Thị trường

Xử phạt gần 400 doanh nghiệp vi phạm công bố thông tin

04/04/2019, 14:44

Trong năm 2018, Uỷ ban Chứng khoán nhà nước ban hành gần 400 quyết định xử phạt, trong đó có tới hơn 50% là vi phạm công bố thông tin.

img
Các diễn giả tham gia toạ đàm về "Công bố thông tin của doanh nghiệp" trên thị trường chứng khoán tổ chức sáng nay (4/4/2019)

Tại buổi toạ đàm “Công bố thông tin của doanh nghiệp" trên thị trường chứng khoán diễn ra tại Hà Nội sáng nay (4/4/2019), ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, về công bố thông tin (CBTT) của doanh nghiệp (DN) và đặc biệt là DN đại chúng hiện nay, chúng ta có thể nhìn nhận đầu tiên về mặt pháp lý, những quy định của hệ thống pháp luật liên quan đến CBTT tại Việt Nam theo chuẩn mực quốc tế, thậm chí hơn cả chuẩn mực quốc tế.

Cụ thể, theo thông lệ quốc tế, doanh nghiệp CBTT hàng quý, hàng năm phải có kiểm toán. Còn tại Việt Nam, DN niêm yết CBTT hàng quý, 6 tháng xem xét, hàng năm có kiểm toán. Ngoài ra, hệ thống quản lý doanh nghiệp ở quốc tế chủ yếu được thực hiện theo bộ thông lệ, ở Việt Nam đưa vào quy định tại nghị định 71 và tới đây sẽ đưa hẳn vào trong luật.

Ông Dũng cũng cho biết, nếu nhìn ở góc độ tích cực, trong 5 năm vừa qua, số doanh nghiệp vi phạm CBTT giảm rất nhiều. Trong đánh giá độc lập bên ngoài (ví dụ như số liệu của Vietstock), số DN đáp ứng theo tiêu chuẩn ở năm 2018 tăng gấp đôi so với năm 2017.

“Tuy nhiên, số DN vi phạm CBTT cũng vẫn còn nhiều. Năm 2018, UBCKNN ban hành gần 400 quyết định xử phạt, trong đó có hơn 50% là vi phạm CBTT. Bên cạnh đó, chất lượng quản trị công ty cũng có vấn đề. Nếu so sánh giữa ASEAN hay ASEAN 6 thì quản trị công ty của chúng ta ở mức thấp nhất” - ông Dũng thông tin.

Trong khi, dưới góc độ kiểm toán, ông Trần Đình Cường, Tổng giám đốc Ernst & Young Việt Nam cho rằng, chất lượng CBTT tốt hơn so với trước đây. Nhìn tổng thể, tuy vẫn đang ở vị thế thấp nhưng chúng ta vẫn đang đi lên.

Theo ông Cường, tính tuân thủ tự giác của các doanh nghiệp Việt Nam chưa cao so với mặt bằng chung. Một số doanh nghiệp lập các báo cáo vì quy định thay vì nghĩ thấu đáo đến việc nhà đầu tư cần có những gì và trách nhiệm là người được ủy thác tài sản của các nhà đầu tư. Ngoài ra, các quy định dù chặt chẽ đến đâu vẫn có lỗ hổng, không có quy định nào ngay lập tức hạn chế được tất cả hành vi sai trái.

“Chủ doanh nghiệp không làm công tâm và trách nhiệm dẫn đến việc cung cấp thông tin không kịp thời. Chưa kể, có những trường hợp vì mục đích không trong sáng, các chủ doanh nghiệp cố tình gian lận thì rất khó cho các đơn vị kiểm toán phát hiện vì kiểm toán chỉ dựa trên chứng từ tài liệu. Nếu chúng được làm giả tinh vi và đúng chỗ, chúng tôi cũng không thể đưa ra là tin cậy hay không đáng tin cậy”, ông Cường cho hay.

Cũng tại buổi toạ đàm, trên phương diện nhà đầu tư, tư vấn, quan sát thị trường, ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện quản trị công chứng Australia nêu quan điểm, CBTT doanh nghiệp có thể chia ra thành CBTT về tài chính và thông tin phi tài chính.

Về CBTT tài chính, hiện nay trên thị trường có khá nhiều bất cập, từ việc công bố, chất lượng thông tin đến chính bản thân hệ thống. Đặc biệt về chuẩn mực kế toán, Việt Nam là 1 trong 12 quốc gia đang đi đường riêng, không theo chuẩn mực quốc tế. Vì vậy, doanh nghiệp niêm yết gặp hạn chế trong việc công bố thông tin tài chính. Chất lượng báo cáo tài chính theo đó có thể bị ảnh hưởng.

Còn với CBTT phi tài chính là báo cáo thường niên hoặc báo cáo bất thường. Báo cáo thường niên gồm thông tin tài chính và phi tài chính nhưng hướng tới chuyện làm cho doanh nghiệp đẹp hơn, do đó tính minh bạch, độc lập chưa cao.

“Việc CBTT tương lai, như cáo bạch và thông tin dự báo để thị trường dựa vào đánh giá đều chưa được bên nào kiểm chứng, mà chỉ dựa trên thái độ tình nguyện của doanh nghiệp. Hiện, Việt Nam cũng chưa có quy định khuyến khích doanh nghiệp minh bạch trong vấn đề này”, ông Long nói.

img

Kết quả xổ số Vietlott 3/4/2019: Hơn 26 tỷ đồng có tìm được chủ nhân?

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.