Xã hội

Vụ vỡ đập thuỷ điện: Người Việt sẻ chia nỗi đau với dân Lào

27/07/2018, 07:05

Những người Việt trên đất Lào đã đến và san sẻ mất mát với người dân nước bạn sau sự cố vỡ đập.

8

Nhóm đồng hương Ninh Bình (phải) tại Sanamxay chia sẻ khó khăn với người dân Lào

Leo cây, leo nóc nhà chờ cứu

Chúng tôi gặp anh Vôn Xam Đa (39 tuổi, trú bại bản Hi Lat) khi hay tin hai người con của anh đến nay vẫn chưa tìm thấy. “Tối hôm xảy ra lũ lụt, lúc ấy khoảng 20h. Cả gia đình gồm hai vợ chồng, 4 đứa con và mẹ già đang ăn cơm thì nghe ầm ầm nước đổ về. Cả gia đình bỏ bữa, bồng bế nhau chạy lên tầng hai khi nước bắt đầu tràn qua  cửa để vào nhà. Ai cũng hoảng sợ, chỉ vài chục phút sau, nước dâng lên tới gần cửa sổ tầng dưới nhưng lại tiếp tục dâng cao. Xung quanh nhà bắt đầu có những tiếng hét cầu cứu xen lẫn với tiếng nước chảy ào ào. Một lúc sau, một chiếc xuồng của nhà dân bên cạnh chạy tới kêu mọi người phải chạy nhanh, tôi nhanh chóng gửi mẹ già và bé gái 12 tuổi lên đây. Chiếc xuồng này chật chỗ nên không thể đưa thêm người nên còn 5 người ở lại gồm tôi, vợ và 3 người con”, anh Vôn nhớ lại.

Khi chiếc xuồng vừa chạy được mấy phút thì căn nhà bắt đầu chao đảo, lắc mạnh. Anh Vôn và vợ ôm 3 người con. “Nước xô, nhà đổ, chúng tôi bị trôi ra ngoài. Tôi cố gắng ôm 2 đứa con bên cạnh mình nhưng không được. Hai đứa bé bị nước cuốn trôi ngay”, anh Vôn kể.

Theo báo cáo của chính quyền huyện Sanamxay, Attapeu (Nam Lào), đến cuối giờ chiều 26/7, con số người mất tích vẫn là 131; trong ngày đã đưa được hơn 200 người dân bị mắc kẹt ở tâm lũ đưa về chăm sóc tại trung tâm huyện. Con số thiệt hại về tài sản vẫn chưa thống kê đầy đủ.

Còn chị Um Maly Sasy Peh (vợ anh Vôn Xam Đa) cho biết: “Tôi trôi được khoảng 200m bị vướng vào một cành cây. Khi đó, một đứa con của tôi trôi phía trước mặt, nó la hét. Tôi ngay lập tức cố thoát ra rồi trôi theo tiếng hét. Trôi một đoạn thì nghe nó hét trên một cành cây, nên đu vào nhành cây đó. Đứa trẻ liên tục giãy giụa khiến tôi bị những cây cột nhà đang trôi tông vào người khiến bầm tím cả mặt và chân”.

Anh Vôn cũng cho biết, anh bơi kiệt sức và bị nước nhấn vào một bụi cây cách vợ và con trai mình khoảng 200m. “Cả người tôi bị cành cây và sức nước xé hết quần áo. Tôi bám vào cành cây đến hơn một ngày thì được quân đội giải cứu”, anh Vôn thuật lại và cho biết anh và cả gia đình chỉ biết cầu mong Phật che chở bình an để hai con anh trở về.

Ông Phu Luông Chăm Thạ (48 tuổi, trú tại bản Coống Cong) nhớ lại: “Khi nhà tôi và hai nhà hàng xóm bị nước ập vào thì phải dìu nhau trèo lên trên cao. Rồi cả ba căn nhà bị cuốn trôi, 11 người vừa ướt, vừa lạnh bám trên nóc nhà. Thương nhất là 4 đứa bé. Khi đưa về đến trung tâm huyện mới thở phào may mắn hơn những gia đình khác”.

