Bạn cần biết

Vụ nữ giúp việc tung hứng, đánh trẻ dã man: Bác sĩ nói gì?

24/11/2017, 09:01

Các chuyên gia y tế cho biết, việc mạnh tay lắc, tung hứng chắc chắn gây nguy hiểm đến trẻ, gây tổn thương não...

15

Bà Hàn liên tục dùng tay đánh vào người, đầu cháu bé (ảnh cắt từ clip)

Tung hứng trẻ có thể gây tổn thương não

Đề cập đến vụ bé hơn 1 tháng tuổi bị bạo hành ở Hà Nam, trao đổi với Báo Giao thông, BS. Nguyễn Văn Phúc, BV Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) cho rằng: “Hành động tung hứng trẻ nhỏ, đặc biệt với trẻ mới 1-2 tháng tuổi là vô cùng nguy hiểm tới tính mạng của trẻ”.

Ông Phúc phân tích: Khi chăm sóc hoặc chơi đùa với trẻ, có những động tác mạnh làm thay đổi tư thế trẻ nhanh và đột ngột sẽ rất nguy hiểm như: Trẻ đang nằm được bế thốc dậy, nhấc bổng trẻ lên cao rồi hạ xuống, xô đẩy, tung đỡ, rung lắc hoặc xoay trẻ liên tục. Trong số những động tác này, rung lắc hoặc xoay trẻ liên tục là nguy hiểm hơn cả, bởi có thể gây đứt sợi trục thần kinh, là một tổn thương não rất nặng.

Trong thực tế, rất nhiều trẻ được đưa đến các cơ sở y tế khi tổn thương xảy ra đã khá lâu mà gia đình không hề hay biết, biểu hiện của những di chứng thần kinh là chính. Theo BS. Phúc, trẻ sơ sinh có kích thước đầu lớn và nặng khoảng 1/4 so với toàn cơ thể. Trong đầu, có những khoảng trống giữa não và xương sọ cho phép não tiếp tục lớn và phát triển. Não của trẻ thì mềm với màng não mỏng. Các cơ và dây chằng vùng cổ yếu và chưa phát triển cũng chưa thể chịu được sức nặng của đầu, sự lỏng lẻo này được. Khi bị rung lắc, xương sọ mềm và dẻo của trẻ không chịu được những lực này sẽ chuyển lực tới não, khi não không có sự di chuyển đồng bộ và gây ra sự va đập trở lại tới xương sọ, làm giập não, tăng áp lực, phù và chảy máu trong não. Các tĩnh mạch lớn dọc theo phía ngoài não cũng mỏng manh và dễ rách, gây chảy máu, máu tụ dưới màng cứng, ngoài màng cứng, dưới màng nhện, tăng áp lực nội sọ. Những tổn thương này có thể là vĩnh viễn. Tùy theo mỗi hình thái và mức độ tổn thương mà trẻ có những triệu chứng khác nhau như: Chậm phát triển tinh thần và vận động, yếu hoặc liệt các chi, co giật, hôn mê... Chảy máu não là tổn thương hay gặp nhất, có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào trong hộp sọ, nhưng chủ yếu chảy máu khoang dưới nhện.

Thiếu quy chuẩn, nguy cơ còn nhiều vụ bạo hành

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Trọng An, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Chăm sóc và bảo vệ trẻ em, Bộ LĐ,TB&XH chia sẻ: “Bản thân tôi cũng như nhiều người khi xem clip này đều rất lo ngại, tức giận trước hành vi bạo hành trẻ từ một bà bảo mẫu. Việc mạnh tay lắc, tung hứng chắc chắn gây nguy hiểm đến trẻ, gây tổn thương não. Đây là sự tổn thương thực thể mạnh mẽ, có thể để lại di chứng sau này đối với trẻ nhỏ. Tuy nhiên, điều sâu xa hơn cần được đặt ra qua câu chuyện này chính là sự thiếu kiểm soát chất lượng, cũng như việc không có bất kỳ quy chuẩn nào về người giúp việc”.

Cũng theo ông An, trên thực tế, công chức sau khi nghỉ 6 tháng sinh con, nhất định phải có người trông con và nếu không có ông bà hỗ trợ thì buộc phải thuê người giúp việc. Rõ ràng nếu không có quy định, quy chuẩn về người giúp việc thì nguy cơ tương tự như vụ việc nêu trên đối với trẻ nhỏ là hiện hữu.

Ông An cho rằng, hai yếu tố rất đơn giản nhưng quan trọng và cần thiết trong quy định về người giúp việc mà ở nước ngoài đã áp dụng, đó là tiêu chí về sức khỏe tâm thần và kỹ năng chăm sóc. Điều này ở nước ta lại không có. Theo phân tích của ông An, sức khỏe ở đây là sức khỏe về thể chất, không mắc các bệnh lây nhiễm, có thể truyền nhiễm cho trẻ như ho lao, da liễu… Thứ hai, là có những người tiềm ẩn vấn đề về sức khỏe tâm thần như động kinh, trầm cảm… Do không có sự sàng lọc nên dễ dẫn đến trường hợp đáng tiếc, khi thuê phải những người mắc về sức khỏe tâm thần, nguy cơ xảy ra bạo lực như đánh, thậm chí giết con chủ nhà khi bộc phát bệnh rất dễ xảy ra.

Theo luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch: Với trẻ em dưới 16 tuổi, chỉ cần tác động có thương tích trên cơ thể, không cần phải có kết quả giám định thương tật đủ 11% trở lên là có thể khởi tố tội “Cố ý gây thương tích” theo Khoản 1, Điều 104 Bộ luật Hình sự. Nếu trong quá trình điều tra và giám định, khi thương tật chưa đến mức phải khởi tố tội “Cố ý gây thương tích”, thì đối tượng phạm tội cũng sẽ bị khởi tố tội “Hành hạ người khác” theo Điều 110 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009.H.Nam

Hiện, cơ quan công an đang phối hợp với Viện kiểm sát tiến hành điều tra, làm rõ vụ cháu bé hơn 1 tháng tuổi (ở phường Quang Trung, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) bị người giúp việc bạo hành. Công an TP Phủ Lý cũng đã mời người giúp việc có hành vi bạo hành cháu bé đến cơ quan công an để điều tra làm rõ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.