Xem - ăn - chơi

Vì sao văn chương Việt khó xuất ngoại?

05/05/2016, 07:37

Văn học Việt Nam còn khá khiêm tốn trong việc xuất khẩu ra nước ngoài.

sach xuat ban nuoc ngoai

Những cuốn sách của các tác giả Việt Nam được xuất bản tại nước ngoài

Văn học Việt Nam còn khá khiêm tốn trong việc xuất khẩu ra nước ngoài. Hầu hết do các cá nhân đơn lẻ mà chưa có chiến lược lâu dài, tổng thể.

Văn chương việt vẫn chỉ loanh quanh ao làng

Như “nàng công chúa ngủ trong rừng”, bấy lâu nay văn học Việt khá im lìm trên thị trường văn học thế giới. Trong thực tế, chỉ có vài nhà văn có sách được NXB nước ngoài mua bản quyền và xuất bản ở nước ngoài như: Tô Hoài, Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Thuần… Ngoài ra, lâu nay tình trạng xuất bản Việt Nam “tay không” đến hội chợ sách quốc tế là khá phổ biến.

Có nhiều trường hợp ta giới thiệu sách với bạn bè nhưng không hiệu quả do bản in bằng tiếng Việt, chất lượng lại không đúng tiêu chuẩn quốc tế. Đây là một điều thiệt thòi, bởi cho đến nay nhiều người nước ngoài vẫn nghĩ văn học Việt Nam chỉ có chiến tranh, nông thôn, lũy tre làng… Diện mạo văn học nước nhà thật khó nói là đã đầy đủ.

Trong khi đó, số lượng các tác phẩm văn chương của các nhà văn thế giới được dịch và ra mắt ở Việt Nam lại rất nhiều. Thế nên, dẫu có nền văn học đa dạng với hơn 1.000 hội viên Hội Nhà văn, có đời sống văn học phong phú, có lượng bạn đọc lớn, nhưng văn học Việt Nam nhiều năm qua vẫn chỉ loanh quanh trong ao làng.

Theo thống kê của Hội Nhà văn Việt Nam, từ trước đến nay chỉ có khoảng hơn 500 tác phẩm văn học trong nước được dịch sang ngôn ngữ khác, một con số rất khiêm tốn so với số tựa sách được xuất bản hàng năm của Việt Nam (năm 2012 là 28.009 tựa sách).

Sự mất cân bằng giữa nhập khẩu và xuất khẩu văn học đang thực sự đặt ra những thách thức không nhỏ đối với văn chương Việt Nam.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Phó chủ tịch Hội Nhà văn cho biết, hiện tại các nhà xuất bản đưa rất nhiều văn chương của thế giới vào Việt Nam, còn việc xuất khẩu văn chương Việt ra thế giới thì vẫn còn nhỏ giọt. Lâu nay mới chỉ là những cá nhân, nhóm cá nhân truyền bá. Số tác phẩm dịch sang tiếng nước ngoài vẫn còn rất ít dù có chất lượng nhưng không thể đại diện tất cả nền văn học Việt Nam.

Thời điểm này chưa thích hợp nên công ty chưa thể đưa sách Việt Nam xuất khẩu sang thế giới.

Bởi, việc đưa một cuốn sách xuất bản ra thế giới gặp rất nhiều khó khăn. Thứ nhất, khó khăn trong việc phải dịch sang tiếng nước ngoài. Dịch ngược, nhất là từ tác phẩm văn học Việt Nam sang tiếng nước ngoài rất khó so với dịch xuôi.

Ngoài ra, phải tìm được một dịch giả tốt người bản ngữ.Thứ hai, chất lượng tác phẩm văn học Việt Nam vẫn còn chưa tốt. Chủ đề mang tính quốc tế, toàn cầu hay mang tính đặc trưng của Việt Nam cũng không có nhiều, nổi bật nhất thì đã dịch được nhiều.

