Điện ảnh

Vui, hài miệt vườn trong phim truyền hình Tết hấp dẫn khán giả

08/02/2018, 08:01

Phim truyền hình Tết Mậu Tuất 2018 không chỉ là những câu chuyện trong gia đình, tình yêu, tình bạn.

24

Phim “Cô Thắm về làng” được yêu thích dù đã làm tới phần 3

Đa dạng “món ăn tinh thần”

Tết Mậu Tuất 2018, cả nước có 6 phim truyền hình mới được ra mắt. Không hẹn mà gặp, cả 6 bộ phim năm nay đều lấy bối cảnh ở miền Tây sông nước. Tuy nhiên, mỗi phim lại có những cách khai thác khác nhau với những chủ đề cho khán giả lựa chọn. Năm nay, có 2 bộ phim xoay quanh chuyện gia đình là Tía ơi, con muốn vợ rồi và Con hảo hán, tía không ngán. Riêng Tía ơi, con muốn vợ rồi dài 7 tập của đạo diễn Xuân Phước, xoay quanh câu chuyện về gia đình ông Hai, khi ông ra tối hậu thư buộc các con mang người yêu về ra mắt dịp Tết. Trong khi đó, Con hảo hán, tía không ngán kể về ông Bảy 60 tuổi, sống một mình chờ đợi con trai mất tích hơn 20 năm trước trở về. Phim do nghệ sĩ Hoàng Sơn - NSƯT Lê Mạnh đồng đạo diễn và dự kiến phát sóng trên VTV1 từ 16/2.

Bốn bộ phim còn lại mang những đề tài pha trộn về gia đình, tình yêu, tình bạn. Phim dài 5 tập Về quê ăn Tết của đạo diễn trẻ Trần Đức Long kể về hành trình du xuân của Quyết và hai người bạn thân khi quyết định về quê ông nội ở miền Tây nghỉ Tết. Cũng dài 5 tập, Lộc lạ đầu xuân của đạo diễn kiêm biên kịch Hoàng Thơ thực hiện lại là nỗi lòng của những người xa xứ lập nghiệp tại Sài Gòn trong những ngày cận Tết. Ngoài ra, phần 3 của bộ phim Cô Thắm về làng tiếp tục là khai thác về mối quan hệ giữa nhân vật cô Thắm với người yêu và câu chuyện của cô với những người dân làng.

Một bộ phim khá đặc biệt khác là Lạc giữa rừng hoa dài 4 tập. Phim có sự xuất hiện của chú chó con - con giáp của năm 2018. Nhân vật chú chó đóng vai trò chủ chốt trong phim khi là nhân vật kết nối tình cảm của hai diễn viên nam - nữ chính. Đạo diễn Đặng Minh Quốc chia sẻ, anh muốn có sự mới mẻ cho bộ phim Tết của mình nên quyết định làm phim về chó. Chú chó trong phim là chó nghiệp vụ, được ê-kíp làm phim cất công thuê với số tiền không nhỏ. Quá trình quay phim 22 ngày thì “diễn viên” chó là nhân vật khiến đạo diễn vất vả nhất. Được biết, ban đầu, ê-kíp thuê chó xiếc đã biết diễn trò, nhưng “cát-sê” thuê bằng… mời một diễn viên ngôi sao nên đoàn quyết định chuyển sang chó nghiệp vụ.

Những chuyện hài sau “lũy tre làng”

Với một bộ phim truyền hình hiện nay, để giữ được khán giả ngồi trước màn hình đã khó, phim Tết còn khó hơn. Bởi lẽ, thời điểm Tết, đa số mọi người đều đi chơi, chúc Tết, ăn uống… thay vì xem phim. Đây cũng là một áp lực không nhỏ đối với các nhà làm phim vì bộ phim phải có cách kể chuyện xúc tích, rõ ràng, mạch lạc và đủ lôi cuốn, đề tài cần sự mới mẻ và hấp dẫn. Thực tế cho thấy, những năm qua, phim Tết thường lấy bối cảnh chủ yếu ở miền quê, những câu chuyện trong “lũy tre làng”, từ phim đĩa hài tới phim truyền hình. Nói về điều này, biên kịch - đạo diễn Nguyễn Hoàng Anh tâm sự khi làm phim Cô Thắm về làng, chị cứ nghĩ nội dung về làng quê, Tết truyền thống sẽ khiến khán giả nhàm chán vì nghe có vẻ cũ kỹ. Nhưng thực tế, đa số khán giả đều thích một cô Thắm mộc mạc chân quê hơn.

Ở một khía cạnh khác, đạo diễn Đặng Minh Quốc chia sẻ, vấn đề chính thực tế ở kinh phí sản xuất bộ phim. Hầu hết các phim truyền hình đều do các đài truyền hình đặt hàng, với lượng kinh phí nhất định. Từ kinh phí kéo theo thời gian quay và cách thể hiện, kể chuyện. “một tập phim chỉ có nhiêu đó tiền thì mình không thể dựng bối cảnh hoành tráng, diễn viên ngôi sao… được. Do đó, mọi người thường bó gọn đề tài sao cho không quá phức tạp, cao siêu. Thông thường, các phim phải nộp trước cho đài 40 ngày nên phải quay trước đó khoảng 2 tháng. Thời điểm ấy, ngoài đường không có không khí Tết nên buộc phải chọn bối cảnh trong nhà hoặc quê cho an toàn, hạn chế quay ở ngoài đường”, anh lý giải.

Đạo diễn Đặng Minh Quốc cũng cho biết thêm, các đài truyền hình cũng thường không đặt nặng vấn đề rating với phim Tết do phim ngắn tập và cũng khó giữ khán giả ngồi lại trước màn hình. Do đó, các phim truyền hình Tết chủ yếu làm theo kiểu giải trí. Nam đạo diễn tâm sự: “Dù vậy, phim vẫn phải chất lượng chứ không thể làm theo kiểu cho có vì khâu kiểm duyệt cũng rất gắt gao. Phim Tết tuyệt đối tránh những cảnh khóc lóc, chia ly mà phải hài hước, ấm cúng, sum vầy đúng không khí Tết”.

Có thể thấy, dường như đã thành thông lệ, bất cứ sản phẩm nghệ thuật nào ra mắt vào dịp Tết đều mang yếu tố hài. Nếu trên sân khấu kịch, các vở diễn đa số là hài kịch, phim điện ảnh ngoài rạp cũng chủ yếu là phim hài thì phim truyền hình cũng tương tự. Các bộ phim đều mang tính chất vui vẻ, hài hước khi chỉ có vài tập phát sóng. Đạo diễn Xuân Phước cũng thừa nhận: “Phim Tết dĩ nhiên phải vui nhộn và có không khí Tết”. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.