Thời sự

Ý Đảng không thể khác với lòng dân

02/03/2015, 10:41

Luật Trưng cầu ý dân là cần thiết vì Đảng lãnh đạo nhân dân thì nhân dân cũng được quyền nói lên chính kiến.

31
Trung tướng Nguyễn Phúc Thanh

Quan điểm trên được Trung tướng Nguyễn Phúc Thanh, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội đưa ra trong cuộc trao đổi với Báo Giao thông xung quanh Dự án Luật Trưng cầu ý dân, vừa được đưa ra xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tuần qua.

Chưa bao giờ ý Đảng khác với lòng dân

Ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng và ý nghĩa của Dự án Luật Trưng cầu ý dân?

Dưới góc độ của một công dân, từng trải qua 10 năm đảm nhiệm chức danh Phó Chủ tịch Quốc hội, tôi thấy đây là một vấn đề tuy không mới mẻ nhưng lại rất bức thiết trước yêu cầu phát triển của đất nước hiện nay. Bởi nó được đưa ra trong điều kiện công cuộc đổi mới của đất nước ta đang đi vào chiều sâu và có nhiều diễn biến theo chiều hướng tích cực.

Vừa qua, Đảng ta đã phát động và lãnh đạo nhân dân thực hiện được công cuộc đổi mới, trong nội dung của công cuộc đổi mới đặc biệt nổi lên vấn đề về dân chủ. Việc trưng cầu ý dân càng thể hiện được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với vấn đề dân chủ, dân quyền.

Trưng cầu ý dân thể hiện sự công khai dân chủ của Đảng với quần chúng, Đảng lãnh đạo nhân dân thì nhân dân cũng được quyền nói lên chính kiến của mình. Khi mà hai bên đã đi đến chỗ cùng chung một chí hướng, cùng chung một lý tưởng thì dứt khoát sẽ có sự giao hòa về tư tưởng.

Có thể nói, đây là thời điểm cho phép để chúng ta ban hành Luật Trưng cầu ý dân. Yêu cầu đặt ra là chúng ta phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng để có thể ban hành luật này, làm sao để luật nhanh chóng đi vào cuộc sống, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hiện nay.

Thưa ông, dự thảo Luật Trưng cầu ý dân quan trọng là thế, song việc chuẩn bị hầu như còn rất sơ sài, và chính Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đã nhận xét là “hết sức chung chung, mơ màng”. Thời ông còn làm Phó Chủ tịch Quốc hội, việc chuẩn bị các dự án luật để trình Quốc hội được tiến hành như thế nào?

Qua theo dõi nội dung của Dự án Luật và theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi thấy Dự án Luật vừa qua mà Hội Luật gia Việt Nam là cơ quan chủ trì soạn thảo được chuẩn bị chưa chu đáo, nội dung chưa sâu và chất lượng của Dự thảo cũng chưa đạt yêu cầu.

Việc Hội Luật gia Việt Nam được giao là cơ quan soạn thảo Dự án Luật Trưng cầu ý dân mà lại có sự chuẩn bị không kỹ càng, nếu quy về trách nhiệm thì rõ ràng Hội Luật gia phải chịu trách nhiệm trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như trước dư luận. Bởi vì một khi đã được giao nhiệm vụ thì phải làm cho đến nơi, đến chốn.

Thời tôi còn làm Phó Chủ tịch Quốc hội, trong những phiên họp Thường vụ Quốc hội, với một cơ quan được giao soạn thảo luật nhưng chuẩn bị không kỹ thì chúng tôi tiến hành nhận xét, nhắc nhở yêu cầu rút kinh nghiệm, yêu cầu chuẩn bị thêm và trong lần chuẩn bị thêm, dứt khoát phải đưa ra quy định về nội dung, chất lượng và thời gian phải hoàn thành.

Ngay trong nội dung cơ bản nhất của dự án Luật Trưng cầu ý dân là những vấn đề được nêu ra để trưng cầu ý dân cũng được đưa ra chung chung, không cụ thể. Theo ông, những vấn đề nào cần đưa ra trưng cầu ý dân?

Những nội dung mà đem ra trưng cầu ý dân theo tôi phải có sự chọn lọc một cách chặt chẽ. Những vấn đề mà xét thấy cần phải tranh thủ ý kiến của đại đa số nhân dân, xét thấy mục tiêu đó phù hợp với lợi ích chung của toàn dân tộc cũng như của quốc gia thì tiến hành trưng cầu. Nhưng cần nhấn mạnh, phải có tính Đảng trong những vấn đề này, Đảng phải có chỉ đạo cụ thể cho quần chúng chứ không thể chung chung được, như vậy rất khó hiểu.

Có những vấn đề xét thấy không có lợi cho an ninh, lợi ích của quốc gia, các thế lực có thể lợi dụng vào đó để chống phá thì chúng ta không nên đưa ra. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, những vấn đề gì bức xúc nhất, cần có sự tập trung vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước thì đưa những vấn đề đó ra để bàn cho ngã ngũ và đi đến lấy ý kiến, tập trung trí tuệ của đại đa số nhân dân. Những vấn đề gì đã rõ, đã được thực tiễn kiểm nghiệm thì nên đưa ngay vào luật. Luật càng cụ thể bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu, đừng xây dựng luật chung chung theo kiểu luật khung.

