Pháp đình

Vụ NH Đông Á: Tăng vốn ảo từ 2007-2013 mà không bị phát hiện?

04/12/2018, 17:03

NH Nhà nước khẳng định đã làm đúng luật, làm tròn trách nhiệm nhưng thủ đoạn của các bị cáo quá tinh vi.

các bi cao

Các bị cáo tại tòa

Chiều 4/12 TAND TP.HCM tiếp tục phiên xét xử các bị cáo Trần Phương Bình và Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm") trong vụ thất thoát hơn 3.000 tỉ đồng tại Ngân hàng Đông Á (DAB). HĐXX tiếp tục với phần xét hỏi đại diện NH Nhà nước (NHNN) xung quanh việc thanh tra kiểm tra quá trình tăng vốn ảo của DAB.

 VKS: Trong 2007-2014, DAB nhiều lần được tăng vốn điều lệ, cơ sở nào để NHNN cho phép, việc tăng này do ai giám sát và quyết định?

NHNN: Vào đại hội cổ đông thường niên biểu quyết đồng ý ra nghị quyết tăng vốn điều lệ từ 5.000 – 6.000 tỷ đồng. Từ đó DAB giao cho HĐQT gửi văn bản NHNN chi nhánh TP.HCM xin tăng vốn điều lệ. Từ cơ sở đó NHNN mới đồng ý cho tăng vốn.

VKS:  NHNN có kiểm tra, giám sát việc tăng vốn hay không?

NHNN: Việc tăng vốn điều lệ, thứ nhất DAB phải thực hiện đúng quy định NHNN đặt ra rồi sau khi tăng vốn đã được chấp thuận. DAB có trách nhiệm phải báo cáo với NHNN. Dựa trên cơ sở đó NHNN xuống kiểm tra xem có tuân thủ hay không từ đó mới chấp thuận.

VKS: Kết quả kiểm tra được thể hiện bằng văn bản nào?

NHHN: Được thể hiện bằng văn bản kiểm tra.

HĐXX: Yêu cầu NHNN làm rõ quy định về nguồn vốn để tăng vốn ra sao?

NHNN: Thứ nhất quy định nguồn tiền tăng vốn là nguồn tiền hợp lệ, hợp pháp, tức nguồn tiền của cá nhân, tổ chức đó phải minh bạch, rõ ràng.

HĐXX: Vậy nguồn tiền các cá nhân, tổ chức vay của DAB thì có minh bạch, rõ ràng hay không?

NHNN: Cá nhân tổ chức đó phải có nguồn "tiền thật" để nộp vào mua cổ phần tăng vốn của DAB. Còn nguồn tiền của cá nhân, tổ chức đó vay DAB để đầu tư mua cổ phần tăng vốn DAB là không thể được. Đồng thời, nếu các cá nhân, tổ chức đó vay vốn tại các tổ chức tín dụng khác để mua cổ phần, tăng vốn DAB  cũng không thể chấp nhận, trừ trường hợp các hành vi gian dối khác, nhưng khi phát hiện cũng không thể chấp thuận. Vì theo quy định, nguồn tiền tăng vốn điều lệ không phải là nguồn vốn vay từ chính tổ chức tín dụng đó hay tổ chức tín dụng khác.

HĐXX: Như vậy, trong thời gian từ 2007-2014 nguồn tiền tăng vốn của DAB chủ yếu là nguồn tiền vay, trong đó có vay “khống” chính từ DAB hoặc chủ yếu vay từ DAB. Vậy ông giải thích thế nào, vì tất cả nguồn vốn để tăng vốn điều lệ của DAB là không có thật mà toàn bộ đều là vốn “khống”?

NHNN: Thưa hội đồng HĐXX với các hành vi mà qua các bị cáo đã trình bày so với nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra thì khó cho đơn vị kiểm tra của NHNN, không phát hiện ra.

