Tâm sự

Vượt qua nỗi đau “đi ăn cỗ thành giỗ 9 người”

06/11/2016, 16:04

Vụ TN đường sắt thảm khốc làm 9 nạn nhân thiệt mạng, những người sống sót không thể quên được ký ức kinh hoàng.

31

Hiện trường vụ tai nạn

Tai nạn kinh hoàng ngày đi ăn cưới

Lặng nhìn những hình ảnh về vụ tai nạn được đăng tải trên báo chí, anh Lê Văn Tiến (SN 1975, tổ 12, phường Cam Giá, TP Thái Nguyên) nghẹn lời cho hay, sau khi tai nạn xảy ra, anh là người tỉnh táo nhất. Có lẽ cũng vì thế mà khung cảnh thương tâm, kinh hoàng của buổi chiều hôm ấy in đậm trong tâm trí anh, ám ảnh anh trong những giấc mơ cho đến tận bây giờ.

Anh Tiến kể, sáng 30/3/2011, chiếc xe 15 chỗ chở 20 người trong 5 hộ gia đình từ phường Cam Giá về thôn An Cảnh (xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội) để ăn cỗ cưới. Đến 15h10 cùng ngày, khi xe đang trên đường về lại Thái Nguyên, lúc đi ngang qua đường giao cắt giữa đường bộđường sắt thuộc địa phận huyện Thường Tín ra QL1 thì gặp tai nạn.

Thời điểm đó, anh Tiến đang bế cậu con trai 9 tháng tuổi (bé Lê Đức Anh) ngồi ở hàng ghế thứ hai. “Hai bố con đang đùa nhau thì bỗng “rầm” một cái, chiếc xe lắc mạnh khiến đầu tôi đập vào ghế trước, may mắn vẫn ôm chặt con trong lòng. Lúc này, trong đầu tôi nghĩ chắc xảy ra tai nạn rồi nhưng không nghĩ là xe của mình cho đến khi nhìn lại phía sau, tất cả đều tan nát, một cảnh tượng kinh hoàng chưa từng thấy trong đời. Giữa tiếng la hét thảm thiết, tôi như chết lặng”, anh Tiến chưa hết bàng hoàng nhớ lại.

Khoảng 15h10 sáng 30/3/2011, tàu lửa SE8 chạy hướng Nam - Bắc, đến Km 18+800 (thị trấn Tía, huyện Thường Tín) đã tông thẳng vào xe khách chở 21 người. Hậu quả, 9 người chết và ít nhất 10 người bị thương nặng. Tài xế xe khách là Nguyễn Thế Hùng (SN 1981, trú tại huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) thừa nhận khi chiếc xe lưu thông đến đoạn đường sắt trên đã nghe điện thoại, không để ý khiến tàu hỏa đi ngang qua nên không kịp xử lý. Ra tòa, tài xế Hùng bị xử phạt 8 năm tù giam. 

Rồi tiếng khóc của cậu con trai khiến anh bừng tỉnh. Nhìn sang bên cạnh, vợ anh (chị Phan Thị Liên, SN 1983) cũng đang ngồi thất thần. Ngay lập tức, anh đỡ vợ và con qua ô cửa kính bị vỡ để thoát khỏi xe. Lúc này, anh mới nhận ra chiếc xe khách bị tàu hỏa đâm trúng đuôi khi đang băng đường sắt. Cửa xe bị bắn ra ngoài theo quán tính, đuôi xe bị biến dạng hoàn toàn, chiếc xe đâm đổ cột đèn tín hiệu bên cạnh, đồ đạc rơi la liệt trên đường, máu lan khắp xe.

Chứng kiến khung cảnh kinh hoàng, chân tay anh bủn rủn, mất một lúc để trấn tĩnh rồi anh quay lại xe để tìm những người thân vẫn còn mắc kẹt. Do cú va chạm mạnh, 7 người ngồi phía sau xe đã tử vong, bà nội anh (bà Vương Thị Hay, SN 1914) và bác trai (ông Lê Văn Đàn, SN 1944) ngồi ở ghế đầu bị thương được người dân đưa đi cấp cứu. Những người khác cũng dần được tìm thấy nhưng bố anh (ông Lê Nam Thắng, SN 1957) không thấy đâu. “Tôi chui ra chui vào xe gần chục lần, lật tung mọi thứ để tìm bố nhưng không thấy. Lúc sau, phát hiện chiếc giày của bố dưới gầm tàu, trong đầu tôi bất giác nghĩ đến điều xấu nhất. May mắn thay, người dân địa phương đã tìm thấy bố ở lùm cây cách đường ray 100m, trên người có nhiều vết thương nhưng vẫn còn sống”, anh Tiến nhớ lại.

