Chất lượng sống

Xong “Ký ức binh nghiệp”, ấp ủ viết hồi ký tặng vợ

18/12/2016, 11:05

Gặp Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang (LLVT) Khuất Duy Tiến tại căn nhà ấm cúng, giản dị trên phố Trần Phú...

35

Trung tướng Khuất Duy Tiến - Ảnh: Khánh Linh

Gặp Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang (LLVT) Khuất Duy Tiến tại căn nhà ấm cúng, giản dị trên phố Trần Phú, chúng tôi được nghe ông kể về nhiều câu chuyện hào hùng trong suốt thời kỳ ông tham gia cách mạng.

Người chiến sĩ cách mạng kiên trung

Sinh năm 1931 ở huyện Thạch Thất (Hà Nội), Trung tướng Khuất Duy Tiến tham gia cách mạng từ khi còn trẻ tuổi, mở đầu bằng nhiệm vụ làm cán sự thanh niên tại địa phương. Nhớ lại thời khắc cả nước sục sôi tinh thần kháng chiến theo lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây 70 năm, Trung tướng Khuất Duy Tiến kể: “Là một cán sự thanh niên mới được giác ngộ, tôi vô cùng xúc động khi nghe lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến thiêng liêng của Bác Hồ. Lời của Bác đã khơi dậy sức mạnh yêu nước, truyền thống anh hùng bất khuất của cả dân tộc, từ già đến trẻ, từ đàn ông đến phụ nữ, nó như một mệnh lệnh thiêng liêng, tạo ra sức mạnh vô biên để chiến thắng kẻ thù”.

“Những năm 1945, tôi phải chứng kiến nạn chết đói kinh hoàng chưa từng thấy. Làng tôi là làng nhiều thóc lúa nhất huyện Thạch Thất mà cũng có tới 400 người chết đói, người chết nhiều đến mức không có ván chôn. Nhà tôi cũng có người thân chết đói. Cha mẹ tôi sinh được 10 người con thì mất 5 người do bệnh tật và đói”, ông nghẹn ngào nhớ lại.

Theo Trung tướng Khuất Duy Tiến, năm 1948, địch chiếm quê hương ông nên Tỉnh ủy có chủ trương đưa lực lượng ta luồn sâu vào hàng ngũ địch để khai thác và tìm cách đánh địch.

Giữa năm 1949, khi ông đang hoạt động thanh niên cũng được giao tìm cách vào làm “bảo an” trong lực lượng của địch, mỗi khi địch chuẩn bị có đợt càn quét thì tìm cách thông báo cho quân ta.

Trong một lần cùng anh em lên kế hoạch giết tay lý trưởng gian ác nhưng bất thành, ông và đồng đội bị lộ, bị địch bắt và tra tấn dã man. “Chúng tra tấn bằng cách quay điện, dùng gậy tre đánh vào khắp người đến mức nát cả gậy, rồi dùng giày đá vào hai bên đầu. Chúng đánh và tra tấn nhiều đến mức tôi không còn cảm giác đau nữa, khắp người tê dại. Sau nhiều giờ tra tấn, tôi không đi nổi và cũng không tỉnh táo nữa thì chúng kéo lê tôi nhốt vào phòng giam kín mít, rộng chừng 15m2 nhưng giam đến 45 người. Vì thế dù khi ấy trời rét, nhưng bên trong ai cũng cởi trần, mồ hôi đầm đìa.

Bị giam ở đó hơn một tháng thì ông được chuyển đến nhà tù ở Sơn Tây, sau khi bắt liên lạc được với một tiểu đội bên ngoài, nhóm của ông gồm 7 người tìm cách trốn tù nhưng chỉ có 3 người chạy thoát, ông nằm trong số 4 người không chạy được, bị bắt lại và giam 1 tuần liền trong căn phòng giăng đầy thép gai. Tiếp đến, ông được đưa về nhà tù Hoả Lò và tham gia hoạt động cộng sản ngay trong tù.

Cuối tháng 4/1950, khi quân Pháp kéo xuống đánh Hà Nam, ông cùng các tù thường phạm được cho đi gánh thức ăn, vận chuyển vũ khí phục vụ cho trận đánh, nhân cơ hội này, ông và đồng đội đã tìm cách bỏ trốn và sau một thời gian thì tìm về địa phương để tiếp tục hoạt động cách mạng.

Chính thức tham gia Vệ quốc đoàn (sau đó là Quân đội nhân dân) vào năm 1950, ông nung nấu 2 mục đích: Góp sức giải phóng đất nước và trả thù cho những đòn roi tra tấn mà quân địch trút xuống người ông. Trong suốt quá trình chiến đấu, ông bị thương 8 lần. Vừa kể chuyện, ông vừa chỉ các vết thương trên khắp cơ thể ở hai tay - nơi vẫn còn mảnh đạn găm lại, rồi cả những vết thương ở đầu, ở chân, ở sườn… Ông nói các vết thương lúc nào cũng làm ông đau nhức, nhưng ông lấy việc luyện tập để quên đi tất cả những đau đớn ấy.