Thưa ông, cũng đã có ý kiến băn khoăn rằng, nếu tiến hành trưng cầu ý dân về một vấn đề nào đó, song cuối cùng vẫn còn ý kiến này, ý kiến kia, vậy khi đó chúng ta phải giải quyết như thế nào?

Đảng ta luôn phấn đấu để đạt được sự đồng thuận trong dân. Còn có những vấn đề khi đưa vào cụ thể mà vẫn còn ý kiến này ý kiến kia, nếu xét về đại đa số nhân dân có ý kiến thì đề nghị các đồng chí lãnh đạo Đảng tiếp tục xem xét lại, sau đó lại phải có bước nghiên cứu, đánh giá, công khai trả lời với dân.

32

Những vấn đề đưa ra để trưng cầu ý dân phải là những vấn đề thật thiết thực và sát sườn (Ảnh chỉ có tính chất minh họa)

Cá nhân cũng có quyền đề xuất vấn đề cần trưng cầu

Về phạm vi trưng cầu ý dân còn có hai luồng ý kiến. Ý kiến thứ nhất cho rằng chỉ nên trưng cầu trên phạm vi toàn quốc. Còn ý kiến thứ hai cho rằng nên trưng cầu ở cả các địa phương, nơi liên quan trực tiếp đến vấn đề được đem ra trưng cầu. Quan điểm của ông thế nào?

Theo tôi nên có nhiều phương thức tiến hành. Càng xin được nhiều ý kiến trong phạm vi rộng của cả nước thì càng tốt, xin ý kiến trong phạm vi nhiều cấp, nhiều tầng lớp để đi đến đồng thuận thì chứng tỏ chất lượng của việc trưng cầu ý dân là cao. Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng có điều kiện để thực hiện trên phạm vi đó. Vì thế, nên có sự linh hoạt trong vấn đề này. Nếu vấn đề đem ra trưng cầu có liên quan trực tiếp đến một địa phương nào đó thì cũng nên tiến hành trưng cầu ý dân tại địa phương đó.

Có ý kiến cho rằng, người được đề xuất các vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân bắt buộc phải là cơ quan, tổ chức, còn cá nhân dù chức vụ có cao đến đâu cũng không được đề xuất. Ông nghĩ sao?

Đã là dân chủ thì mọi công dân đều có quyền bình đẳng như nhau, tập thể cũng như cá nhân, không nhất thiết phải là tập thể mới được đưa ra đề xuất. Nếu quy định cứng như thế thì không nên, vì cá nhân cũng có quyền đề đạt với tổ chức Đảng và Nhà nước những vấn đề mà bản thân cá nhân đó quan tâm. Và nếu Đảng, Nhà nước xét thấy vấn đề đó phù hợp với nguyện vọng và tâm tư chung của nhân dân, hợp với đường lối của Đảng thì sao lại phải cấm cá nhân?

Về kết quả trưng cầu ý dân, dự thảo đưa ra hai phương án là quá một nửa số cử tri được xin ý kiến thì vấn đề đem ra trưng cầu sẽ được thông qua. Phương án thứ hai là quá 2/3. Theo ông đánh giá, phương án nào sẽ khả thi hơn?

Theo Luật Bầu cử, chúng ta vẫn quy định cứ quá bán là đạt yêu cầu. Nhưng nhiều người lo ngại làm như thế sẽ không chặt chẽ, không “chắc tay”, nên nếu được 2/3 ý kiến quần chúng nhân dân đồng tình thì càng tốt, chứng tỏ chất lượng của việc trưng cầu ý dân cao.

Cảm ơn ông!

Nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc:

Trưng cầu để xemdân nghĩ gì, cần gì

Dự án Luật Trưng cầu ý dân có một vai trò và ý nghĩa vô cùng quan trọng. Điều mà chúng ta cần đặc biệt quan tâm bây giờ là cách thức tổ chức trưng cầu ý dân như thế nào để đạt được tính dân chủ cao nhất. Dân chủ không phải là muốn hỏi thế nào thì hỏi, muốn trả lời thế nào thì trả lời.

Những vấn đề đưa ra để trưng cầu ý dân phải là những vấn đề thật thiết thực và sát sườn, nêu ra vấn đề để người dân có thể trả lời được, đó là điều không hề đơn giản. Với những vấn đề bức xúc đang đặt ra trong xã hội, nên đưa ra thăm dò xem dân đang nghĩ gì, cần gì, trưng cầu để đi đến quyết định.

Một khi đưa vấn đề ra để trưng cầu thì phải giải quyết được vấn đề đó. Về kết quả trưng cầu ý dân, nếu 2/3 số người được trưng cầu đồng tình với vấn đề đưa ra thì chứng tỏ tính dân chủ sẽ cao hơn.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, phương án này sẽ khó khả thi, nên cần có sự tính toán kỹ. Riêng về phạm vi trưng cầu ý dân, chúng ta nên thực hiện ở cả các địa phương như các nước trên thế giới vẫn đang làm. Có những vấn đề chỉ liên quan đến một địa phương thì tại sao cứ phải trưng cầu trên toàn quốc?

Hoài Vũ (Ghi)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.