Xem - ăn - chơi

Xem kịch Sống tử tế: Giá như kịch tính được đẩy đến tận cùng!

05/05/2015, 09:39

Biết Như Lai nên chẳng thấy lạ khi vở kịch mới nhất của anh-Sống tử tế khiến khán giả rôm rả tranh cãi.

151
Một cảnh trong vở kịch Sống tử tế

Biết Như Lai nên chẳng thấy lạ khi vở kịch mới nhất của anh - Sống tử tế (dự án hợp tác giữa Nhà hát Tuổi Trẻ và Viện Nghiên cứu Xã hội kinh tế và Môi trường) khiến khán giả rôm rả tranh cãi. Nhớ không lầm thì từ bước khởi nghiệp, đạo diễn trẻ đã xác định: Không chọn an toàn làm đích đến!

Còn nhớ, khi tham dự liên hoan Sân khấu thử nghiệm toàn quốc lần I tại Hà Nội, nhà soạn kịch Lê Duy Hạnh có nói: Một tác phẩm sân khấu khiến khán giả tranh luận gay gắt, thậm chí chia thành hai phe: Bên yêu, bên ghét thì đó là một tác phẩm đáng xem! Đúng vậy, Sống tử tế có rất nhiều cái “đáng xem”, mà trước tiên là thủ pháp đồng hiện được áp dụng vô cùng khéo léo. Khéo và “mượt” đến nỗi dù Như Lai cùng lúc “đẩy” lên sân khấu hai bối cảnh, hai câu chuyện, hai tuyến thời gian, hai nhóm nhân vật với những mối quan hệ và biến động tâm lý phức tạp, khán giả không hề thấy mệt. Trái lại, thật tự nhiên, họ đã khóc, cười, phẫn nộ, hy vọng, thất vọng, đớn đau cùng những nhân vật từ thẳm sâu luôn mong mỏi sống tử tế, nhưng chẳng phải ai cũng hiểu: Để sống tử tế người ta phải dám sống thật với chính mình! Thế nên, mới có một ông bố tìm cách giam hãm đứa con tật nguyền giữa bốn bức tường, vì sĩ diện; mới có một chàng trai vì hận thù mà kìm nén tình yêu, chà đạp trái tim cô gái điếm tội nghiệp, chà đạp chính trái tim mình!

Trong vòng xoáy của trái ngang, thù hận ấy, mối tình đồng giới giữa Vinh - cậu trai bị câm có tâm hồn nghệ sĩ trong veo và Trung - chàng nhạc sĩ nghèo tài hoa, nhân hậu khiến người xem vỡ òa sung sướng. Những tràng pháo tay đã náo nức vang lên khi hai con người biết cách sống tử tế tìm đến với nhau. Khoảnh khắc ấy, Như Lai hẳn vô cùng xúc động. Anh đã “hi sinh” không ít năm tháng sự nghiệp cho một đề tài: Góc khuất của người đồng tính, và miệt mài đánh thức sự cảm thông trong khán giả, để những mối tình đồng giới được nhìn nhận như những mối tình dị giới. Ở góc độ đạo diễn, Như Lai khá “tinh quái” khi giấu kín giới tính thật của Vinh và Trung suốt ba phần tư vở kịch, tạo bất ngờ lớn. Cũng nhờ thế, sự cảm thông, cao hơn là sự đồng cảm mà anh nỗ lực khơi gợi đã ùa đến với khán giả theo cách thật tự nhiên.

Một cao trào “đắt giá” khác cũng được Như Lai giấu kỹ và chọn đúng thời điểm “lật bài”: Không ai ngờ, mối tình đẹp như mơ giữa Quang và cô gái điếm lại bắt đầu từ thù hận. Quang vừa yêu vừa hận, vừa trả thù vừa đau khổ, không lối thoát. Ngay cả khi Quang ném thẳng tiền vào mặt người yêu sau đêm ân ái, thì trong ánh mắt anh cũng không có lấy một tia hả hê. Không ít người đã phản ứng với cảnh yêu đương được dàn dựng rất “thực”, rằng: Có cần thiết không? Tại sao không dùng thủ pháp ước lệ theo cách truyền thống? Như Lai hẳn có chủ ý! Nếu cảnh nóng ấy không dữ dội và thực đến thế, biết đâu, cục tiền Quang quẳng vào mặt cô gái điếm đã không khiến khán giả chua xót tới vậy? Còn, đứng ở góc độ của khán giả đương đại, đến xem một vở kịch đương đại tất nhiên luôn đề cao yếu tố thực, thì sự “bạo tay” của Như Lai chưa đến nỗi vượt giới hạn!

Tiếc là, trong cảnh kết, Như Lai đã không “đẩy” kịch tính đến tận cùng. Một cái kết viên mãn với mọi “nút thắt” đều được gỡ bỏ khiến khán giả nhẹ lòng đấy. Nhưng biết đâu, với câu chuyện trong thực tế khó có thể khép lại theo kiểu happy-ending này, một cái kết “mở” khiến người ta phải ngẫm ngợi, phải tự vấn lại có “sức nặng” hơn thì sao? Có ai không thấm một điều, sống “tử tế” khó lắm! 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.