Ngoài ra, văn học trẻ hiện nay chưa thể so sánh với những tác giả Âu Mỹ nên bán cho ai là một vấn đề?”.Dịch giả Xuân Minh, Công ty sách Nhã Nam, đơn vị xuất bản nhiều cuốn sách của nước ngoài tại Việt Nam

Chính vì thế, theo Phó chủ tịch Hội nhà văn, xuất khẩu văn chương Việt Nam ra nước ngoài là một việc vô cùng cần thiết, cần làm. Bởi, nước bên cạnh chúng ta, Hàn Quốc họ làm quá tuyệt vời, có chiến lược rất lớn. Toàn Chính phủ, người dân đều tham gia, các quỹ văn học, văn hóa. Họ cùng nhau quảng bá đất nước ra thế giới từ phim ảnh đến văn chương.

“Đưa những giá trị tinh thần được kí tự hóa bằng văn chương ra thế giới để nói rằng có một dân tộc Việt đã sống những năm tháng chiến tranh tàn khốc, đã yêu con người, yêu hòa bình, văn hóa. Ngoài ra, để quảng bá những hình ảnh đương đại của chúng ta; Thể hiện tính đa chiều, tính phổ cập của tác phẩm văn học đối với các độc giả ở các nước khác nhau”, ông Thiều gợi mở.Nhà văn Y Ban cho rằng, xuất khẩu văn chương ở Việt Nam chủ yếu vẫn là đường tiểu ngạch. Đó là do một nhóm dịch giả, một số trường đại học, nhà xuất bản nhỏ ở nước ngoài thực hiện do quen biết nhau và tự dịch cho nhau.

Chính vì thế việc xuất khẩu văn chương Việt Nam chưa có sự bài bản.“Không có tiêu chí rõ ràng, các đối tác nước ngoài họ thích ai họ dịch, họ theo cách nhìn của họ để chọn tác phẩm chứ không đại diện cho gì cả. Chính vì thế không làm nên diện mạo của văn chương Việt ở nước ngoài”, nhà văn Y Ban nói.

Xuất khẩu tác phẩm - giấc mơ lâu dài của nhà văn việt?

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho biết, Hội Nhà văn đã thành lập Trung tâm Dịch thuật văn học Việt Nam, từng bước làm trọn tác phẩm, chuyển giao và dịch thuật các tác phẩm văn học Việt Nam ra nước ngoài, tuy nhiên công tác này vô cùng gặp khó khăn.

“Nhà nước ít quan tâm, cho chính sách nhưng không cho cơ chế, hỗ trợ vô cùng quan trọng như tài chính. Nhà nước phải như một ông chủ đứng ra đặt hàng cho các nhà văn, nhà xuất bản, hội nhà văn để làm việc đó để đạt chất lượng. Khả năng của một cá nhân, trung tâm rất nhỏ bé và như thế đôi khi không làm tốt được”.

Còn theo nhà văn Y Ban, ở Việt Nam chưa hề có dịch giả, có một nền tảng xuyên suốt.

“Ở Việt Nam có hai dự án hỗ trợ dịch văn học ra nước ngoài, trong đó có một quỹ là của Quỹ Hỗ trợ quảng bá văn học Việt - Nga, các dịch giả làm bài bản và có một cuốn tuyển tập truyện ngắn đương đại ra mắt tiếng Nga. Tuy nhiên vẫn còn quá ít, một số tác phẩm hay vẫn còn bị gạt đi.

Ngoài ra, các đơn vị Việt Nam vẫn giới thiệu sách với bên ngoài nhưng chưa được chú ý lắm. Chuyển ngữ các tác phẩm là để mang chuông đi đánh xứ người, nhưng chuông của mình nhỏ quá”.

Với những khó khăn trên, việc xuất khẩu văn chương, quảng bá nền văn học Việt Nam ra thế giới xem ra vẫn còn là giấc mơ lâu dài của các nhà văn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.