Du lịch

Vũ điệu sếu đầu đỏ ở Tràm Chim

05/01/2018, 14:45
image

Cách TP.HCM 150km, Vườn Quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) nổi tiếng bởi cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp.

39

Sếu đầu đỏ, loài chim đặc trưng của Tràm Chim

Cách TP.HCM 150km, Vườn Quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) nổi tiếng bởi cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Hệ sinh thái ngập nước với nhiều loài động thực vật quý hiếm khiến du khách bị níu chân mỗi lần đến đây.

Vương quốc sếu đầu đỏ

Từ TP.HCM có thể theo cao tốc TP.HCM - Trung Lương đến QL30 qua TP Cao Lãnh dừng chân nghỉ ngơi một đêm rồi sáng hôm sau vào Tràm Chim. Theo hành trình này, du khách có thể ghé tham quan một số nơi như khu lưu niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc, Khu di tích Xẻo Quýt, ghé làng hoa Sa Đéc.

Chúng tôi chọn hành trình theo QL62 đi qua hướng Long An, xuyên qua vùng Đồng Tháp Mười để ngắm những cánh đồng lúa xanh, những rừng tràm bát ngát.

Vườn Quốc gia Tràm Chim diện tích 7.313ha, là mô hình thu nhỏ cảnh quan thiên nhiên của vùng Đồng Tháp Mười nguyên sơ và là nơi trú ngụ của hơn 20 nghìn cá thể loài chim nước, trên 150 loài cá nước ngọt, 191 loài thực vật bậc cao cùng nhiều loài lưỡng cư, bò sát và các sinh vật khác. Vườn Quốc gia Tràm Chim đã được công nhận là khu Ramsar về đất ngập nước thứ 4 của Việt Nam và thứ 2.000 của thế giới. Đây là một trong 8 vùng bảo tồn chim quan trọng nhất của Việt Nam.

Sau khi qua cổng, du khách được đưa vào tham quan khu nhà trưng bày, nơi có 52 bể cá, trong đó 40 loại cá có mặt tại Vườn Quốc gia Tràm Chim. Nơi đây đang trưng bày một số loại cá sắp biến mất ngoài tự nhiên như: Cá thác lác cườm, mang gỗ, ét mọi...; ngoài ra còn trưng bày trứng chim nghệ thuật.

Thắc mắc về cái tên “Tràm Chim”, cậu hướng dẫn viên cười: Trong rừng tràm có nhiều chim nên tên gọi… Tràm Chim!

Từ nhà trưng bày, chúng tôi thuê một chiếc tắc ráng (một loại xuồng máy đặc trưng của người dân miền Tây), len lỏi theo dòng nước dưới rừng tràm xanh mướt. Theo lời hướng dẫn viên, vào năm 1985, Công ty Nông lâm ngư trường Tràm Chim được thành lập với nhiệm vụ chủ yếu là trồng tràm, khai thác thủy sản và bảo tồn cảnh quan Tháp Mười xưa. “Đất lành chim đậu”, Tràm Chim trở thành nơi cư trú của nhiều loài chim quý. Năm 1986, các nhà khoa học đã phát hiện ra sếu đầu đỏ, một loại chim quý hiếm nằm trong Sách đỏ quốc gia và trở thành loài chim đặc trưng của Tràm Chim.

Theo hướng dẫn viên, sếu đầu đỏ là loài chim rất chung thủy, mỗi cặp chỉ đẻ hai trứng. Thức ăn chủ yếu của sếu đầu đỏ là củ năng. Mùa nước nổi củ năng chìm sâu dưới nước, phải đợi đến mua khô sếu đầu đỏ mới dễ dàng tìm thấy thức ăn cho mình. Sinh sản ít, phải cạnh tranh để có nguồn thức ăn nên số thành viên trong gia đình sếu đầu đỏ gia tăng rất hạn chế.

Vị ngon đặc sản “nai đồng quê”

Đến Tràm Chim mùa nước nổi không được ngắm những vũ điệu của đàn sếu đầu đỏ khiến nhiều người tiếc nuối. Tuy nhiên, bù lại du khách có thể thỏa sức ngắm cảnh sông nước đặc trưng của miền Tây. Đến Tràm Chim không thể bỏ qua những món ăn đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười. Những chú cá lóc nặng chừng 1kg được xiên qua cây tre nướng ủ rơm khô rồi cuốn với lá sen non chấm nước mắm chua ngọt khiến ai cũng tấm tắc. Đến Đồng Tháp Mười đầu mùa nước nổi còn có cá linh non kho lạt ăn kèm bông điên điển “ngon bá cháy”.

Đặc biệt là món chuột đồng. Nghe qua thì có vẻ đáng sợ, nhưng với những người đã được nếm thử thì sẽ nhớ mãi hương vị được miêu tả ngon như thịt gà. Ở miền Tây, chuột đồng là món ăn khoái khẩu, thậm chí họ còn ví thịt chuột là “sóc tràm”. Chuột có thể chế biến thành rất nhiều món như: Chuột quay lu, nướng muối ớt, ép lá chanh, khìa nước dừa, áp chảo… Thịt chuột mềm, ngọt, xương chuột giòn mà không cứng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.