Vận tải

Vì sao xe hợp đồng điện tử vẫn bị tố bất bình đẳng?

27/02/2017, 06:15
image

Sau hơn 1 năm thực hiện Đề án thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối...

1

Ngoài một số tiện ích cho hành khách, nhiều ý kiến cho rằng, hiện đang có sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa 2 loại hình taxi truyền thống và các xe thí điểm hợp đồng điện tử - Ảnh: Tạ Tôn

Sau hơn 1 năm thực hiện Đề án thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, ngoài một số tiện ích cho hành khách, nhiều ý kiến vẫn cho rằng, đang có sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa taxi truyền thống và các đơn vị thí điểm.

Kỳ 1: Taxi truyền thống lo chết yểu vì “chênh” thuế, phí

Trong khi taxi truyền thống bị “trói” bởi nhiều quy định về điều kiện kinh doanh vận tải, xe thí điểm hợp đồng điện tử, nhất là Grab, thậm chí cả Uber (chưa thí điểm) tha hồ tung hoành và chịu mức thuế, phí rất thấp.

Thí điểm hợp đồng điện tử, không phải taxi

Ngoài ứng dụng của Công ty TNHH GrabTaxi (Đề án thí điểm GrabCar) được phê duyệt đầu tiên, hiện có 4 ứng dụng kết nối hành khách với lái xe của các hãng taxi được phép hoạt động thí điểm là Công ty CP Ánh Dương (Đề án thí điểm V-Car), Công ty CP Vận tải 57 Hà Nội (Đề án thí điểm Thanh Cong Car), Công ty Sun Taxi (S.Car) và gần đây nhất là ứng dụng của Công ty CP Phát triển thương mại và du lịch quốc tế Ngôi Sao (Vic Car). Đánh giá của Vụ Vận tải (Bộ GTVT), qua 1 năm thực hiện việc thí điểm triển khai xe hợp đồng điện tử, các đơn vị tham gia thí điểm đã bám sát nội dung Quyết định số 24 của Bộ GTVT.

Ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Vận tải cho biết: “Việc thí điểm chỉ khác là thay vì hợp đồng bằng giấy, sẽ được xác lập qua hợp đồng điện tử, tất cả các thông tin của hợp đồng giấy sẽ được chuyển bằng hợp đồng điện tử. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có một số điểm tương đồng với taxi thì cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp taxi cùng có tiếng nói, đề xuất giải pháp phù hợp”.

Grab được đánh giá là đơn vị đã thực hiện đầy đủ các nội dung triển khai thí điểm theo Quyết định số 24 của Bộ GTVT, bao gồm các hoạt động rà soát, ký thỏa thuận hợp tác và lập danh sách phương tiện tham gia thí điểm; Xây dựng Quy chế phối hợp giải quyết khiếu nại liên quan đến việc cung cấp dịch vụ kết nối và vận tải; tổ chức tập huấn cho lái xe về cách thức vận hành ứng dụng kết nối, điều kiện và tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ, phương tiện thanh toán; cấp phát và dán tem logo GrabCar cho tất cả các xe tham gia”, đại diện Vụ Vận tải nói.

Chia sẻ với Báo Giao thông sau hơn 1 năm thực hiện thí điểm, ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Công ty TNHH GrabTaxi cho biết: “Các xe sử dụng phần mềm kết nối GrabCar đạt tỷ lệ bình quân thời gian chờ xe đến đón là dưới 5 phút. Hệ số sử dụng quãng đường (số km có khách trên bình quân 100km xe lăn bánh) tại Hà Nội đạt 88,1% và tại TP.HCM đạt 89,6%”, ông Tuấn Anh nói về hiệu quả của Grab sau thời gian đầu thí điểm.

Xem thêm video:

2

Ứng dụng phần mềm đặt xe qua App “Taxi 57” - Ảnh: Tạ Tôn

Bất bình đẳn về giá, thuế?

