Vận tải

Vietnam Airlines: 20 năm và những thay đổi mang tính bước ngoặt

13/07/2015, 09:00

Vietnam Airlines khẳng định bản lĩnh của một hãng hàng không quốc gia khi liên tục tăng trưởng về mạng bay...

14
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Đinh La Thăng cùng nhiều quan chức cấp cao tham quan tàu bay mới A350-900 của Vietnam Airlines

Khoảng thời gian 20 năm không phải là quá dài song cũng đủ để Tổng công ty HKVN (Vietnam Airlines) khẳng định bản lĩnh của một hãng hàng không quốc gia khi liên tục tăng trưởng về mạng bay, đội bay với chất lượng dịch vụ ngày càng được cải thiện.

“Thời gian ngắn, bước đi dài”

Ngày 27/5/1995 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 328/TTg về việc thành lập Tổng công ty HKVN (Vietnam Airlines) trên cơ sở tổ chức sắp xếp lại các doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp Ngành hàng không dân dụng, lấy Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam làm nòng cốt. Lúc này, Vietnam Airlines có 20 đơn vị thành viên, trong đó có 7 đơn vị hạch toán phụ thuộc, 11 đơn vị hạch toán độc lập, hai đơn vị sự nghiệp, 5 công ty liên doanh và một công ty cổ phần góp vốn.

Đại diện Vietnam Airlines cho biết vào thời điểm thành lập, đội máy bay của Vietnam Airlines gồm 25 chiếc với 8 chiếc TU-134, một chiếc IAK-40, 8 chiếc A-320, bốn chiếc B-767-300 và bốn máy bay ATR. Mạng đường bay của TCT đã lên tới 25 đường bay quốc tế đến 19 thành phố, thủ đô các nước và vùng lãnh thổ. Các đường bay trong nước đã kết nối 15 tỉnh, thành phố. Thời điểm này, trên một số đường bay quốc tế khu vực đã thực hiện hiện 18-20 chuyến/tuần, đường bay dài 3 chuyến/tuần.

Trong những năm qua, Tổng công ty Hàng không Việt Nam đã xây dựng được đội ngũ lao động chuyên môn hóa sâu, tay nghề cao đảm bảo an toàn, an ninh trong khai thác cũng như phục vụ tốt nhu cầu của hành khách. Đội ngũ phi công, tiếp viên của Tổng công ty Hàng không Việt Nam được đào tạo và làm việc tiêu chuẩn quốc tế. Giai đoạn 2011-2015 đã thực hiện đào tạo trên 300 phi công, 941 tiếp viên; lực lượng phi công Việt Nam tăng từ 380 người lên 686 người; lực lượng tiếp viên tăng từ 1.456 người lên 2.000 người. Đội ngũ lao động kỹ thuật máy bay đảm nhiệm được hầu hết các dạng bảo dưỡng từ đơn giản đến phức tạp, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Cũng theo đại diện Vietnam Airlines, ở thời điểm này, phi công Việt Nam đã chính thức điều khiển loại máy bay hiện đại B-767, A-320 và ATR-72 và đảm nhiệm hầu hết các chuyến bay nội địa và quốc tế. Việc phi công Việt Nam tự điều khiển các loại máy bay hiện đại thay vì thuê phi công nước ngoài có ý nghĩa quan trọng không chỉ về chính trị, tư tưởng, mà cả về hiệu quả kinh tế (hàng năm tiết kiệm được một lượng ngoại tệ không nhỏ).

Khoảng thời gian sau khi thành lập (1996-2000) cũng là giai đoạn Vietnam Airlines tập trung mọi nỗ lực và biện pháp điều hành kiên quyết, linh hoạt để hoàn thành tốt nghĩa vụ của một doanh nghiệp Nhà nước: Kinh doanh có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn, tăng tích luỹ, thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách Nhà nước ngày càng tăng với doanh thu đạt mức tăng trưởng trung bình 8,5% cho cả giai đoạn.

