Pháp đình

Xử phúc thẩm vụ “kỳ án” Nguyễn Long Vân

28/02/2019, 09:00

Sáng 28/2, TAND cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm vụ án ông Nguyễn Long Vân (nguyên cán bộ của Chi cục Thi hành án dân sự TP Đà Lạt)...

img
Khu đất đã được đấu giá thành công, bên trúng giá đã nộp tiền đầy đủ và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhưng hơn 10 năm qua người bị thi hành án cố tình trì hoãn

Sáng nay (28/2) tại TP.HCM, Tòa án Nhân dân cấp cao xử phúc thẩm vụ án ông Nguyễn Long Vân (nguyên cán bộ của Chi cục Thi hành án dân sự TP Đà Lạt) về tội “Ra quyết định trái pháp luật” (Điều 296 BLHS).

Vụ án Nguyễn Long Vân, được cho coi là kỳ án vì kể từ khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can đã có hơn 10 lần bị trả hồ sơ, điều tra bổ sung, rồi thay đổi tội danh, đã kéo dài hơn 10 năm.

Theo hồ sơ vụ án tháng 7/2008, ông Nguyễn Long Vân là Phó trưởng THA TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng (nay là Chi cục THADS TP. Đà Lạt) được giao tổ chức thi hành hai bản án mà bà Phạm Thị Hồng phải có nghĩa vụ trả với tổng số tiền hơn 48 tỉ đồng.

Tháng 1/2009, ông Vân đã thực hiện tiến hành kê biên và lập hội đồng định giá bán đấu giá toàn bộ khu đất 3.600m2 (số 357 đường Phan Đình Phùng, TP. Đà Lạt) để thi hành hai bản án mà bà Hồng phải trả nợ.

Người trúng đấu giá là Công ty Phương Trang Đà Lạt với số tiền hơn 37,244 tỉ đồng, cao hơn giá khởi điểm khoảng 50 triệu đồng. Công ty này ngay sau đó đã trả đủ số tiền, được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận quyền sử đụng đất.

Tuy nhiên, do bà Hồng có đơn tố cáo ông Vân vì cho rằng việc định giá thấp gây thiệt hại cho bà. Cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định lại khu đất bằng một hội đồng khác, nhưng vào thời điểm khác, rồi lấy kết quả đối chiếu và cho rằng ông Vân gây thiệt hại cho bà Hồng hơn 17 tỉ đồng.

Năm 2011, ông Vân bị CQĐT VKSND Tối cao khởi tố về tội ra quyết định trái pháp luật. Năm 2014, viện chuyển sang truy tố ông về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 2 Điều 285 BLHS. Năm 2017, bất ngờ CQĐT lại quay về truy tố ông Vân tội danh ban đầu “Ra quyết định trái pháp luật”.

Ngày 30/3/2018, TAND tỉnh Lâm Đồng đã chính thức đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm sau gần chục năm xảy ra vụ việc. Bản án sơ thẩm sau đó tuyên phạt bị ông Vân 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo. Cho rằng mình chỉ làm đúng chức trách nhiệm vụ, không vụ lợi ông Vân tiếp tục nộp đơn lên tòa phúc thẩm.

Về dân sự TAND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Cục THA dân sự TP. Đà Lạt bồi thường cho bà Hồng 17 tỷ đồng và yêu cầu bàn giao tài sản cho Công ty Phương Trang Đà Lạt vì đấu giá là đúng.

Ai được lợi khi vụ án kéo dài?

Vụ “kỳ án” này bắt nguồn từ việc năm 2008 bà Phạm Thị Hồng (trú 357 Phan Đình Phùng, TP.Đà Lạt) có vay mượn bên ngoài trong quá trình làm ăn. Do không có tiền trả nợ nên bà Hồng bị bà Lê Thị Thảo và Bà Nguyễn Thị Mai kiện ra tòa. TAND TP. Đà Lạt sau khi xét xử đã ban hành 2 bản án buộc bà Hồng phải bán tài sản để trả nợ cho bà Thảo và bà Mai.

Ông Long Vân khi đó đang là Phó trưởng THA TP.Đà Lạt được giao tổ chức thi hành hai bản án mà bà Hồng phải có nghĩa vụ trả với tổng số tiền hơn 48 tỉ đồng.

Đây cũng là giai đoạn thị trường địa ốc đóng băng, các giao dịch mua bán trên thị trường gần như bị đứng lại. Tài sản là bất động sản của bà Hồng cũng đã được đem ra đấu giá lần một nhưng không có người mua. Khi ông Vân tổ chức đấu giá lần 2, Công ty Phương Trang Đà Lạt tham gia và trúng với giá cao hơn giá khởi điểm.

Kết luận Điều tra và Cáo trạng của VKSTC cũng nêu rõ: Trung tâm bán đẩu giá tài sản tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện đúng, đủ các trình tự, thủ tục pháp luật quy định về bán đấu giá tài sản theo Nghị định số 164 ngày 14/9/2004 của Chính phủ quy định về đấu giá quyền sử dụng đất để thi hành án. Đầu năm 2009 Công ty Phương Trang Đà Lạt nộp hơn 37,244 tỷ đồng và được UBDN TP.Đà Lạt cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản.

Số tiền thu được, Chi cục THADS Đà Lạt đã trả nợ thay cho bà Phạm Thị Hồng (để thi hành án 02 bản án).

Mặc dù vậy, nhưng từ đó đến nay Công ty Phương Trang Đà Lạt vẫn chưa được giao tài hợp pháp của mình để đưa vào khai thác và sử dụng.

Còn bà Hồng, từ một người đang phải chịu thi hành 2 bản án, phải bán tài sản trả nợ lại là người được hưởng lợi nhiều nhất. Cụ thể bà Hồng vừa được nhận 37,244 tỷ đồng để trả được nợ nhờ vào việc đấu giá tài sản, vừa được sử dụng khai thác tài sản này suốt hơn 10 năm qua. Giả sử nếu không có số tiền của Công ty Phương Trang Đà Lạt để trả nợ thì thì đến nay lãi chậm trả, lãi phạt mà bà Hồng phải thanh toán trên 10 năm nay là bao nhiêu tiền? Rõ ràng thực tế bà Hồng không bị thiệt hại, mà chính bà Hồng đang là người được hưởng lợi lớn nhất từ việc cố ý chây ỳ kéo dài không giao tài sản cho Phương Trang.

Theo một luật sư tại TP.HCM, việc không giao tài sản khi đã thi hành án là trái pháp luật. Việc sử dụng đất trên quyền sở hữu của người khác cũng là trái pháp luật. Kéo dài tình trạng này gây tiền lệ xấu sau này trong quá trình thi hành án.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.