Ấp ủ viết hồi ký dành riêng tặng vợ

Người chiến binh già cầm súng kinh qua 4 cuộc chiến chống Pháp, Mỹ, Pol Pot và bành chướng phương Bắc, trải qua tận cùng của khổ cực, đau đớn và hiểm nguy nên giờ đây, mỗi khi nhắc đến gia đình, ánh mắt ông lại rạng ngời niềm vui. Bởi, ông đang có một gia đình hạnh phúc viên mãn với người vợ tảo tần năm xưa, các con cái có cuộc sống thành đạt và 9 cháu nội, ngoại cùng 2 chắt quây quần xung quanh.

Vợ ông khi đó là cô nhân viên văn thư làm việc ở Ủy ban, sau những lần gửi thư đi lại, hai người dần có cảm tình và quyết định đến với nhau. Đang học Lục quân khoá cuối nên bận ôn thi, ông chỉ được phép nghỉ 3 ngày để làm đám cưới vào mùng 8 tháng Giêng năm 1958. Sau khi xây dựng gia đình, hai ông bà sinh được 6 người con nhưng 2 người mất do bệnh tật, ông vừa học tập vừa chiến đấu trong điều kiện thiếu thốn, khó khăn, còn bà một mình tần tảo nuôi dạy, chăm sóc 4 người con nên người.

Giờ đây, người con cả của ông là Tiến sĩ, Trung tướng Khuất Việt Dũng đã là Chính ủy Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng. Con gái thứ hai là Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, hiện là Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội. Người con gái thứ ba là bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh, nhà sáng lập, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI). Và người con trai thứ tư là Tiến sĩ Khuất Việt Hùng, hiện là Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia.

Nhắc đến các con, ánh mắt vị tướng già rạng ngời hạnh phúc. Ông tâm sự, các con chính là niềm tự hào lớn nhất của ông và đã cùng vợ trải qua bao khó khăn, vất vả để nuôi dạy các con nên người. Bởi vậy mà ngay cả khi nghỉ hưu, ông ít có các thú vui như nhiều người khác, mà ông nói muốn có những cuốn hồi ký ghi lại cuộc đời mình để cho con cháu học tập, noi gương, từ đó, ông dạy các con, cháu về truyền thống trung - hiếu - nhân - nghĩa.

Ông đã xuất bản cuốn hồi ký Ký ức đời bình nghiệp - phác thảo khá trọn vẹn về con đường binh nghiệp của mình, nhưng ông cũng tâm sự đang ấp ủ một cuốn hồi ký khác dành riêng tặng vợ, viết về những lo toan, vất vả của vợ trong suốt quãng thời gian một mình nuôi con để ông yên tâm học tập và chiến đấu. “Tất cả công lao của tôi, những huân chương hay danh hiệu anh hùng mà tôi nhận được, có đến 2/3 là do công của vợ tôi”, ông nói, ánh mắt tự hào đưa sang nhìn người vợ đang ngồi bên cạnh.

Ngoài thú vui viết hồi ký, ông cũng hay đi thăm gia đình các liệt sĩ, hoặc giúp đỡ những người đồng đội của mình có hoàn cảnh khó khăn. “Tôi không bao giờ đi du lịch hay đi nước ngoài. Khoảng thời gian ấy, tôi đi thăm các nghĩa trang liệt sĩ, thăm những người đồng đội đã nằm xuống, giúp đỡ những đồng đội còn sống. Tôi luôn quan niệm rằng, mình phải trả ơn họ, họ đã chết để cho tôi được sống, họ chịu hy sinh, mất mát để tôi có được như ngày hôm nay”, ông tâm sự.

Trung tướng Khuất Duy Tiến sinh ngày 27/2/1931 tại xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Ông tham gia cách mạng từ năm 1946. Từ tháng 12/1973 đến tháng 11/1976, ông là Trưởng phòng Tác chiến Mặt trận B3-Tây Nguyên. Từ tháng 12/1976 đến tháng 11/1979, ông là Sư đoàn phó rồi Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320, tham gia làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia. Sau đó, ông đảm nhiệm các chức vụ: Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân đoàn 3 (1980-1984); Tư lệnh Quân đoàn 3 (1984-1989); Cục trưởng Cục Quân lực - Bộ Tổng Tham mưu (1989-1994); Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân I (1994 -1997).

Tháng 10/2013, Trung tướng Khuất Duy Tiến được Chủ tịch nước ký phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Trong sâu thẳm trái tim ông, danh hiệu đó là danh hiệu chung của toàn thể đồng đội đã cùng ông chiến đấu, nhất là những người đã hy sinh. Cũng trong dịp đó, Bộ trưởng Quốc phòng - Đại tướng Phùng Quang Thanh đã đến nhà riêng tặng hoa chúc mừng ông - vị tướng trận đồng thời là thủ trưởng cũ của Bộ trưởng khi hai người cùng tại ngũ tại Trung đoàn 64 trực tiếp tham gia các trận đánh vô cùng ác liệt trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.