Chất lượng sống

Xếp hàng vào chùa tu báo hiếu mùa Vu Lan

22/08/2018, 07:25

Những lời giảng về ơn cha, nghĩa mẹ công dưỡng dục sinh thành vang lên khiến người nghe như muốn khắc tâm từng từ

13

Các phật tử tham dự khóa tu báo hiếu trong mùa lễ Vu Lan 2018 tại chùa Bằng A

Cơn mưa nặng hạt sầm sập đổ xuống ngày cuối tuần của tháng Ngâu không cản được bước chân hàng nghìn người khắp nơi đổ về tham dự khóa tu báo hiếu mùa lễ Vu Lan 2018 do chùa Bằng A (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) tổ chức.

Nước mắt rơi khi nghe giảng đạo hiếu…

Dáng người gày gò, bước đôi chân tập tễnh đến với khóa tu báo hiếu tại chùa Bằng A, anh Nguyễn Tiến Vĩnh (36 tuổi, quê Ninh Bình) cho biết, đây là lần thứ tư liên tiếp anh tham gia hoạt động này. Theo lời anh Vĩnh, cách đây hơn 6 năm, anh phát hiện mình bị mắc chứng viêm đa khớp quái ác. Đi trên mặt đất còn không vững, chân tay cử động khó khăn nhưng anh vẫn gắng tìm việc tự nuôi sống bản thân. Gương mặt lúc nào cũng hiện vẻ lạc quan, anh bảo dù bệnh tật, đau ốm nhưng không muốn nằm nhà khiến cha mẹ phiền lòng. “Trước đây, tôi nghĩ phải kiếm thật nhiều tiền, mua đồ ăn ngon, quần áo đẹp cho bố mẹ thì đó là hiếu thảo. Nhưng từ khi gặp biến cố trong cuộc đời, bản thân mới ngộ ra đó không phải là tất cả. Tiền kiếm bao nhiêu cũng hết, quần áo rồi cũng sẽ cũ… còn bố mẹ mới là điều quan trọng nhất”, anh Vĩnh chia sẻ.

Trong không gian thành kính tôn nghiêm, những lời giảng về ơn cha, nghĩa mẹ công dưỡng dục sinh thành vang lên khiến người nghe như muốn khắc tâm từng từ. Lần đầu đến với khóa tu, anh Dương Văn Giang, sinh viên năm cuối trường Đại học Kinh tế quốc dân rưng rưng xúc động. “Nghĩ tới những lúc cãi lời khiến cha mẹ phiền lòng, mình thực sự hối hận và không biết nước mắt rơi từ khi nào”, anh Giang bày tỏ.

Kế bên là bà Thiết (72 tuổi) lặng lẽ ngồi chắp tay giữa hàng nghìn tăng ni, phật tử tại chùa Bằng. Được biết, hai đấng sinh thành của bà đều đã qua đời từ lâu. Hàng năm, bà thường lên chùa thắp hương, cầu mong cho cha mẹ được yên nghỉ nơi tây phương, cực lạc. Hôm nay, bà không khóc bởi có lẽ nước mắt của một người con đi được gần hết cuộc đời đã chảy ngược vào tim. “Nhớ bố mẹ lắm. Dù biết kiếp người không ai tránh khỏi sinh ly tử biệt nhưng vẫn rất buồn. Tôi chỉ muốn nhắn nhủ một lời, những ai đang còn mẹ, còn cha xin hãy biết trân trọng, như câu thơ: Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc/Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không...”, bà Thiết nhắn nhủ.

Hồi chuông đánh thức hiếu tâm

Cùng hai cháu ngoại vội vã đội mưa để kịp tham dự khóa tu năm nay, bà Đỗ Thị Nhung Hiền (pháp danh Hoa Đạo), bày tỏ mong muốn các thế hệ sau sẽ hiểu được phần nào những giá trị thiêng liêng của đạo hiếu. “Trước khi đi, tôi có nói với các cháu, hôm nay là một khóa tu đặc biệt về ngày lễ Vu Lan, ngày lễ báo hiếu. Tôi mong muốn sau khi nghe sư thày giảng pháp các cháu sẽ luôn hướng điều lành, tránh điều dữ, ra ngoài đời biết giúp đỡ, yêu thương mọi người”, bà Hiền nói.

"Trong trăm điều phúc không phúc nào lớn bằng hiếu kính với cha mẹ. Và ngược lại, trong trăm điều tội, không tội nào nặng bằng tội bất kính với cha mẹ. Nghĩa hiếu hạnh đó đều được bao đời chúng ta noi theo”.

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm
Trụ trì chùa Bằng A

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, sư thày Quảng Kiên (chùa Bằng A) cho biết, khóa tu như một hồi chuông đánh thức mọi người biết trân quý cha, mẹ. Đó là gia tài lớn nhất của đời người. Mỗi người con như những hạt giống trong đất, cần phải đánh thức bằng một trận mưa và sau mỗi khóa tu sẽ là những tác động để gọi mời những hạt mầm của “đạo hiếu” thức tỉnh. Tuy nhiên, cũng có “hạt giống” vỏ rất cứng và cần phải “đập vỡ” mới thấm được đạo lý làm con.

Theo hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Bằng A, khóa tu báo hiếu là khóa tu mở, miễn phí dành cho tất cả mọi người, không có phân biệt lứa tuổi như các khóa tu khác. Bởi từ các cụ già trăm tuổi đến các em nhỏ ai cũng đều có cha mẹ. “Chúng tôi muốn tất cả mọi người đều có một khoá tu để hướng về hai đấng sinh thành nói riêng và ông bà, tổ tiên nói chung. Vì vậy, một nghi thức trang trọng đó là phụng thỉnh tổ tiên để tỏ lòng thành kính cũng được thự hiện trong khóa tu”, hoà thượng Thích Bảo Nghiêm nói.

Ngoài ra, vị trụ trì cũng trích dẫn, khi Phật giáo truyền vào Việt Nam, tinh thần hiếu đạo được tổ tiên người Việt tiếp thu và gặp nhau ở một điểm là biết tri ân, báo ân với cha mẹ, biết hiếu kính với tổ tiên. “Mong rằng sau khoá tu, các con trẻ sẽ vâng lời cha mẹ, hiếu kính với ông bà, tránh làm điều xấu và luôn học hỏi điều lành. Các ông bà, cha mẹ học tập hướng hiếu hạnh bằng cách tụng kinh, niệm phật để cho những người quá cố được siêu sinh, tránh cúng bái rườm rà, mâm cao cỗ đầy cũng như hạn chế đốt vàng mã gây lãng phí”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.