Ngoài một số tiện ích cho hành khách, nhiều ý kiến cho rằng, hiện đang có sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa 2 loại hình taxi truyền thống và các xe thí điểm hợp đồng điện tử, trong đó có cả Uber dù không thực hiện thí điểm. Theo ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, khi xây dựng để xin duyệt đề án thí điểm, Grab đưa ra giá cước là 6.000 đồng/km, nhưng sau khi được chấp thuận, Grab đã điều chỉnh giá cước tại Hà Nội lên 9.000 đồng/km và TP.HCM là 14.000 đồng/km, chưa kể thời điểm thiếu xe giá cước tăng cao hơn nhiều. Trong khi taxi truyền thống phải gánh chịu nhiều loại thuế cao như: Nộp thuế giá trị gia tăng 10% và thuế thu nhập doanh nghiệp 20% và phải nộp 100% doanh thu thì Uber và Grab đang được hưởng mức thuế doanh thu 3% trên 80% doanh thu. Thực chất Uber và Grab đang được hưởng ưu đãi với mức thuế 2,4% trên tổng doanh thu, gây thất thu lớn cho ngân sách Nhà nước.

“Taxi muốn thay đổi giá cước phải qua nhiều quy trình và phải giải trình lý do tăng, giảm. Trong khi đó, Uber và các xe thí điểm được xem là xe hợp đồng, được tự do làm giá, giảm giá, trợ giá cho lái xe nhằm mục đích chiếm lĩnh thị trường”, ông Bình nói.

Tương tự, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM nêu bức xúc: “Năm 2016, các doanh nghiệp taxi tại TP.HCM đã nộp vào ngân sách Nhà nước hơn 1.000 tỷ đồng thuế phí. Trong khi thực tế, tổng số phương tiện hoạt động của Uber, Grab cao hơn rất nhiều so với taxi truyền thống, vậy với cách tính dành cho Grab, Uber, liệu Nhà nước sẽ thu được bao nhiêu tiền?”.

“Uber, Grab và xe thí điểm cũng phải chịu chung mức thuế đang áp dụng với taxi truyền thống. Nếu thuế suất khác nhau, chắc chắn sẽ có giá cước khác. Ngoài ra, Nhà nước nên có giải pháp quản lý, khống chế số lượng xe hợp đồng, phân biệt giữa xe kinh doanh với xe của cá nhân hộ gia đình”, ông Hỷ nói.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng: “Công tác quản lý đối với Uber, Grab đang còn lỗ hổng, chưa bắt kịp với phát triển của thực tế. Dù xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2014, nhưng đến năm 2016 mới bắt đầu thu được thuế của Uber. Cần xem xét lại cách thu thuế đối với Uber, Grab để đảm bảo công bằng”.

Bà Cao thị Lan, Phó trưởng phòng chính sách phí, lệ phí và thu khác Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính):

Đề nghị Uber bổ sung ngành nghề kinh doanh

Mô hình Grab, Uber là liên doanh liên kết, chia sẻ doanh thu. Doanh thu của ai người đó có trách nhiệm nộp thuế, doanh nghiệp nộp thuế pháp nhân, cá nhân nộp thuế thu nhập cá nhân. Uber là doanh nghiệp của Hà Lan không hiện diện tại nước ta nên ấn định thuế trên doanh thu. Các bộ, ngành cũng đã đề nghị Uber phải bổ sung ngành nghề kinh doanh, bởi hiện nay chỉ đánh vào pháp nhân nước ngoài. Nếu quản lý được số km xe chạy, đầu xe, có thể thu thuế của lái xe kinh doanh với Uber.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI):

Cần bình đẳng về thuế, phí

Các đơn vị vận tải phải thay đổi cách quản lý. Qua Uber và Grab cho thấy, chi phí quản lý của doanh nghiệp taxi quá đắt đỏ. Bình đẳng về thuế, phí cũng rất quan trọng. Nhà nước nên nghiên cứu tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho doanh nghiệp. Một số quốc gia đưa ra quyết định cấm, ứng xử với mô hình kinh doanh mới không phải là từ chối mà làm sao để người dân được hưởng lợi và doanh nghiệp cần phải thay đổi để thích nghi.

Ông Trần Quang Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ GTVT):

Xác định rõ loại hình kinh doanh phi truyền thống

Việc cần làm hiện nay là phải xác định rõ loại hình kinh doanh taxi phi truyền thống trong việc sửa đổi Nghị định 86 mới tạo được sự ổn định trong quản lý Nhà nước, cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp, tạo động lực cho các hãng taxi ứng dụng công nghệ cao. Một số quốc gia cấp biển riêng cho xe kinh doanh vận tải nhằm tách bạch xe sử dụng xe cá nhân để kinh doanh vận tải, đồng thời cần bổ sung phương tiện vận tải hợp đồng phải có sơn, logo trên thành xe, công khai giá cước cho dễ phân biệt.

T.D (Ghi)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.