Chuyện dọc đường

Xử lý xe trá hình quyết liệt như xe quá tải

21/02/2017, 10:05

Nếu không quản được loại hình xe hợp đồng trá hình, sẽ dẫn đến hệ quả là không có khách vào bến xe...

13

Xe Limousine dừng, đỗ đón trả khách trước cổng Bệnh viện Huyết học truyền máu T.Ư, Trần Thái Tông, Hà Nội (chụp 13h ngày 20/2) - Ảnh: Tạ Tôn

Bên cạnh đó, việc nở rộ xe trá hình còn có thể dẫn đến “phong trào” các doanh nghiệp vận tải tuyến cố định bỏ bến để chuyển sang chạy hợp đồng hoặc chạy dù, lập bến cóc.

Phải thừa nhận, loại hình vận tải theo hợp đồng trá hình có ưu điểm tạo thuận lợi trong lưu thông cho hành khách vì không phải vào bến, đưa đón linh hoạt. Nhưng nên nhớ, vận tải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Vì vậy, loại hình nào hoạt động cũng cần phải có tổ chức, chấp hành các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh vận tải. Thông tư 63 của Bộ GTVT đã quy định rõ về tiêu chuẩn đối với xe hợp đồng, nhưng xe trá hình tìm cách “lách luật” rất tinh vi.

Tôi đã trực tiếp đi loại xe này. Khi tôi gọi điện, họ nói sẽ đưa xe đến đón địa điểm nào thuận lợi nhất đối với hành khách. Họ còn hỏi tôi họ, tên và số chứng minh thư, cho nên lúc này tôi lập tức trở thành chủ hợp đồng của chuyến xe đó. Đến nơi, họ yêu cầu tôi ký tên vào bản hợp đồng đã có sẵn. Những hành khách tiếp theo họ cũng làm tương tự. Điều này đã hợp pháp hóa được các điều kiện theo Thông tư 63 của Bộ GTVT. Chính vì vậy, cơ quan tuần tra, kiểm soát “bất lực”, không xử lý được. Điều này càng khiến các nhà xe đua nhau mua sắm, cải tạo loại xe để chạy “giả danh” xe hợp đồng.

Trong đời hoạt động vận tải, chưa bao giờ tôi thấy loại xe giả danh xe hợp đồng phát triển rầm rộ như hiện nay mà cơ quan tuần tra, kiểm soát chỉ “đứng nhìn”. Nếu không có ngay giải pháp, nó sẽ nguy hại đến tổ chức vận tải tuyến cố định, các bến xe làm ra sẽ không có khách. Bên cạnh đó, trong khi xe tuyến cố định chấp hành nghiêm quy định của Nhà nước, đóng thuế đầy đủ thì xe hợp đồng trá hình ngược lại, họ gần như không đóng đồng thuế nào. Cơ quan quản lý Nhà nước cần có kế hoạch, giải pháp để giải quyết tình trạng này.

Trong “cuộc chiến” với xe trá hình, một mình ngành GTVT sẽ khó thực hiện mà cần sự vào cuộc của Bộ Công an. Việc xử lý phải quyết liệt như với xe quá tải trong những năm qua. Nếu chỉ có một mình lực lượng Thanh tra sẽ không thực hiện được vì họ chỉ được xử phạt xe ở trạng thái tĩnh, trong khi bắt gặp loại xe này đón khách, lực lượng CSGT có đầy đủ “quyền hành” dừng xe để xử lý. Cùng đó, ngành Thuế cũng cần vào cuộc để truy thu thuế đối với những doanh nghiệp mua xe “chạy dù” không đóng thuế. Xe muốn chạy hợp đồng cần phải trình hóa đơn đã đóng thuế đối với Sở GTVT địa phương. Khi mua xe phải đăng ký và đăng kiểm, chắc chắn lực lượng chức năng địa phương sẽ nắm được. Hoặc mỗi lần xe đăng kiểm phải trình hóa đơn đã đóng thuế. Qua đó, tạo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp vận tải.

Bùi Danh Liên 
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.