Xã hội

Vụ cầu nông thôn mới mang tên Phó chủ tịch xã: “Không thể đặt tên như thế”

07/03/2019, 13:35

Lãnh đạo huyện Hòa Bình cho rằng, việc đặt tên cầu mang tên Phó chủ tịch xã như thế là không thể được.

img
Cây cầu mang tên Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Bình khiến người dân bức xúc. Ảnh: Gia Minh

Liên quan đến vụ “Dân bức xúc vì cầu nông thôn mới mang tên Phó Chủ tịch xã", sáng 7/3, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Bình (Bạc Liêu) cho biết: ông chưa nhận được thông tin nói trên.

“Tuy nhiên, tôi sẽ liên hệ với xã, việc đặt tên như thế là không được, phải đặt theo địa danh, tên anh hùng liệt sỹ, hoặc nhà tài trợ lớn...”, ông Sơn nói và cho biết, huyện sẽ kiểm tra lại vụ việc.

Còn theo ông Trần Tuân, Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng các công trình cơ bản huyện Hòa Bình, công trình cầu “Ông Nguyên” do Công ty TNHH MTV xây dựng Vina Thảo Anh làm đơn vị tư vấn thiết kế bản vẽ thi công, người đại diện pháp luật của công ty này là ông Phạm Văn Tý.

“Tên công trình cụ thể là do xã đề xuất, yêu cầu. Từ đó, Ban thực hiện theo yêu cầu của xã”, ông Tuân nói và khẳng định: Khi lấy tên công trình là cầu “Ông Nguyên”, xã cũng không nói là đặt tạm hay chính thức.

Như Báo Giao thông đã đưa tin, thời gian gần đây, người dân trên địa bàn ấp 17 (xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình, Bạc Liêu) bức xúc về việc cầu giao thông nông thôn lại đặt tên Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Bình Nguyễn Văn Nguyên.

Trước phản ánh của người dân, ông Huỳnh Quốc Phong, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Bình cho biết, trước đây, cầu cũ không có tên gọi cụ thể, sau khi cầu mới xây dựng xong được đặt tên tạm là cầu “Ông Nguyên”.

Trao đổi với PV Báo Giao thông trước đó, ông Huỳnh Văn Tính, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Hòa Bình cho biết, theo quy định nếu đặt tên cầu, xã phải họp dân ở khu vực, thống nhất. Tên cầu thường phải gắn liền với địa danh, với những người có công với cách mạng, những anh hùng lực lượng vũ trang hay Mẹ Việt Nam anh hùng,… hoặc những người có uy tín trong vùng. Tên cầu đặt làm sao để cho người ta dễ biết”.

Cầu “Ông Nguyên” thuộc công trình đầu tư lộ giao thông nông thôn hàng năm của huyện, do Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng các công trình cơ bản của huyện làm chủ đầu tư, với tổng số vốn trên 900 triệu đồng (nguồn vốn từ ngân sách của huyện). Công trình được hoàn thành vào trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.

Cầu "Ông Nguyên" được xây dựng bằng bê tông cốt thép, có bề rộng 4,4m; chiều dài là 22m, với tải trọng thiết kế là 3 tấn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.