Thông tin doanh nghiệp

Xuân trên những công trình Đèo Cả

04/02/2016, 06:20

Biện pháp quản lý, thi công hiệu quả, tiến độ thi công hầm Đèo Cả ngày càng tăng trưởng tích cực.

anh 1. ham DC
Tốc độ đào hầm được cải thiện rõ rệt, đạt 150 - 160 m/tháng/mũi.

Biện pháp quản lý, thi công hiệu quả, tiến độ thi công hầm Đèo Cả ngày càng tăng trưởng tích cực. Công ty CP Đầu tư Đèo Cả tiếp tục khẳng định vị thế nhà đầu tư trên hàng loạt dự án hầm đường bộ trọng điểm trên QL1: Hầm Cù Mông, mở rộng hầm Hải Vân…

Tết sớm trên “đại công trường” Đèo Cả

Cận Tết nhịp điệu làm việc của các nhà thầu tại 4 mũi thi công hầm đường bộ Đèo Cả vẫn đang hối hả, đường vào các “gương hầm” sáng trưng, thông thoáng. Khoảng chừng 500 m có thêm ngách hầm ngang cho các phương tiện di chuyển thuận lợi nhằm đẩy nhanh tiến độ đào hầm. Từng lượt xe ben chở đá nối đuôi nhau ra khỏi cửa hầm. Bên trong tiếng các loại máy khoan đào, xúc rì rầm, xen lẫn âm thanh ồn ào của quạt thông gió.

Ông Lê Quỳnh Mai, Giám đốc Ban QLDA Đèo Cả cho biết: Bước sang năm 2016, mỗi ống hầm đào được trên 3.000 m trong tổng số 4.125 m, đạt hơn 70% chiều dài hầm. Mỗi ngày, công tác khoan hầm “lấn” vào lòng núi chừng 10-12 m và tốc độ khoan đào hầm ổn định trong thời gian qua.

“Dù hiện nay gương hầm đang nằm sâu trong núi khoảng 1,5 km, khoảng cách di chuyển của các phương tiện dài hơn nhưng bằng các biện pháp thi công hiệu quả, công tác đào hầm vẫn duy trì tiến độ ổn định”, ông Mai đánh giá. Bật mí về vấn đề này, theo ông Mai, nhà đầu tư, tư vấn giám sát (TVGS) và nhà thầu hàng tuần đánh giá tiến độ, chất lượng, an toàn lao động của từng mũi thi công, từ đó rút kinh nghiệm từ những vấn đề được giải quyết và phát huy các yếu tố tích cực.

Cùng với đó, các cơ quan quản lý về chất lượng, tiến độ của Nhà nước như Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước, Cục Quản lý Xây dựng của Bộ GTVT định kỳ và đột xuất kiểm tra công trường, trực tiếp làm việc với các đơn vị để nắm rõ tình hình và đôn đốc thực hiện, có ý kiến chỉ đạo giải quyết các vướng mắc. Về phía các nhà thầu, càng vào sâu, các đơn vị đã chủ động tăng cường trang thiết bị chuyên dụng với tỷ lệ 1:1 (một làm, một dự phòng), tăng số đầu phương tiện vận tải…

Đáng kể, một “gương đào” hiện đạt trên dưới 3,5 m, quy trình đào rút ngắn từ 10 - 12 tiếng. Theo ông Mai, cùng với địa chất vào giai đoạn ổn định, khá thuận lợi, không khó để các mũi đào hầm của các nhà thầu duy trì tốc độ từ  120 - 170 m/ tháng. Tại buổi kiểm tra trực tiếp hầm Đèo Cả vào ngày 2/7/2015 của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, không phải ngẫu nhiên mà ông Ichizuru Ishimoto, Giám đốc TVGS (Nippon Koei) đánh giá: Tốc độ đào hầm không chỉ cải thiện so với trước đây mà còn ổn định và tương đương với các nhà thầu quốc tế chuyên nghiệp.

anh 4. thong xe ham Co Ma1
 Thông xe kỹ thuật hầm Cổ Mã.

Trao đổi với PV Báo Giao thông ngay đầu những ngày Tết Dương lịch 2016, ông Hidefumi Ezawa, Giám đốc dự án TVGS dự án hầm Đèo Cả của Liên danh Tư vấn Apave - Dohwa - TEDI South và Liên danh Tư vấn Nippon Koei – Apave – A2Z cũng nhận định: Hiện tiến độ tổng thể dự án ổn định, đặc biệt công tác đào rất tốt, tốc độ đào hầm hiện nay rất khả quan. Theo ông Lê Quỳnh Mai, với đà tiến độ hiện nay, năm nay các nhà thầu có thể chủ động thời gian nghỉ Tết, thay vì phải làm xuyên Tết, bù phụ tiến độ như những năm trước. Nhiều đơn vị có kế hoạch đón Tết sớm trên công trường. Niềm vui tiến độ như chính mùa Xuân của những người làm nghề cầu đường, hầm đường bộ.

