Chuyện dọc đường

Vốn ngân hàng là tiền dân

24/03/2014, 06:55

Với tổng tài sản của cả hệ thống ngân hàng Việt Nam lên tới gần 5,7 triệu tỷ đồng - tính đến tháng 2 năm nay, có thể nói không quá lời rằng, các ông chủ, nhà quản lý điều hành ngân hàng...


Điều đó cũng có nghĩa, đặc thù lĩnh vực kinh doanh đã đặt vào tay các ông chủ, CEO ngân hàng một quyền năng rất lớn, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế luôn trong tình trạng đói vốn trong một vài năm trở về trước.


Đặc quyền đó, đôi khi khiến những người làm ngân hàng “quên” rằng, khối tài sản khổng lồ họ được nắm giữ, quản lý, chỉ có một phần nhỏ vốn tư nhân còn lại chủ yếu là tiền của dân bao gồm vốn của Nhà nước và hơn 3 triệu tỷ đồng (chiếm tỷ lệ trên 50%) là đóng góp của khách hàng gửi tiền. 


Chính vì vậy, kinh doanh ngân hàng đòi hỏi những điều kiện vô cùng chặt chẽ về tài chính, công nghệ, năng lực quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro, nhằm đảm bảo vốn nhàn rỗi được điều phối đến đúng nơi mà nền kinh tế cần. Tuy nhiên, không phải lãnh đạo ngân hàng nào cũng tuân thủ nghiêm ngặt những yêu cầu đó. Bằng chứng là đã có hàng trăm vụ vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong lĩnh vực này bị phát hiện trong thời gian qua, từ cho vay sai quy định, cho vay nội bộ, đầu tư bừa bãi, lừa đảo, tham ô…, gây thất thoát hàng trăm nghìn tỷ đồng. Hậu quả là, một phần vốn của nền kinh tế đã bị hao hụt; một bộ phận doanh nghiệp mất cơ hội tiếp cận vốn để sản xuất, kinh doanh; tăng trưởng bị kéo lùi; nợ xấu dâng cao; người dân, doanh nghiệp giảm lòng tin vào hệ thống ngân hàng… 


Đến nay, hệ thống ngân hàng vẫn được Nhà nước bảo lãnh để không trường hợp nào bị phá sản, nhằm bảo vệ quyền lợi người gửi tiền. Chính vì vậy, một số ông chủ ngân hàng đã tìm mọi cách bơm vốn, chuyển lợi nhuận từ ngân hàng vào các công ty con của mình, dù điều này bị pháp luật nghiêm cấm, bởi bám víu hy vọng “có vấn đề gì thì Nhà nước cũng không để ngân hàng “chết”. Các ngân hàng đừng “quên” rằng, trong trường hợp có ngân hàng nào “gặp vấn đề”, Nhà nước phải đứng ra xử lý, cũng có nghĩa, mỗi người đóng thuế phải “gánh” thêm hậu quả!


Bởi vậy, có lẽ, những ông chủ, CEO ngân hàng, ngoài yêu cầu về năng lực quản trị, điều hành, nhất thiết phải rèn luyện được phẩm chất đạo đức và trách nhiệm xã hội để khi ngồi trên một đống tiền của dân vẫn đủ tỉnh táo, nghiêm ngặt, khắt khe với chính mình, để vượt qua được những cám dỗ chỉ cách một lằn ranh mong manh. Đó là lòng tham.

Xuân Thu
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.