Xã hội

Yêu cầu Trung Quốc ngừng xây dựng ở Hoàng Sa, Trường Sa

29/05/2015, 07:23

Những động thái gây căng thẳng mới nhất của Trung Quốc trên Biển Đông khiến thế giới lo ngại và phản đối.

CCHOTN~1
Đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp trái phép trên Biển Đông.

Liên tiếp gây hấn

Hôm qua (28/5), liên quan đến việc Trung Quốc thông báo tổ chức lễ động thổ xây dựng trái phép hai hải đăng cao 50 m với đường kính 4,5 m ở bãi đá Châu Viên và bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, ông Lê Hải Bình - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố: “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý, chứng cứ lịch sử để chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa.

Hành động nêu trên của Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam cũng như vi phạm tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông năm 2002 ký giữa ASEAN và Trung Quốc. Việt Nam yêu cầu dừng ngay các hoạt động xây dựng trên Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam; nghiêm túc tuân thủ và thực thi luật pháp quốc tế, nhất là công ước của LHQ về luật Biển 1982 cũng như tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), không có những hành động làm phức tạp thêm tình hình”.

“Các hoạt động xây dựng của Trung Quốc trên Biển Đông sẽ làm phức tạp nỗ lực giải quyết tranh chấp. Lập trường của EU là các bên liên quan phải kiềm chế việc đe dọa hay sử dụng vũ lực và phải tìm một giải pháp mang tính hòa bình”. Ông Donald Tusk - Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC)

Mới nhất, Australia nghi ngại Trung Quốc có thể đưa những loại vũ khí tối tân như radar tầm xa, súng bắn máy bay, máy bay do thám… nhằm tăng cường sức mạnh quân sự tại các đảo đá nhân tạo được xây dựng trái phép. Về vấn đề này, ông Bình cho biết: Các cơ quan chức năng của Việt Nam luôn theo dõi sát sao hoạt động của các bên liên quan trên Biển Đông. Chúng ta đều biết, Biển Đông là tuyến hàng hải, hành lang hàng không quốc tế quan trọng. Vì vậy, Việt Nam yêu cầu cũng như mong muốn tất cả các bên liên quan tôn trọng hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế, công ước của LHQ về luật biển 1982 và tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC).

Tờ Sydney Morning Herald (Australia) cho rằng, để “dằn mặt” Trung Quốc, Hải quân và lực lượng không quân Australia sẽ triển khai lực lượng ra khu vực, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ “tự do hàng hải” nhằm chứng minh: Australia không chấp nhận những hành vi tuyên bố chủ quyền ngang ngược của Trung Quốc.

Tín hiệu cứng rắn

Sau tuyên bố động thổ xây dựng hải đăng của Trung Quốc, Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest khẳng định, Tổng thống Mỹ Barack Obama coi tình hình an ninh tại Biển Đông là đặc biệt quan trọng đối với an ninh quốc gia của Mỹ cũng như đối với nền kinh tế toàn cầu và cam kết sẵn sàng cùng các nước trong khu vực bảo vệ và duy trì tự do hàng hải tại đây.

Hôm qua (28/5), hãng tin Reuters dẫn lời ông Ashton Carter - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ yêu cầu các bên chấm dứt hoạt động xây dựng và bồi lấp ở Biển Đông và tìm một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp chủ quyền. Theo ông Carter thì động thái bồi lấp các bãi đá, rạn san hô của Trung Quốc là “bước đi nằm ngoài sự nhất trí của khu vực” và hành động này khiến các nước trong khu vực xích lại gần nhau và tìm kiếm sự can dự ngày càng gia tăng của Mỹ.

Đồng thời, ông Carter cũng khẳng định nước Mỹ sẽ tiếp tục điều máy bay, tàu chiến hoạt động trong vùng biển được phép theo luật pháp quốc tế. Hiện, ông Carter đang ở Singapore dự hội nghị an ninh thường niên hay còn gọi là Đối thoại Shangri-La từ 29-31/5. Dự kiến, sau khi kết thúc, ông sẽ tới thăm Việt Nam.

Các nhà phân tích cho rằng, đây là một tín hiệu cứng rắn của Mỹ đối với những động thái leo thang của Trung Quốc tại khu vực trọng điểm nhạy cảm này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.