VKS: Với nghiệp vụ của NHNN, với các bộ phận, vụ - nghiệp vụ và năm nào cũng kiểm tra, nhưng lại không thể phát hiện ra và để rồi đây tồn tại một thực tế, nguồn vốn tăng vốn điều lệ của DAB bằng nguồn vốn không hợp pháp, hay nói cách khác là nguồn tiền hoàn toàn không có thật mà chủ yếu là vốn “ảo”. Điều này đã được Trần Phương Bình và các bị cáo thừa nhận trong phiên tòa đang xét xử.  Vậy trách nhiệm của những người thuộc NHNN, cơ quan thanh tra NHNN trong việc kiểm tra nguồn vốn tăng vốn của NHNN trong giai đoạn từ 2007-2014 đến đâu?

NHNN: Trong trách nhiệm quản lý và kiểm soát của NHNN, chúng tôi đã thể hiện hết trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, với những hành vi tinh vi của các bị cáo nên trên thực tế không thể phát hiện. Khi NHNN đề nghị khởi tố vụ án này, NHNN cũng đã mất 6 tháng để thanh tra, kiểm tra DAB và mất 3 tháng nữa để xử lý được vấn đề này. “Bản thân tôi đã có một vài lần tham gia thanh, kiểm tra DAB, nhưng đến lần cuối cùng mới phát hiện âm quỹ”.

VKS: Trong đợt kiểm tra, cá nhân ông có kiểm tra lần nào không?

NHNN: Tôi kiểm tra một lần và chính lần này đã phát hiện DAB âm quỹ. Lần trước tôi không tham gia. Theo luật thanh tra, thì khi mỗi lần thanh tra phải ra gửi quyết định thanh tra trước 5-10 ngày.

HĐXX: (ngắt lời), yêu cầu trả lời đúng câu hỏi về có thấy thủ đoạn của các bị cáo có tinh vi quá không?

NHNN: Dạ có ạ.

HĐXX: Có tinh vi hay không sẽ xem xét, trách nhiệm của đoàn kiểm tra. Bởi vì để ý một chút thôi sẽ thấy dòng tiền của kế toán không đúng và nếu cho rằng là tinh vi thì tất cả các sổ sách phải phù hợp với quỹ. Và đó được gọi là xem xét toàn diện. 7-10 năm liền cơ quan thanh tra giám sát NHNN không phát hiện ra điều này nhưng trước tòa ông lại bảo hành vi quá tinh vi cho nên không phát hiện. Tuy nhiên, cũng thủ đoạn đó trong 2 năm (2014 -2015) tại sao NHNN lại phát hiện ra mà trước đó thì không?

NHNN: Qua nghiệp vụ quản lý, NHNN phát hiện ra việc điều chuyển tiền và vàng của DAB từ hội sở, xuống chi nhánh. Tuy nhiên, khi NHNN xuống kiểm tra các chi nhánh thì lại được chuyển về hội sở.

HĐXX: Vậy các hành vi trên của các bị cáo có tinh vi hay không?

NHNN: Trong những năm trước, giai đoạn 10 năm trước tất cả các hoạt động thanh tra của NHNN cũng như cơ quan giám sát thì thanh tra từng chuyên đề một, từng nội dung. Chỉ từ năm 2014, Thống đốc NHNN cũng như cơ quan  giám sát mới đưa ra quy định thanh tra toàn diện hoạt động của tổ chức tín dụng.

Khi đó, cơ quan thanh tra, giám sát NHNN mới phát hiện ra các hành vi tinh vi của các bị cáo trong việc điều động quỹ để lấp các khoản chi “khống”.

HĐXX: NHNN có thấy trách nhiệm khi để xảy ra sự việc tại DAB

NHNN: Qua đó, NHNN cũng rút ra bài học kinh nghiệm là phải thanh tra toàn diện tổ chức tín dụng để sớm phát hiện các hành vi vi phạm của bị cáo.

Đại diện NH Nhà nước khẳng định đã làm đúng luật, làm tròn trách nhiệm của mình.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.