Hạ tầng

Xuân về bên sông Vàm Cỏ

07/02/2016, 08:10

Hàng ngàn người dân từ TP HCM về quê ăn Tết theo QL50 qua cầu Mỹ Lợi thay vì đi QL1 như trước.

5
Người dân Tiền Giang về quê đón Tết qua cầu Mỹ Lợi không còn lụy phà như mọi năm

 Không còn cảnh lụy phà

Cầu Mỹ Lợi bắc qua sông Vàm Cỏ nối thị xã Gò Công (Tiền Giang) và huyện Cần Đước (Long An) được khánh thành đưa vào sử dụng vào dịp Quốc khánh 2/9/2015 đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại dịp Tết. Trong những ngày giáp Tết xuân Bính Thân, PV Báo Giao thông có dịp trở lại công trình nghìn tỷ, cầu Mỹ Lợi và ghi nhận niềm vui khôn xiết của người dân nơi đây.

Ông Trần Minh Viện (ấp Năm Châu, xã Bình Đông, Cần Đước, Long An) năm nay đã sắp bước sang tuổi “xưa nay hiếm” đon đả tiếp khách trong căn nhà mới sửa sang khi nhận được một số tiền đền bù từ dự án xây dựng cầu Mỹ Lợi. Bao nhiêu đời sống bên dòng sông Vàm Cỏ hiền hoà nhưng mỗi lần muốn sang bên kia bờ sông phía Tiền Giang để thăm bà con dịp Tết là một điều hết sức vất vả. 

“Hôm cầu thông xe là tôi chạy bộ một mạch lên giữa cầu để ngắm dòng sông Vàm Cỏ thơ mộng, chụp mấy tấm hình với cây cầu để làm kỷ niệm cho con cháu sau này. Đây là cây cầu mà người dân mơ ước cả đời”, ông Viện xúc động chia sẻ.

Ông Hồ Văn Năm (78 tuổi, ấp Trí Đồ, Bình Đông, TX Gò Công, Tiền Giang) cho biết, gia đình có truyền thống ba đời gói bánh tét bán cho người dân, du khách ở bến phà Mỹ Lợi. Khi bên phà không còn hoạt nữa, ông mang ra đường dẫn cầu Mỹ Lợi bán. Từ khi có cầu, khách thập phương đi lại nhiều, việc buôn bán của ông cũng thuận lợi, mỗi ngày bán được 50 đòn bánh. 

1
Ông Hồ Văn Năm hồ hởi khi bán được nhiều bánh tét bên cầu Mỹ Lợi

Vừa mới về đến nhà sau khi được công ty cho nghỉ Tết sáng 5/2, chị Nguyễn Thị Hồng (xã Tân Trung, TX Gò Công) tranh thủ mua sắm đồ về cho gia đình. Là công nhân của công ty Ponchen ở quận 7, TP HCM, chị Hồng cho biết trước đây mỗi lần về nhà dịp Tết như một cực hình vì có khi chờ phà mất hết cả buổi. “Tết này khỏe re. Sáng nghỉ tranh thủ mua sắm đồ cho gia đình chạy xe một mạch về đến nhà chứ không phải chờ phà như mọi năm”, chị Hồng hồ hởi kể.

Hướng mở cho phát triển kinh tế công nghiệp

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lê Văn Hiệp, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bình Đông cho biết, cầu Mỹ Lợi hoàn thành có ý nghĩa rất lớn đối người dân xã Bình Đông, mở ra cơ hội phát triển kinh tế địa phương. Từ ngày cầu Mỹ Lợi thông xe các dịch vụ thương mại hai bên khu vực gần cầu đều phát triển. Hàng hóa được giao lưu thuận tiện, không phải lụy phà trước đây.

Ông Hiệp cũng cho biết thêm, hiện nay tỉnh Tiền Giang đã quy hoạch trên 200hecta nằm dọc theo sông Vàm Cỏ, xây dựng ba Cụm công nghiệp 2,3,4 và Khu công nghiệp Bình Đông. Đã có một vài doanh nghiệp đến khảo sát để chuẩn bị đầu tư vào đây. Đối với đất nằm dọc hai bên QL50 thuộc địa bàn xã quản lý gần 5km, có khoảng 200 hộ sinh sống thì có trên 30 hộ sống chủ yếu bằng nghề buôn bán hàng ăn uống, may mặc, kinh doanh vật liệu xây dựng, tráng trí nội thất.

IMG_1106
Cầu Mỹ Lợi hoàn thành là điều kiện để phát triển kinh tế cho khu vực hai bên

 Từ khi cầu Mỹ Lợi hoàn thành nhiều người dân đã tiến hành đầu tư các khu nhà trọ, các dịch vụ ăn uống ngày càng phát triển hơn. Giá đất hai bên QL50 cũng tăng lên so với trước.

“Chúng tôi đang tạo điều kiện để thu hút nhà đầu tư về địa phương để phát triển kinh tế. Một tương lai khấm khá hơn sẽ đến với vùng quê nghèo Bình Đông nói tiêng và huyện Gò Công nói chung trong một ngày không xa, tất cả là nhờ có cầu Mỹ Lợi vừa xây dựng”, ông Hiệp nói.

Cầu Mỹ Lợi bắc qua sông Vàm Cỏ nối huyện Gò Công (Tiền Giang) với huyện Cần Đước (Long An). Dự án do Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển hạ tầng 620 làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư gần 1.439 tỉ đồng, thực hiện theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao). Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 2,691km, chiều dài cầu là 1.421m. Cầu được xây dựng bằng kết cấu bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực… Dự án được khởi công vào đầu năm 2014, hoàn thành dịp Quốc khánh 2/9/2015.

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.