Quản lý

Vì sao Vinalines bị giới hạn đầu tư không quá 254 tỷ?

15/05/2019, 18:23

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp yêu cầu Công ty mẹ - Tổng công ty hàng hải VN có kế hoạch đầu tư tối đa 254 tỷ trong năm 2019.

img
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp yêu cầu Tổng công ty Hàng hải VN chỉ đầu tư những dự án cần thiết, tránh lãng phí, tài sản của Nhà nước và doanh nghiệp - Ảnh minh họa

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vừa có quyết định số 137 phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2019 của Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải VN.

Theo đó, Ủy ban này đề ra các chỉ tiêu chủ yếu trong năm 2019 cho Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải VN bao gồm: sản lượng vận tải biển là 4.670 tấn, doanh thu là 1.649 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đề nghị Vinalines có kế hoạch vốn đầu tư tối đa không quá 254 tỷ đồng. Số vốn này không bao gồm số tiền Tổng công ty phải hoàn trả để thu hồi hơn 75% cổ phần đã chuyển nhượng cho Công ty CP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành theo kết luận của Thanh tra Chính phủ và kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình.

“Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải VN phải rà soát lại toàn bộ danh mục dự kiến đầu tư năm 2019, chỉ quyết định đầu tư các dự án thật sự cần thiết, phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị", nội dung quyết định nêu.

Lý giải về việc giới hạn đầu tư này, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng để phù hợp với khả năng triển khai thực hiện và giải ngân, bảo đảm đầu tư hiệu quả; Đồng thời bảo toàn và gia tăng giá trị vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; Chống dàn trải, lãng phí, thất thoát vốn và tài sản.

Ngoài ra, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng yêu cầu Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải VN phát triển các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, có trọng điểm. Trong đó, tập trung vào các cảng nước sâu tại khu vực Lạch Huyện - Hải Phòng và Cái Mép - Thị Vải; Phát triển đội tàu container và tuyến vận tải dưới thương hiệu chung, xây dựng các trung tâm logistics tạo vai trò kết nối, khép kín chuỗi dịch vụ; Đồng thời, đẩy mạnh hoàn thiện bộ máy tổ chức và quản trị doanh nghiệp, sẵn sàng chuyển sang hoạt động với mô hình CTCP.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.