Tâm sự

Vợ quyết bán cả gia tài, giành sự sống cho chồng bị ung thư

18/08/2017, 05:05

Đó là câu chuyện đẫm nước mắt của vợ chồng Trung úy Nguyễn Văn Hiến.

Nguyen Van Hien

Anh Nguyễn Văn Hiến đang được điều trị tại Viện Huyết học truyền máu trung ương.

Tôi đến thăm gia đình Trung úy Nguyễn Văn Hiến và chị Lê Minh Nguyệt tại xóm Quẫn, Tân Đức, Phú Bình, Thái Nguyên vào một ngày nắng gắt, đúng ngày cả gia đình dọn đang đồ đạc, chuẩn bị rao bán nhà. Xếp gọn gàng mấy thùng đồ để lấy lối đi, anh Hiến, chị Nguyệt ngồi trò chuyện với tôi ngay trên chiếc giường, vừa là nơi ăn ngủ, vừa là nơi tiếp khách của gia đình.

Chị Nguyệt chia sẻ, tưởng sẽ được hưởng trọn hạnh phúc với anh Hiến, một người chồng chăm chỉ, chịu khó, thương vợ thương con nhưng cuộc sống đã không được như ước nguyện. Số phận run rẩy đẩy gia đình chị tới khó khăn gian khổ khi gia đình phát hiện căn bệnh ung thư máu của anh Hiến. Khóc hết nước mắt, đau khổ vì không có tiền chạy chữa cho chồng, chị Nguyệt đã phải chạy đôn chạy đáo xoay tiền để chữa trị và rồi…ngay căn nhà mình đang ở cũng phải rao bán.

Cách đây gần 1 năm, các bác sĩ phát hiện anh Hiến bị ung thư máu. Tin đó khiến chị và gia đình vô cùng sốc. Các bác sĩ dù đã liên tục xạ trị cho anh, nhưng đã 5 lần chưa thấy khả quan và thường xuyên bị hành hạ bởi những cơn đau nhức tận xương tủy.

Sau nhiều đợt hóa trị, gần một năm nay, gia đình anh Hiến đã không còn đủ khả năng kinh tế để tiếp tục chữa trị. Chị Nguyệt tâm sự: “Mỗi lần đưa anh Hiến đi hóa trị, vợ chồng tôi phải ở lại Hà Nội hơn 10 ngày, chi phí thuốc men, ăn ở mỗi đợt như vậy lên đến hàng chục triệu đồng”.

Hầu như mọi chi tiêu trong gia đình hiện nay đều phụ thuộc vào tiền giúp đỡ từ mọi người là anh em, hàng xóm và những đồng nghiệp đang công tác tại Công an huyện Phú Bình.

Sau nhiều lần vay mượn chữa trị, hiện con số nợ của vợ chồng anh Hiến đã lên đến hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, nguồn thu nhập duy nhất hiện tại của gia đình chỉ là số tiền từ lương của anh Hiến, số tiền còn không đủ để hai vợ chồng trả tiền lãi ngân hàng mỗi tháng.

Nhìn hoàn cảnh của chị, ai cũng xót xa. May nhờ có bà con hàng xóm, gia đình, anh em bạn bè, đồng nghiệp hết lòng giúp đỡ, có gì giúp nấy nên chị cũng đã có thêm nghị lực.

Được biết, năm 2010, được sự điều động của cấp trên, Trung úy Hiến được phân công làm việc tại Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về Kinh tế - Ma túy (Công an huyện Phú Bình). Những ngày đầu mới đi làm, anh Hiến tuy là “lính mới”, kinh nghiệm chưa có nhiều nhưng vẫn được lãnh đạo cơ quan, đơn vị tin tưởng giao cho phụ trách những địa bàn “nóng” về tình trạng mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy…

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong thời gian nằm vùng, cùng với sự hướng dẫn tận tình của lãnh đạo cơ quan, đơn vị và các đồng nghiệp, anh Hiến thường xuyên bám chắc địa bàn, phối hợp với công an xã tìm hiểu cặn kẽ hoạt động của các đối tượng có biểu hiện liên quan đến ma túy để báo cáo lãnh đạo, lên kế hoạch thực hiện xóa bỏ những tụ điểm “nóng”.  

Gần 7 năm công tác, anh Hiến đã tham gia khoảng 200 vụ án liên quan đến ma túy, trong đó có chuyên án 516M - một trong những chuyên án lớn được thực hiện trong năm 2015.

Kết thúc chuyên án, anh Hiến được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen đột xuất vì có thành tích trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy. Đây chỉ là một trong nhiều vụ án mà Trung úy Nguyễn Văn Hiến và đồng đội đã triệt phá.

Anh Hiến cho biết: "Tôi luôn tâm niệm, muốn tích lũy kinh nghiệm hiệu quả chỉ có cách là phải dấn thân, từ những lần nằm gai nếm mật đó, tôi đã học được nhiều điều không có trong giáo trình giảng dạy. Công tác đấu tranh với tội phạm ma túy dù đường dây lớn hay nhỏ đều có những khó khăn gian khổ và nguy hiểm, tuy nhiên không vì thế mà tôi chùn bước, ngược lại đó còn là một chất “kích thích” để tôi quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ của mình". 

Nhận xét về anh Hiến, ông Nguyễn Quốc Vinh, Trưởng Công an xã Kha Sơn, cho biết anh Hiến là người tận tâm với công việc, quá trình phụ trách xã Kha Sơn, anh giống như một thành viên của lực lượng Công an xã, luôn theo sát địa bàn, nắm chắc tình hình hoạt động của tội phạm. Không những thế, để người dân hiểu được tác hại của “cái chết trắng”, anh Hiến còn tích cực tuyên truyền phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm này trong nhân dân. Đồng thời, vận động mọi người tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm. Với sự nhiệt tình, trách nhiệm của anh Hiến, những năm gần đây, xã Kha Sơn hầu như không còn các tụ điểm ma túy nhức nhối, gây bức xúc trong nhân dân.

Đại úy Ngô Văn Quỳnh, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về Kinh tế - Ma túy (Công an huyện Phú Bình) chia sẻ: “Đồng chí Hiến là một trong những chiến sĩ nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc, nhiều năm được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen. Không những thế, đồng chí còn là tấm gương về sự lạc quan, kiên cường chiến đấu với bệnh tật”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.