Xã hội

10 năm nạn nhân TNGT mòn mỏi chờ bồi thường sau tuyên án

30/07/2019, 06:42

Việc bồi thường cho các nạn nhân của vụ TNGT theo quyết định của tòa án trong phiên xét xử năm 2012 đến nay vẫn chưa được thực hiện.

img
Sau TNGT, từ một trưởng thôn khỏe mạnh, ông Thảo mất 98% sức khỏe, mọi sinh hoạt cá nhân đều phụ thuộc người nhà (Trong ảnh: Ông Thảo đang được bà Thọ, vợ ông chăm sóc)

Vụ TNGT khiến 2 người chết, 8 người bị thương ở Hải Dương xảy ra cách đây hơn 10 năm, vụ án đã đưa ra xét xử ngày 10/2/2012. Nhưng đến nay, việc bồi thường cho các nạn nhân của vụ TNGT theo quyết định của toà án vẫn chưa được triển khai.

Chây ì bồi thường

Ngày 31/3/2009, vợ chồng bà Thọ, bà Rời cùng một số người dân thuê xe khách BKS 17K-6146 của bà Nguyễn Thị Tuyết để du lịch chùa Yên Tử (Quảng Ninh), chiếc xe do tài xế Trần Văn Tuý (SN 1958, trú xã Ngọc Lương, huyện Yên Thuỷ) điều khiển. Khoảng 4h40 cùng ngày, khi xe đi đến QL5 đoạn qua địa phận huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương thì đâm vào đuôi xe đầu kéo do anh Chu Văn Hà (SN 1976, ở Hải Phòng) điều khiển đang chuyển hướng từ làn đường số 2 sang làn 1. Ngay sau đó, xe khách này bị xe tải do Nguyễn Trần Mạnh (SN 1972, trú Hà Nam) điều khiển đi phía sau cùng chiều đâm vào, rồi xe đầu kéo do Nguyễn Văn Quỳnh (SN 1983, trú Hải Phòng) lại tiếp tục đâm vào xe ô tô của Mạnh. Vụ tai nạn làm cả 4 xe ôtô hư hỏng, 2 người chết, 8 người bị thương.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, bà Nguyễn Thị Thọ (SN 1951, trú tại Phố Sấu, xã Lạc Thịnh, huyện Yên Thủy, Hòa Bình) cho biết: Ông Nguyễn Phương Thảo (SN 1950, chồng bà) trước khi bị tai nạn là trưởng thôn, là trụ cột của gia đình. Sau vụ TNGT xảy ra ngày 31/3/2009, ông Thảo bị chấn thương sọ não, liệt 1/2 người phải, cơ tròn không tự chủ hoàn toàn, cắt cụt 1/3 giữa cánh tay trái; gãy xương đòn phải, 2 xương cẳng tay phải, vỡ xương chậu ổ cối trái, xương mác trái. Giám định thương tật của ông Thảo là 98%.

Năm 2012, TAND tỉnh Hải Dương xét xử, tuyên các bị đơn dân sự phải trả chi phí điều trị cho chồng tôi là 830.000 đồng/tháng/người đến hết đời. Bản án được chuyển về Chi cục Thi hành án huyện Yên Thủy (Hòa Bình) để thi hành án, nhưng tới nay bà Thọ chưa từng nhận được đồng nào.

“Chục năm qua, gia đình tôi lao đao, khánh kiệt vì vụ tai nạn. Tôi giờ đã già yếu, việc chăm sóc chồng thật vô cùng mệt mỏi. Số tiền bồi thường theo toà tuyên không thấm tháp gì so với chi phí gia đình điều trị, chăm sóc cho ông, chứ chưa nói đến tổn hại vì ông đã không còn lao động được. Thế mà, bà Nguyễn Thị Tuyết (ở Ngọc Lương, huyện Yên Thuỷ, là chủ chiếc xe khách tai nạn) không một lần thăm hỏi, chưa từng bồi thường, dù tôi đã làm đơn khiếu kiện rất nhiều lần”, bà Thọ bức xúc.

Tương tự, ông Đinh Văn Miễn (chồng bà Phạm Thị Rời, trú tại Thịnh Vượng, xã Lạc Thịnh, huyện Yên Thủy) cho biết: “Vợ tôi bị tháo khớp vai phải, gãy xương sườn 4, 5, 6 bên phải, tổng số đền bù toà tuyên là gần 150 triệu đồng, chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu, các cơ quan có thẩm quyền cùng kết hợp với Chi cục Thi hành án huyện Yên Thủy để yêu cầu bà Nguyễn Thị Tuyết thực hiện trách nhiệm của mình đối với bên bị hại nhưng vẫn không được”.

“Chưa có điều kiện” nên chưa cưỡng chế thi hành?

Năm 2012, TAND tỉnh Hải Dương tuyên phạt tù các bị cáo Trần Văn Túy, Nguyễn Trần Mạnh, Nguyễn Văn Quỳnh với tội danh “Vi phạm quy định điều khiển phương tiện GTĐB”. Về trách nhiệm dân sự, toà buộc các đơn vị chủ quản của những chiếc xe gây tai nạn phải có trách nhiệm liên đới bồi thường cho những người bị hại, trong đó, tổng số tiền bà Tuyết phải bồi thường là gần 413 triệu đồng.


Bà Thọ bức xúc cho biết, nhiều lần bà lên Chi cục Thi hành án huyên Yên Thủy, gọi bà Tuyết lên để làm việc nhưng bà Tuyết tìm cách trốn tránh không gặp. Trong khi đó, bà Tuyết vẫn có nhà đất rộng rãi, cuộc sống ổn định. “Tôi đề nghị các cơ quan chức năng có giải pháp yêu cầu bà Tuyết thi hành án, đảm bảo quyền lợi cho chúng tôi”, bà Thọ nói.

Ông Miễn cũng xác nhận, trong lúc gia đình các nạn nhân lao đao, khánh kiệt, sống cơ cực thì bà Tuyết vẫn sống ổn định, vui vẻ. “Tôi đề nghị những người phải thi hành án chậm trả khoản tiền theo án tuyên thì phải chịu lãi suất đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán”, ông Miễn nêu ý kiến.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Bùi Khắc Đại, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình cho biết: “Việc chậm thi hành án do người phải thi hành án là bà Nguyễn Thị Tuyết chưa có điều kiện để thi hành án”. Tuy nhiên, ông Đại thừa nhận: “Hiện nay, bà Tuyết đang có phần tài sản chung của hộ gia đình nhưng tòa án chưa phân chia. Tới đây, nếu có quyết định của tòa án phân chia khối tài sản chung thì cơ quan thi hành án sẽ xử lý phần tài sản của bà Tuyết để làm cơ sở thi hành án”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.