Pháp đình

Vụ chìm tàu Cần Giờ: Vì sao hai giám đốc kháng cáo kêu oan?

18/12/2018, 07:05

Sau phán quyết của tòa, hai giám đốc trong vụ án kéo dài suốt 5 năm không phục và quyết định kháng cáo...

22

Bị cáo Vũ Văn Đảo (bên phải) và Đinh Văn Quyết tại phiên tòa sơ thẩm ngày 26/11

Trông chờ phán quyết công tâm

Ngày 26/11 vừa qua, TAND TP HCM đưa vụ án chìm ca nô trên vùng biển Cần Giờ làm chết 9 người xảy ra năm 2013 ra xét xử. Hai bị cáo gồm Vũ Văn Đảo (SN 1968, Giám đốc Công ty CP Công nghệ Việt Séc, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vũng Tàu Marina) và Đinh Văn Quyết (SN 1980, Giám đốc Công ty CP Vũng Tàu Marina) bị xét xử về tội “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn”. Kết thúc phiên tòa, ông Đảo và ông Quyết cùng bị tuyên 3 năm tù treo.

Cho rằng bản án sơ thẩm là không có căn cứ pháp luật, ông Đảo và ông Quyết làm đơn kháng cáo, cho rằng bản thân không phạm tội. Đồng thời, đề nghị tòa xét xử lại theo trình tự phúc thẩm và tuyên hai ông không có tội. Theo ông Đảo và ông Quyết, nếu cơ quan tố tụng chứng minh được bị cáo có hành vi phạm tội thì phải xử lý nhanh chứ không thể để vụ án kéo dài tới hơn 5 năm mới xử lý.

Trao đổi với PV, ông Vũ Văn Đảo cho rằng, việc tòa tuyên án không có căn cứ đã gây oan sai cho ông. “Nếu chỉ xét về góc độ cá nhân thì không sao. Nhưng đứng về góc độ tập thể doanh nghiệp, tôi phải kháng cáo vì ảnh hưởng rất lớn. Thử tưởng tượng một công ty mà cả Chủ tịch HĐQT và Giám đốc đều là tội phạm còn ai dám ký hợp đồng làm ăn với chúng tôi nữa? Vì thế, chúng tôi trông chờ vào một phán quyết thật sự công tâm ở phiên phúc thẩm sắp tới”, ông Đảo nói.

Trước đó, tại phiên tòa, ông Đảo không thừa nhận hành vi phạm tội và cho rằng, quy định tại điều luật là hành vi “Cho phép đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn” nhưng quyết định khởi tố bị can lại là hành vi “điều động cano”. Ông Đảo lập luận rằng, mình là người sản xuất ra phương tiện đã bán và bàn giao cho Biên phòng đưa vào sử dụng thì không phải là chủ thể của phương tiện, có quyền điều động phương tiện nữa.

Vụ án kéo dài 5 năm

Trong khi đó, luật sư Trần Hải Đức (Đoàn luật sư TP HCM), người bảo vệ quyền lợi cho ông Đảo và ông Quyết nhận định, hai thân chủ của mình không ai phạm tội vì nguyên nhân tai nạn không phải do chất lượng phương tiện.

“Cơ quan tố tụng đã hiểu sai điều luật. Nhưng rất tiếc chứng cứ không có tội của hai người đã không được HĐXX xem xét toàn diện, khách quan. Những kiến nghị của luật sư xử lý sai phạm về mặt tố tụng của CQĐT, VKS cũng không được HĐXX đưa vào phần quyết định”, luật sư nói và dẫn chứng, theo quy định pháp luật, quyết định khởi tố bị can trong vòng 3 ngày VKS phải phê chuẩn nhưng không hiểu sao lại để đến 49 ngày sau...

Có thể nói, đây là vụ án nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận, không chỉ bởi nó kéo dài tới 5 năm. Suốt từ khi vụ án xảy ra cho đến khi được đưa ra xét xử, nhiều chuyên gia, luật sư đã đưa ra nhận định, việc truy tố 2 bị can có nhiều dấu hiệu oan sai. Thậm chí, Thủ tướng Chính phủ, Viện KSND Tối cao, Bộ Công an… đã nhiều lần có văn bản yêu cầu Công an, Viện KSND TP HCM báo cáo, sớm giải quyết dứt điểm vụ việc.

Nguyên nhân chìm tàu được CQĐT xác định do lái tàu chở quá số người quy định, đồng thời gặp phải thời tiết xấu, gió lớn. Tuy nhiên, Công an TP HCM lại khởi tố ông Đảo (Giám đốc công ty đóng tàu) và ông Quyết (người đứng ra mượn tàu để chở người). Tháng 8/2015, CQĐT phải tạm đình chỉ điều tra vụ án chờ giám định tàu. Ngày 29/12/2016, Cục Hàng hải Việt Nam có kết luận giám định, trong đó khẳng định nguyên nhân là do chở quá số người cho phép, cộng thêm phương tiện đã gặp thời tiết bất lợi tại thời điểm xảy ra tai nạn.

Tháng 6 vừa qua, cơ quan tố tụng quyết định phục hồi điều tra sau khi Cục Hàng hải Việt Nam có kết luận giám định lần thứ ba đối với tàu BP12-04-02. Cáo trạng của VKSND TP HCM vẫn giữ nguyên quan điểm buộc tội hai vị giám đốc như trước đó.

Kết luận điều tra bổ sung hành vi "điều động cano"

Theo cáo trạng, công ty của ông Đảo đóng tàu bằng vật liệu PPC khi Việt Nam chưa có tiêu chuẩn thiết kế, đăng kiểm phương tiện này. Tàu bị nạn cũng không được Cục Đăng kiểm cấp đăng kiểm. Tháng 3/2013, ông Đảo bán 2 tàu cho Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, trong đó có tàu BP 12-04-02. Hai bên làm lễ bàn giao nhưng tàu vẫn neo đậu tại cầu phao của Công ty Việt Séc để lắp đặt thêm thiết bị.

Cuối tháng 7/2013, một doanh nghiệp tổ chức cho nhân viên đi chơi tại khu du lịch Đảo Xanh (thuộc Công ty Vũng Tàu Marina) và liên hệ với ông Quyết, báo chương trình cũng như số lượng người tham gia để sắp xếp tàu đưa đón. Chiều 2/8/2013, ông Đảo chỉ đạo mượn 2 tàu của Bộ đội biên phòng. Khi tàu BP12-04-02 chở 28 người đi ngang vùng biển xã Long Hòa, huyện Cần Giờ thì bị chìm khiến 9 nạn nhân tử vong, trong đó có tài công Phạm Duy Phúc.

Sau đó, Cục Đăng kiểm có công văn gửi CQĐT nêu rõ: tàu bị nạn là phương tiện của quân đội, thuộc thẩm quyền đăng kiểm của Đăng kiểm Hải quân. Pháp luật cũng không cấm đóng tàu thuyền bằng vật liệu mới nói chung và vật liệu PPC nói riêng. Đến lúc này, CQĐT đã bỏ nội dung hành vi “đưa công nghệ vật liệu mới PPC vào sản xuất tàu thuyền” nhưng lại tiếp tục bổ sung kết luận điều tra cho rằng các bị can đã có hành vi “điều động cano BP12-04-02 không đảm bảo an toàn”. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.