9

 Nhóm đồng hương Ninh Bình (phải) tại Sanamxay chia sẻ khó khăn với người dân Lào

Người Việt chung tay

Những ngày này, căn nhà của vợ chồng chị Đỗ Thị Dung (32 tuổi, quê ở Kim Sơn, Ninh Bình; hiện đang làm ăn tại bản Mit Săm Phăn, huyện Sanamxay) luôn tập trung đông người Việt đang lưu trú tại đây. “Bây giờ hàng ngàn ngôi nhà của người dân bị cuốn sạch, nhà cửa, tài sản bị trôi rồi. Biết bao giờ họ mới khôi phục lại được để làm ăn. Mấy ngày nay mọi người ai cũng nôn nóng làm sao để giúp đỡ người dân ngay lập tức. Chúng tôi suy nghĩ bây giờ người dân gặp nạn ở đây cần gì nhất. Tôi bàn mọi người mua đồ ăn khô, nước sạch và ít bánh kẹo cho trẻ nhỏ. Rồi mọi người chia nhau hỗ trợ”, chị chia sẻ.

Chị Dung tổ chức họp 4 người em của mình đang sinh sống tại đây bàn cách nấu ăn chia phần vào các buổi trong ngày. Anh Đỗ Văn Dũng (30 tuổi, em ruột chị Dung) cho biết: “Người Lào ở đây họ tốt lắm, khi cần là họ giúp mình làm cái này cái nọ. Mình ở đây họ cưu mang mình nên giờ thấy như thế thì phải nhanh chóng giúp họ. Mấy hôm nay em họp bàn với 3 gia đình họ hàng ở đây tìm cách giúp họ ngay bây giờ. Chúng em thống nhất mọi người cùng làm đồ ăn phân phát cho người dân gặp nạn”.

Chị Đỗ Thị Hà (41 tuổi, quê Quảng Bình) bán áo quần giày dép ở chợ Sanamxay cũng bàn với chồng mua heo làm thịt rồi thuê người nấu để những người dân nước bạn có bữa ăn đủ chất, đảm bảo sức khỏe.

 Có mặt tại Sanamxay cuối giờ chiều, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cũng đã đến chia sẻ cùng người dân trong cơn hoạn nạn. Ngoài thăm hỏi người dân, ông Đức còn động viên các y, bác sĩ vừa điều động từ Gia Lai sang để chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân Lào trong cơn hoạn nạn.

Việt Nam hỗ trợ Lào 200.000 USD, cử 1.000 chiến sĩ ứng cứu

Sau sự cố vỡ đập thủy điện Xepian Xenamnoy tại tỉnh Attapeu, Lào, Chính phủ, quân đội, các cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam đã sát cánh cùng với Chính phủ và nhân dân Lào chia sẻ khó khăn với người dân vùng bị ảnh hưởng. Nhằm hỗ trợ nhân dân Lào sớm vượt qua khó khăn, ổn định đời sống, sáng 26/7, Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ 200.000 USD cho Chính phủ Lào để khắc phục khẩn cấp hậu quả sự cố.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất hình thức hỗ trợ phía Lào tại hiện trường sự cố vỡ đập thủy điện tại tỉnh Attapeu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/7/2018.

Trước đó, Bộ Quốc phòng cũng đã chỉ đạo Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và các đơn vị đứng chân trên địa bàn khẩn trương triển khai lực lượng, phương tiện giúp đỡ bạn tìm kiếm cứu nạn và khắc phục sự cố. Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và các đơn vị đứng chân trên địa bàn đã triển khai gần 1.000 cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kon Tum, Binh đoàn 15, Quân đoàn 3; huy động 26 ô tô, xe cứu thương, xuồng các loại, lực lượng quân y và Đội phẫu viện 211; gần 600 áo phao, nhà bạt, máy đẩy; 9 tấn lương khô sẵn sàng hỗ trợ giúp nước bạn ứng phó và khắc phục hậu quả sự cố.

H.Vũ

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.