Điều rất có ý nghĩa đối với một doanh nghiệp Nhà nước hoạt động theo mô hình mới là bước đầu hình thành mối quan hệ kinh doanh mới giữa các doanh nghiệp hàng không theo định hướng Tập đoàn kinh tế hàng không, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp vận tải hàng không và các doanh nghiệp thành viên khác trong Tổng công ty Hàng không Việt Nam.

Dồn sức phát triển đội tàu bay, tính đến tháng 4/2005 đội máy bay của Vietnam Airlines gồm 38 chiếc, trong đó có 17 máy bay sở hữu và 21 máy bay thuê. Việc đưa vào khai thác các loại máy bay hiện đại đã nâng cao đáng kể sức cạnh tranh và chất lượng sản phẩm của Hàng không Việt Nam trên thị trường hàng không thế giới và khu vực. Trong giai đoạn này, Tổng công ty Hàng không VN đã mở thêm nhiều đường bay mới. Mạng đường bay quốc tế gồm 32 đường từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đến 25 điểm nước ngoài, trong đó có 22 điểm bay trực tiếp; mạng nội địa được tổ chức theo mô hình trục - nan theo suốt chiều dài đất nước, gồm 22 đường bay đến 17 điểm. Khối lượng vận chuyển hành khách, hàng hóa và doanh thu hàng năm đều vượt kế hoạch và có sự tăng trưởng.

Giai đoạn 2001-2005 cũng là giai đoạn mà Vietnam Airlines ngoài việc tranh thủ thời cơ để đầu tư phát triển đội máy bay còn tập trung phấn đấu để nâng cao chất lượng dịch vụ, hoàn thiện hệ thống điều hành cả về chiều rộng và chiều sâu.

“Sự nỗ lực của cả hệ thống đã được các tổ chức hàng không thế giới đánh giá cao và ghi nhận. Tổng công ty Hàng không Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), đã đạt tiêu chuẩn IOSA về chất lượng khai thác và triển khai các bước để tham gia liên minh hàng không toàn cầu SkyTeam” , đại diện Vietnam Airlines nhấn mạnh và cho biết công tác đảm bảo kỹ thuật cho đội máy bay của Tổng công ty trong giai đoạn này có bước phát triển đáng kể.

Trên thực tế, nếu như giai đoạn 1996-2000, Tổng công ty phải thuê các tổ chức nước ngoài để thực hiện công việc chuyển giao công nghệ đối với loại máy bay B767 và Airbus A-320, thì sang giai đoạn này, các kỹ sư và thợ kỹ thuật của Tổng công ty Hàng không Việt Nam đã thực hiện chuyển giao công nghệ bảo dưỡng 4C/5Y cho các máy bay Airbus A-320 tại Việt Nam (chuyên gia nước ngoài là người phối hợp).

Liên tiếp mở rộng mạng đường bay, nâng cấp đội tàu bay

Theo Vietnam Airlines, thời kỳ 2006-2010 đánh dấu một giai đoạn trưởng thành về nhiều mặt của Vietnam Airline. Về mạng đường bay, từ 36 đường bay quốc tế, 25 đường bay nội địa của năm 2006, đến hết năm 2010, Tổng công ty đã có mạng đường bay quốc tế gồm 44 đường bay đến 26 điểm thuộc 15 quốc gia và mạng đường bay nội địa gồm 35 đường bay đến 20 điểm. Mạng đường bay phát triển nhanh đến các khu vực Đông Bắc Á và Tiểu vùng Cambodia - Lào - Myanmar (CLMV). Mạng đường bay nội địa cũng được phát triển nhanh chóng, tổ chức theo mô hình trục - nan, phủ kín các vùng miền.

Về vận tải hàng không, TCT đã thực hiện được hơn 374 nghìn chuyến bay, số chuyến bay thực hiện năm 2010 tăng 55% so với năm 2006, tốc độ tăng trưởng bình quân chuyến bay thực hiện là 11,6%/năm. Sản lượng vận chuyển hành khách đạt 45,5 triệu lượt khách, trong đó năm 2010 đạt 12,4 triệu lượt, gấp 1,82 lần so với năm 2006. Tốc độ tăng trưởng khách vận chuyển bình quân đạt 16,2%/năm. Thị phần hành khách tăng trung bình khoảng 57% (quốc tế 39%, nội địa 79%). Vận chuyển hàng hóa toàn giai đoạn đạt khoảng 658,5 nghìn tấn, tăng trưởng bình quân 14%/năm.

