đầu tư xây dựng tổ hợp (nhà ga) Ngọc Hồi rộng 151,8ha, đồng thời xây dựng ga khách và xí nghiệp toa xe khách của tàu đường sắt quốc gia; tiếp đó xây dựng đoạn từ Ngọc Hồi đến ga Hà Nội. Còn đoạn tuyến từ ga Hà Nội đến ga Gia Lâm và kéo dài đến Yên Viên (gồm cả cầu đường sắt vượt sông Hồng) sẽ được phân kỳ triển khai vào các giai đoạn sau.

“Dự án đang triển khai công tác GPMB khu tổ hợp Ngọc Hồi, điều chỉnh dự án, đấu thầu song song với quá trình báo cáo với Quốc hội theo đề xuất của Bộ GTVT và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, ông Lê Văn, Trưởng phòng dự án 3, Ban QLDA đường sắt cho biết.

Theo đơn vị quản lý dự án, tuyến đường sắt trên có tính chất khá đặc biệt so với các dự án đường sắt đô thị khác tại Hà Nội, bởi có sự gắn kết với đường sắt quốc gia hiện tại và tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (đang được nghiên cứu tiền khả thi). Cụ thể, sau khi dự án hoàn thành, cả tàu khách quốc gia và tàu tuyến đường sắt số 1 đều khai thác chung trên toàn tuyến Yên Viên - Ngọc Hồi. Trong quá trình xây dựng, dự án vẫn phải đảm bảo đường sắt quốc gia hiện nay vận hành liên tục, an toàn.

“Khu tổ hợp Ngọc Hồi được ưu tiên xây dựng trước, trong thời gian 2019-2024 để di dời, tiếp nhận toàn cơ sở hạ tầng của đường sắt quốc gia tại ga Hà Nội, Giáp Bát. Sau khi xong tổ hợp Ngọc Hồi, tàu khách tuyến quốc gia dừng lại ở đây để giảm ách tắc cho nội đô Hà Nội. Còn giai đoạn năm 2021-2026, dự kiến thi công đoạn tuyến từ Ngọc Hồi đến ga Hà Nội để cả tàu khách quốc gia, tàu đường sắt đô thị cùng vào đến ga Hà Nội”, theo đơn vị quản lý dự án.

Ban QLDA cũng thông tin, công tác GPMB (thu hồi đất, xây dựng khu tái định cư) khu tổ hợp Ngọc Hồi đã được triển khai từ năm 2009 và đến nay đã giải phóng được hơn 83/151,8ha. Dự kiến, quý III/2019 sẽ hoàn thành xây dựng xong các khu tái định cư.

Vẫn nhiều vướng mắc

Theo TS. Phạm Văn Ký, giảng viên Đại học GTVT, tuyến đường sắt Ngọc Hồi - Yên Viên được xác định là tuyến số 1 bởi không chỉ kết nối với các tuyến đường sắt đô thị tuyến số 2, 3, 6 mà còn kết nối với đường sắt quốc gia, đường sắt tốc độ cao trong tương lai.

“Tuyến này có khổ lồng 1m và 1,435m nên sẽ giải liên thông vận tải với tuyến đường sắt Yên Viên - Lạng Sơn và liên vận quốc tế. Tuyến đường sắt này cần được ưu tiên vốn, thúc đẩy xây dựng nhanh hơn so với các tuyến đường sắt đô thị khác”, ông Ký nói.

Sử dụng vốn ODA của Nhật Bản

Theo Bộ GTVT, dự án tuyến đường sắt số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi được thực hiện bằng nguồn vốn vay ODA Nhật Bản. Trong đó, hạng mục tổ hợp Ngọc Hồi có tổng mức đầu tư 19.046 tỷ đồng (vốn đối ứng trong nước 4.582 tỷ đồng); hạng mục đoạn Ngọc Hồi - ga Hà Nội (đang được điều chỉnh quy mô, tổng mức đầu tư). Hạng mục dự án tổ hợp Ngọc Hồi đã được bố trí và giải ngân hơn 1.271 tỷ đồng; đồng thời trong kế hoạch vốn trung hạn 2016-2020, nguồn vốn vay ODA được bố trí 4.500 tỷ đồng.

Đối với hạng mục dự án xây dựng đoạn Ngọc Hồi - ga Hà Nội và Hà Nội - Yên Viên, trên cơ sở nghiên cứu của tư vấn lập điều chỉnh dự án, Bộ GTVT sẽ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng để xem xét, báo cáo Quốc hội cho ý kiến làm cơ sở triển khai thực hiện.

Kiến trúc sư Nguyễn Huy Ánh cũng như một số chuyên gia khác cho rằng, Hà Nội đang có các dự án đường sắt đô thị số 2, 3, 2A được triển khai là Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - ga Hà Nội, Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, nhưng lẽ ra tuyến số 1 quan trọng hơn cần được ưu tiên đầu tư trước.

Thông tin thêm tình hình triển khai dự án, Trưởng phòng dự án 3 Lê Văn cho biết, do dự án liên quan đến tuyến đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị nên vừa triển khai GPMB, đấu thầu hạng mục tổ hợp; đồng thời đang được nghiên cứu điều chỉnh đối với hạng mục xây dựng tuyến từ Ngọc Hồi với ga Hà Nội, cũng như nghiên cứu kết nối với đường sắt tốc độ cao.

“Hiện, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đang trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi, trong đó nghiên cứu phương án kết nối với tuyến đường sắt số 1 trong giai đoạn đầu nên dự án đang được nghiên cứu điều chỉnh”, ông Văn cho biết.

Ngoài yếu tố trên, quá trình chuẩn bị dự án để có thể triển khai trên thực địa cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: Các yếu tố kỹ thuật phức tạp (khoảng cách an toàn phóng điện; hệ thống tích hợp điều độ chạy chung tàu điện đô thị và tàu diesel của đường sắt quốc gia) phải thực hiện hàng loạt các thủ tục liên quan đến lập và phê duyệt điều chỉnh chỉ giới đường đỏ tuyến và điều chỉnh vị trí các ga, chi phí mặt bằng và tái định cư tăng, trong khi phân bổ vốn đối ứng trong nước theo các năm rất hạn hẹp. Cụ thể, theo Quyết định số 1178 ngày 29/8/2017 của Bộ KH&ĐT, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016-2020 chỉ bố trí được cho dự án tổ hợp Ngọc Hồi 512 tỷ đồng. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.