Pháp đình

Vụ C2, Rồng đỏ nhiễm chì: Ai có thể khởi kiện URC?

30/05/2016, 09:57

Người tiêu dùng, đại lý, nhà phân phối... có thể khởi kiện URC trong vụ C2, Rồng đỏ nhiễm chì.

c2-rong-do-nhiem-chi

Người tiêu dùng, đại lý, nhà phân phối... có thể khởi kiện URC trong vụ C2, Rồng đỏ nhiễm chì.

Liên quan đến việc Bộ Y tế quyết định dừng lưu thông, thu hồi 3 lô C2, Rồng đỏ và 2 lô khác bị chính URC thông báo dừng, hiện đơn vị này vẫn đang im lặng trước câu hỏi của báo giới.

Sự im lặng này rất "đáng sợ" khi có lô hàng của URC sản xuất từ tháng 11/2015 nhưng đến cuối tháng 5/2016 mới thu hồi. Trong vụ việc này, trách nhiệm của cơ quan chức năng ở đâu và quyền lợi người tiêu dùng sẽ như thế nào?

Liên quan đến các câu hỏi nói trên, Báo Giao thông đã có trao đổi với luật sư Trần Tuấn Anh (Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh, Đoàn luật sư TP Hà Nội) để làm rõ.

Thưa luật sư, liên quan đến thông tin 5 lô nước C2, Rồng đỏ của URC nhiễm chì vượt phép và đã ngừng lưu thông, thu hồi. Ông có đánh giá như thế nào?

Luật sư Trần Tuấn Anh: Theo tôi, URC và các cơ quan chức năng đang có thái độ xem nhẹ sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng. Bởi có những chai C2, rồng đỏ sản xuất từ tháng 11/2015, tức là cách thời điểm buộc phải thu hồi sản phẩm đến 6 tháng.

URC khó có biện pháp thích hợp để thống kê xem đã có bao nhiêu người sử dụng những sản phẩm trên? Ai là người đã sử dụng? Và tác động của nó đến sức khỏe của người tiêu dùng cụ thể như thế nào?

Ngoài ra, động thái duy nhất để xử lý vụ việc của URC đến nay là thu hồi sản phẩm và đây có lẽ cũng chỉ là một quyết định trên giấy, bởi việc thống kê đối với hệ thống phân phối ở các quán cóc, vỉa hè ở Việt Nam gần như là một điều không thể. Không ai có thể chắc chắn rằng, toàn bộ các sản phẩm còn lại sẽ được thu hồi mà không phải là đang "lang thang" ở đâu đó trên các sạp hàng rong hay trong tủ lạnh của các hộ gia đình".

Người tiêu dùng sử dụng sản phẩm C2, Rồng đỏ; đại lý, nhà phân phối... của URC có thể khởi kiện hay không thưa ông?

Về phía người tiêu dùng, khi có căn cứ để chứng minh mình bị xâm phạm bởi các "sản phẩm khuyết tật" của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa thì hoàn toàn có thể yêu cầu bồi thường về thiệt hại đối với sức khỏe, tính mạng và tài sản của mình. Việc giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có thể thông qua các phương thức như: Thương lượng, hòa giải, trọng tài hoặc tòa án.

Người tiêu dùng có thể tự mình hoặc thông qua tổ chức xã hội có chức năng bảo vệ người tiêu dùng phân bố ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước để giải quyết tranh chấp liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng. Trong trường hợp tự mình tiến hành các biện pháp thương lượng, hòa giải với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, người tiêu dùng cần phải có nhận thức pháp luật đầy đủ để tránh những rủi ro pháp lý.

Đối với nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa thì pháp luật buộc họ phải bồi thường thiệt hại ngay cả khi họ không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật. Cụ thể, khoản 1 Điều 23 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định: "Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng, kể cả khi tổ chức, cá nhân đó không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật, trừ trường hợp quy định tại Điều 24 của Luật này".

c2,rong do

Nhiều người dân lo ngại trước thông tin nước C2, Rồng đỏ nhiễm chì.

Đối với việc xác định thiệt hại và mức bồi thường thiệt hại cụ thể được thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự. Tức là người bị thiệt hại phải chứng minh được sản phẩm khuyết tật đã gây thiệt hại đối với sức khỏe, tính mạng, tài sản của mình; Phải thống kê được mức thiệt hại đã xảy ra trên thực tế; Phải chứng minh được mỗi quan hệ nhân quả giữa sản phẩm khuyết tật và thiệt hại xảy ra...

Trong trường hợp người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa không thể giải quyết được thông qua thương lượng, hòa giải thì một trong các bên có quyền yêu cầu Trọng tài hoặc Tòa án để giải quyết tranh chấp. Các quy định pháp luật nêu trên cũng được áp dụng đối với các đại lý, nhà phân phối nếu họ chứng minh được mình bị thiệt hại do hàng hóa khuyết tật của URC gây ra.

Quan điểm cá nhân ông về vụ việc C2, Rồng đỏ nhiễm chì nói trên?

Đối với vụ việc này, theo tôi đánh giá là hết sức nghiêm trọng, bởi hậu quả không xảy ra ngay lập tức mà là những tác động vô cùng to lớn đối với sức khỏe người tiêu dùng sau này, đặc biệt là đối với các đối tượng là trẻ em. Chính vì vậy, trong trường hợp này, tôi kiến nghị các cơ quan chức năng từ Chính phủ đến các Bộ, Ban, ngành, các cơ quan chuyên môn cần phải ngay lập tức có sự vào cuộc quyết liệt để xử lý vụ việc này, nhằm thể hiện rõ quyết tâm loại trừ "thực phẩm bẩn" ra khỏi đời sống nhân dân.

Không thể để tình trạng nhân dân sống trong thời bình nhưng còn nguy hiểm hơn thời chiến. Sức khỏe, tính mạng và tài sản của người dân có thể bị xâm phạm bất kỳ lúc nào chỉ vì những tổ chức, cá nhân kinh doanh chỉ biết đến lợi nhuận mà bất chấp tất cả.

Xin cám ơn luật sư!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.