“Dự kiến, tháng 6/2016 sẽ chính thức thông hầm Đèo Cả sớm hơn khoảng 3 tháng và sẽ hoàn thành toàn bộ dự án đúng hẹn”, ông Mai nhấn mạnh. Trước đó, tháng 9/2015, hầm Cổ Mã đã thông xe kỹ thuật, vượt 2 tháng tiến độ.

Nhà đầu tư tầm cỡ

Ngày càng có nhiều nhà đầu tư tham gia vào các dự án giao thông, nhưng số lượng nhà đầu tư tham gia vào dự án hầm đường bộ rất ít và thực tế thời gian qua, “đại công trường” hầm Đèo Cả cùng với tên tuổi nhà đầu tư Đèo Cả đã khẳng định vai trò nhà đầu tư của những dự án hầm tầm cỡ nhất.

Lãnh đạo Bộ GTVT ghi nhận sau hơn 2 năm triển khai, tiến độ hầm Đèo Cả có những bước tiến khả quan, chủ động được nguốn vốn đầu tư trong nước, nhà đầu tư chứng tỏ năng lực trong quá trình thực hiện, lựa chọn được nhà thầu trong nước có chất lượng; Đặc biệt, tiết giảm tổng mức đầu tư mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội. Ông Nguyễn Văn Thể (nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT) hiện là Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng từng đề nghị cần nghiên cứu, nhân rộng mô hình quản lý, triển khai dự án trọng điểm từ công trình hầm Đèo Cả.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trong lần kiểm tra trực tiếp hầm Đèo Cả (tháng 7/2015) cũng cho rằng: Từ dự án hầm Đèo Cả phát triển mô hình mới về thu hút các nguồn vốn đầu tư ngoài xã hội nên cần được phát huy, nhân rộng. Nếu cứ trông chờ ngân sách, thì không cách gì có thể triển khai, đáp ứng được.

Theo Phó Thủ tướng, chủ đầu tư dự án chứng tỏ kinh nghiệm quản lý, điều hành, năng lực đầu tư, trong khi đó các nhà thầu thi công cũng đều là những đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực hầm.

Đại diện nhà đầu tư dự án Đèo Cả cho hay, nhờ có giải pháp hữu hiệu, tổng mức đầu tư dự án được tiết giảm từ 15.603 tỷ đồng xuống còn hơn 11.378 tỷ đồng (giảm hơn 25%). Trên cơ sở này, nhà đầu tư Đèo Cả đề xuất triển khai tiếp hầm Cù Mông, hầm Hải Vân và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Có thể “tăng tốc” đào hầm lên 200 m/tháng

Theo ông Hidefumi Ezawa, với điều kiện địa chất khá thuận lợi như hiện nay, các nhà thầu nội hoàn toàn có thể cải thiện, tăng tốc độ đào hầm Đèo Cả lên 200 m/tháng/mũi.

Điều này là khả thi nếu các nhà thầu tiếp tục nỗ lực nâng cao biện pháp quản lý, sắp xếp trang thiết bị, nhân lực; Tăng cường, chủ động công tác đảm bảo điều kiện thi công; Hạn chế tối đa thời gian chết giữa các quy trình đào.

Ngày 26/9/2015, nhà đầu tư Đèo Cả chính thức khởi công công trình hầm Cù Mông với chiều dài toàn tuyến gần 7 km, trong đó hầm Cù Mông dài 2,6 km và tổng mức đầu tư công trình hầm Cù Mông hơn 3.900 tỷ đồng. Đến nay, đơn vị thi công hoàn thiện phần đường công vụ, văn phòng điều hành, sẵn sàng cho công tác mở cửa hầm ngay đầu mùa khô năm 2016. Theo ông Lê Quỳnh Mai, dự kiến quý I/2016, dự án mở rộng hầm Hải Vân cũng chính thức được triển khai.

Dự án sẽ mở rộng đường hầm lánh nạn (dài 6,2 km) thành ống hầm mới hoàn chỉnh với 2 làn xe, xây dựng đường dẫn phía bắc thuộc thị trấn Lăng Cô, Thừa Thiên - Huế (dài 2,1 km) và đường dẫn phía Nam thuộc TP Đà Nẵng (dài 4,3 km), với tổng mức đầu tư khoảng 7.200 tỷ đồng. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2020. Ngoài ra, nhà đầu tư Đèo Cả đang nghiên cứu phương án “tích hợp” đường sắt và đường bộ qua đèo Hải Vân, với tính toán sơ bộ giảm khoảng 5% tổng mức đầu tư so với phương án làm hầm đường bộ và hầm đường sắt độc lập.

“Ngoài việc thương thảo với ngân hàng để có nguồn vốn thực hiện dự án, chúng tôi mời tư vấn nước ngoài tham gia vào thiết kế và giám sát để đảm bảo các phương án được triển khai hiệu quả nhất”, ông Mai nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.