Vận tải

Xe khách nội tỉnh tự “dừng cuộc chơi” tại nhiều địa phương

08/07/2017, 14:00

Từ nhiều năm qua, ở các tỉnh, thành trên toàn quốc, nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng xe khách nội tỉnh...

8

Xe buýt và xe khách cố định nội tỉnh cùng đón khách tại một điểm dễ gây lộn xộn

Từ nhiều năm qua, ở các tỉnh, thành trên toàn quốc, nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng xe khách nội tỉnh đã tự ngưng hoạt động do kinh doanh thua lỗ, khó cạnh tranh với hệ thống xe buýt “phủ sóng” rộng khắp.

Xe buýt hút khách

Ngày 4/7, ông Nguyễn Xuân Lai (ở phường Hạ Long, TP Nam Định) đến điểm đón xe buýt trên đường Hàn Thuyên (TP Nam Định) để đón xe buýt đi Thịnh Long (Hải Hậu). Chỉ đứng chờ hơn chục phút, ông Lai đã lên được xe buýt BKS 18B-013.69, trả giá vé 28 nghìn đồng cho toàn tuyến đường gần 60km.

“Tôi đi xuống huyện thăm người đồng đội cũ, giờ đi xe buýt tiện quá, cứ 30 phút lại có một chuyến rồi. Nhớ hàng chục năm trước, muốn đi phải chờ xe khách cả buổi mới có. Xe khách chạy trong tỉnh thường cũ lại chất nhiều đồ đạc, hàng hóa, có khách còn mang đồ ăn sống, động vật lên xe, ngồi trong xe rất chật chội, ngột ngạt”, ông Lai tâm sự.

"Đến nay, hầu như tất cả các tỉnh, thành tại địa phương đều phát triển xe buýt, rất nhiều tỉnh xe buýt thay thế hoàn toàn xe khách cố định và được người dân ủng hộ. Bộ GTVT đã có chủ trương, ban hành những quyết định về phát triển vận tải khách công cộng bằng xe buýt để thay thế xe khách cố định ở cự ly gần."

Ông Trần Quang Bình
Vụ trưởng Vụ Vận tải
Tổng cục Đường bộ VN

Theo ông Nguyễn Xuân Thao, Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái, Sở GTVT Nam Định, dù địa phương không có sự điều chỉnh bằng quy định, văn bản nào, thì từ năm 2007, trên địa bàn đã không còn tồn tại loại hình xe khách cố định nội tỉnh. “Hiện, tỉnh Nam Định có 66 xe buýt phủ kín các chặng từ thành phố đi các huyện và nối sang một số huyện khác. Xe buýt có ưu thế tần suất dày, 15-30 phút/chuyến, giá vé rẻ hơn, nên hút được hành khách. Còn nếu nói xe khách cố định nội tỉnh chở được nhiều hàng hóa hơn, thì cũng không phải. Bởi nguyên tắc, xe khách là xe chở người, không thể kiêm nhiệm vai trò xe tải chở hàng. Hơn nữa, đời sống càng nâng cao, đa phần hành khách sẽ không chấp nhận những chuyến xe cũ kỹ, ngồi chen chúc lẫn với hàng hóa”, ông Thao phân tích.

Từng kinh doanh xe khách cố định nội tỉnh, ông Nguyễn Thành Đô, chủ nhiệm HTX Vận tải Thành Đô (huyện Xuân Trường, Nam Định) cho biết, hơn chục năm trước, HTX đã xin ngừng kinh doanh vận tải khách tuyến cố định nội tỉnh do không có khách. “Trước đây, xe khách cố định nội tỉnh chủ yếu chở người kèm hàng hóa từ quê ra thành phố, từ thành phố về quê. Giờ hàng hóa đã có xe tải chở hàng đem đổ tận mối bán lẻ, hàng ở quê muốn bán cũng có thương lái về tận nơi gom mua, nên tự doanh nghiệp phải “dừng cuộc chơi”, ông Đô cho biết.

Để thị trường tự điều tiết

Ông Lê Ngọc Tuyển, Giám đốc Sở GTVT Bắc Ninh cũng cho hay, từ nhiều năm nay, trên địa bàn không còn hoạt động của xe khách nội tỉnh, bởi diện tích tỉnh nhỏ, trong khi hệ thống xe buýt trên địa bàn phát triển tốt. Toàn tỉnh hiện có 3 đơn vị đang khai thác 11 tuyến xe buýt nội tỉnh với gần 100 phương tiện, khối lượng hành khách vận chuyển đạt hơn 4,5 triệu lượt hành khách/năm. “Khi xe buýt phát triển tốt thì xe khách cố định nội tỉnh khó có cơ hội cạnh tranh”, ông Tuyển nhìn nhận.

Tương tự, ông Lê Hải Linh, Trưởng phòng Quản lý phương tiện, vận tải và người lái, Sở GTVT Thái Nguyên cho biết, hiện toàn tỉnh chỉ còn 3 tuyến vận tải khách cố định nội tỉnh với 17 đầu xe. “Sự phát triển của xe buýt công cộng khiến xe khách cố định nội tỉnh tự triệt tiêu, đó là theo sự điều tiết của thị trường, ngành GTVT tỉnh cũng không can thiệp. Hiện, tỉnh có 9 tuyến xe buýt với 136 đầu xe chạy tới tất cả các huyện, xã trung tâm huyện”, ông Linh thông tin.

Ông Võ Như Quang, Phó giám đốc Sở GTVT Quảng Bình cũng cho biết, tỉnh Quảng Bình hiện cũng đang xây dựng lộ trình tăng cường phát triển mạng lưới buýt nội tỉnh hướng tới dần thay thế xe khách nội tỉnh tuyến cố định. Tuy nhiên, hiện nay việc phát triển mạng lưới còn rất khó do số doanh nghiệp đầu tư buýt hạn chế, nhu cầu đi lại chưa cao. Hiện, tỉnh mới khai thác 3 tuyến gồm Đồng Hới đi Kiến Giang, đi Vũng Chùa - Đảo Yến, đi Phong Nha, đây đều là buýt phục vụ du lịch. “Quan điểm của địa phương là phát triển song song cả 2 loại hình để tạo sự cạnh tranh, thêm sự lựa chọn cho khách hàng. Tự người tham gia giao thông sẽ quyết định lựa chọn loại hình vận tải nào tiện nghi, giá rẻ, an toàn”, ông Quang nói.

Ông Trần Văn Quan, Phó giám đốc Sở GTVT Đồng Nai cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có gần 30 tuyến xe buýt nội tỉnh và liên tỉnh. Do xe buýt có ưu điểm tần suất chạy liên tục 50-70 chuyến/ngày, nên các tuyến xe khách nội tỉnh trên địa bàn nếu không đầu tư xe mới cải thiện chất lượng phục vụ sẽ không cạnh tranh nổi. “Tỉnh không cấm nhưng tuyến xe khách cố định nội tỉnh nào hoạt động không hiệu quả Sở vẫn sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để đăng ký chuyển đổi sang hoạt động xe buýt. Chủ trương của tỉnh là khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mở tuyến xe buýt với nhiều ưu đãi như mua xe được hỗ trợ lãi suất từ Quỹ đầu tư, tỉnh hỗ trợ về hạ tầng bến bãi, trạm xe buýt...”, ông Quan thông tin.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.