Từ năm 2011 đến nay, đánh dấu giai đoạn trưởng thành nhiều mặt của Vietnam Airlines. Về mạng đường bay, từ 46 đường bay quốc tế đến 27 điểm và 37 đường bay nội địa đến 20 điểm của năm 2011, đến năm 2015 mạng đường bay của Tổng công ty dự kiến khai thác 59 đường bay quốc tế đến 30 điểm và 39 đường bay nội địa đến 21 điểm. Sản lượng vận chuyển hành khách trong cả giai đoạn đạt 74,7 triệu lượt hành khách, năm 2015 đạt hơn 16,7 triệu lượt, tăng 22,8% so với năm 2011. Tốc độ tăng trưởng khách vận chuyển bình quân đạt 5,3%/năm, trong đó nội địa tăng trưởng 3,1%/năm, quốc tế đạt 9,0%/năm. Đội máy bay của Tổng công ty tính đến năm 2015 đạt 82 tàu.

Một trong những sự kiện đặc biệt, mang tính bước ngoặt của Vietnam Airlines trong giai đoạn này là việc từ công ty TNHH 100% vốn Nhà nước với qui mô vốn chủ sở hữu 8.244 tỷ đồng đã trở thành CTCP với quy mô vốn lên đến 15.665 tỷ đồng. Quá trình cổ phần hóa được thực hiện thành công được nhận định sẽ giúp Vietnam Airlines tăng cường cả về nguồn lực tài chính, các mối quan hệ hợp tác chiến lược cũng như các mặt hoạt động quản trị của Tổng công ty, là điều kiện, lực đẩy để Vietnam Airlines tiếp tục có những bước phát triển vững chắc sau này.

10 năm, đầu tư gần 80 nghìn tỷ đồng nâng cấp đội tàu bay

Đầu tư phát triển đội tàu bay là hạng mục đầu tư quan trọng nhất của Tổng công ty Hàng không Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu tàu bay khai thác.

Giai đoạn 2006-2010, Tổng công ty Hàng không Việt Nam đã thực hiện đầu tư 9 dự án tàu bay, với tổng giá trị thực hiện là 17.438,5 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2010, đội máy bay khai thác của Tổng công ty tăng lên 68 chiếc (10 B777-200ER, 10 A330, 10 A320, 22 A321, 8 ATR72-500 và 2 F70...) so với 38 tàu bay của năm 2006. Tỷ lệ sở hữu tàu bay lên 43% (tính theo đầu máy bay), tuổi trung bình toàn đội máy bay vào năm 2010 là 6,5 năm, thuộc loại đội bay trẻ không chỉ trong khu vực mà cả trên thế giới.

Trong giai đoạn 2011-2015, tổng giá trị thực hiện đầu tư máy bay là 54.013,2 tỷ đồng. Từ quy mô đội tàu bay có 76 chiếc năm 2011, đến cuối năm 2015 đội tàu bay của Tổng công ty Hàng không Việt Nam có 94 chiếc, trong đó Tổng công ty khai thác 87 tàu bay (4 A350, 4 B787-9, 8 B777-200ER, 7 A330, 51 A321, 13 ATR72-500), ngoài ra còn cho Hãng hàng không Cambodia Angkor Air (K6) thuê khô 4 A3321, 1 ATR72, cho JPA thuê khô 2 tàu A321. Tỷ lệ sở hữu tàu bay lên 60% (tính theo đầu máy bay). Điều này một mặt giúp Tổng công ty chủ động hơn trong kế hoạch sản xuất kinh doanh, mặt khác giúp giảm được chi phí khai thác tàu bay, góp phần đáng kể vào việc đảm bảo hiệu quả kinh doanh chung trong những năm qua.

T.B

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.