Ngồi bên cạnh con trai, đưa đôi tay xoa vết thương ở đùi do vụ tai nạn gây ra, ông Thắng cho biết, khi xe đi gần đến đường tàu, anh trai ông là ông Đàn nhìn thấy tàu hỏa sắp chạy qua liền quay sang nhắc tài xế nhưng do mải nghe điện thoại, tài xế không nghe thấy vẫn cho xe tiếp tục băng qua đường tàu. Thế rồi, chỉ trong tích tắc, chiếc xe bị húc văng ra xa. “Tôi bị bắn ra ngoài đập vào hàng hộ lan rồi rơi xuống chỗ lùm cây, bất tỉnh, không nhớ được chuyện gì”, ông Thắng cho biết.

Là một trong những người bị thương nặng, ông Thắng được chuyển lên Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cấp cứu và được chẩn đoán bị chấn thương sọ não, gãy xương hàm mặt và xương đùi. “Khi vào đến bệnh viện, tôi lờ mờ tỉnh lại, nghe người ta nói xe khách bị tàu đâm chết hết rồi, tôi dần nhớ ra. Cố gắng mở mắt, thấy con trai đang chạy theo xe đẩy cấp cứu, tôi vội hỏi cháu Đức Anh đâu, dù Tiến nói cháu không sao đang ở cùng mẹ bên ngoài nhưng tôi vẫn lo, nước mắt bất giác chảy ra khi nghe được thông tin đã có 9 người tử vong. Tất cả đều là anh em của nhau, xót xa quá”, ông Thắng xúc động nói.

Trải qua thời gian hơn 10 ngày nằm viện, sức khỏe ông Thắng dần hồi phục, tuy nhiên vết thương đến giờ vẫn đau mỗi khi trái gió trở trời, trí nhớ cũng giảm dần. Còn chị Liên (vợ anh Tiến) sau khi chứng kiến vụ tai nạn, tâm trí bị hoảng loạn, gia đình phải đưa tôi và con về nhà em gái dưới Hà Nội ở một thời gian để trấn tĩnh lại”, chị Liên kể.

Thế nhưng, đau xót nhất vẫn là hộ gia đình ông Hà Văn Lý (SN 1958) khi cùng lúc mất đi 5 người thân là vợ ông bà Lê Thị Thuận, con trai Hà Văn Thịnh, con rể Phạm Văn Chinh, con gái Hà Thị Phương (học lớp 9), cháu ngoại Phạm Văn Tùng (6 tuổi). Nỗi đau mất người thân quá lớn khiến ông Lý suy sụp, suốt khoảng thời gian dài ông cứ thất thần, không thiết ăn uống, chỉ ngồi lì trong nhà.

Nhắc về vụ tai nạn thương tâm, ông Lý không nén được xúc động bật khóc: “Tôi mất hết rồi cô ạ”. Đã 5 năm trôi qua, ông Lý vẫn chưa vượt qua được nỗi đau ấy. Ông Lý, bà Thuận có 4 người con (3 gái, 1 trai) lần lượt là Hà Thị Thủy, Hà Thị Thu, Hà Văn Thịnh và Hà Thị Phương. Hai cô con gái đầu đều đã lập gia đình. Trên chuyến xe định mệnh có 7 người trong gia đình ông thì duy nhất 2 mẹ con chị Thủy may mắn sống sót.

32
Ông Lê Nam Thắng cùng con trai Lê Văn Tiến đang chăm sóc vườn đào, công việc giúp ông quên đi những kí ức kinh hoàng

Nương tựa nhau vượt lên để sống

“Cả một thời gian dài sau vụ tai nạn, tôi không tài nào ngủ được, tâm trí lúc nào cũng hoảng loạn khi trong đầu luôn xuất hiện những hình ảnh vui vẻ của mọi người trong đám cưới hòa lẫn khung cảnh tang thương khi vụ tai nạn xảy ra”, chị Liên (vợ anh Tiến) cho biết.

Sau hơn 2 tháng chuyển về nhà em gái ở Hà Nội sống, tâm lý chị Liên dần ổn định rồi chị chuyển về tổ 12, phường Cam Giá sống cùng gia đình chồng. Trước khi vụ tai nạn xảy ra, vợ chồng anh Tiến, chị Liên làm việc ở bên Nga, sau khi sinh con đưa con về thăm bố mẹ, đi đám cưới thì xảy ra chuyện. Sau vụ tai nạn vợ chồng anh Tiến ở lại hẳn quê nhà.

Hiện, chị Liên đang làm công nhân tại nhà máy Samsung ở phường Tân Thành (TP Thái Nguyên), anh Tiến làm thợ cho công trình xây dựng trên địa bàn. Cuộc sống tuy khó khăn, nhưng hai vợ chồng anh vẫn thường vui vẻ, động viên nhau chăm chỉ làm ăn. “Mình may mắn được sống lần hai thì phải sống thật tốt, vợ chồng tôi đang tích cóp để chuẩn bị xây nhà cũng ở phường Cam Giá tiện cho việc chăm sóc bố mẹ”, anh Tiến chia sẻ đầy hy vọng.

Bước chân không còn nhanh nhẹn từ sau tai nạn, ông Thắng vẫn vui vẻ dẫn PV ra vườn đào trước nhà. Ông cho biết, 1 năm sau tai nạn, ông nghỉ hưu trở về trông nhà, trông cháu giúp các con. Thời gian rảnh, ông bàn với anh Tiến trồng vườn đào kiếm thêm thu nhập và để ông có việc làm mỗi khi rảnh rỗi. “Thời gian chăm sóc đào khiến tôi quên đi những chuyện buồn của vụ tai nạn. Vườn đào cho thu hoạch được 3 năm nay rồi, Tết năm nào tôi cũng mang đi tặng mỗi anh em, những người có mặt trên chuyến xe năm ấy một chậu đào để động viên nhau vượt qua nỗi đau, sống tốt để những người thân mất đi được yên lòng”, ông Thắng tâm sự.

Không có mặt trên chuyến xe định mệnh nhưng chị Hà Thị Thu (con gái ông Lý) cũng phải trải qua khoảng thời gian khó khăn khi mất đi chồng và con trai 6 tuổi. Sau tai nạn 3 năm, chị Thu xin phép gia đình chồng chuyển về ở cùng bố, hai bố con nương tựa, chăm sóc nhau. Từ ngày có con gái về ở cùng, ông Lý dần lấy lại tinh thần, không còn ngày ngày chìm đắm trong men rượu nữa. Hiện, chị Thu đang làm công nhân tại Công ty CP may Chiến Thắng (Thái Nguyên), cũng là nơi chị gái làm việc.

“Hàng ngày con gái đi làm tôi ở nhà thu dọn nhà cửa, chăm sóc ít rau ngoài vườn, chuẩn bị cơm chờ con về ăn. Thỉnh thoảng, em Thủy cũng đưa cháu Bảo về chơi giúp tâm trạng tôi khuây khỏa. Do chấn thương từ vụ tai nạn, mãi đến năm nay, Thủy mới có thai trở lại, cả gia đình đang mong chờ đứa trẻ chào đời. Nhìn các con khỏe mạnh, sống vui vẻ hơn tôi cũng nhẹ lòng”, ông Lý tâm sự.

Nắm chặt tay PV trước khi chia tay, ông Thắng cho biết, sau vụ tai nạn, mỗi khi con cháu ra đường, ông đều nhắc nhở các con đội mũ bảo hiểm cẩn thận, chú ý quan sát đường để đảm bảo an toàn. “Chỉ mong sao những điểm giao cắt đường sắt sẽ được lắp barie, có người cảnh giới để những vụ TNGT đường sắt không còn xảy ra nữa”, ông Thắng nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.