Y tế

10 ngày gần đây, tăng 15 nghìn ca mắc sốt xuất huyết và 6 ca tử vong

05/07/2022, 11:30

Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận khoảng 92 nghìn ca mắc sốt xuất huyết, 36 ca tử vong. Chỉ trong 10 ngày qua, số mắc và tử vong tăng nhanh.

Vào cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết

Theo báo cáo của các địa phương, đến ngày 4/7, cả nước ghi nhận khoảng 92.000 ca sốt xuất huyết; đã có 36 trường hợp tử vong.

Theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, năm nay, số ca sốt xuất huyết nặng tăng nhanh, cao hơn nhiều so với cùng kỳ hai năm trước. Số trẻ em tử vong do sốt xuất huyết nhiều hơn người lớn, trong khi những năm trước số người lớn tử vong nhiều hơn.

img

Sốt xuất huyết tăng mạnh ở TP.HCM

Đại diện Bộ Y tế nhấn mạnh, hiện nay đang là cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết, số mắc liên tục tăng cao tại nhiều tỉnh, thành phố trong những tuần gần đây, tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam và một số tỉnh, thành phố khu vực miền Trung.

Nguyên nhân là dịch sốt xuất huyết có tính chất chu kỳ, thời điểm mùa hè thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho lăng quăng, bọ gậy phát triển; Bên cạnh đó, sự giao lưu đi lại của người dân cao, trong khi ý thức và hành vi vệ sinh phòng bệnh của người dân chưa tốt, còn chủ quan, lơ là, không chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh.

Bộ Y tế dự báo số mắc sốt xuất huyết thời gian tới tiếp tục gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Bên cạnh số ca mắc sốt xuất huyết tăng mạnh ở các tỉnh phía Nam, miền Bắc cũng bắt đầu ghi nhận các ca mắc mới. Đáng lưu ý, nhiều ca trở nặng phải nhập viện điều trị tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, BV Bạch Mai, hay BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng được xác định vừa trở về từ vùng dịch sốt xuất huyết phía Nam.

PGS.TS Nguyễn Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, BV Bạch Mai, khuyến cáo: “Với những người đi từ vùng dịch tễ có dịch sốt xuất huyết về mà bị sốt, thì cần nghĩ ngay đến khả năng mắc bệnh để làm xét nghiệm chẩn đoán sớm và có hướng điều kịp thời, tránh để bệnh trở nặng, dẫn tới các biến chứng đáng tiếc”.

Sốt xuất huyết dễ nhầm lẫn với sốt virus, nhận diện ra sao?

TS. BS Đặng Thị Thúy, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, với cộng đồng rất khó nhận biết các dấu hiệu của sốt xuất huyết Dengue và với các loại sốt virus khác.

img

Một ca sốt xuất huyết nặng điều trị ở BV Bạch Mai có dịch tễ về từ vùng dịch phía Nam

Bệnh nhân thường có sốt cao đột ngột 39- 40 độ, có biểu hiện nhiễm trùng toàn thân như đau đầu, đau mỏi người, kém ăn…; đặc biệt sốt xuất huyết còn có các dấu hiệu đặc thù như đau hốc mắt, da mắt xuất huyết. Ngoài ra, có thể có phát ban, ban đỏ, trong 3 ngày đầu có thể có các chấm xuất huyết trên da, nhưng thường ít hơn, dễ bị bỏ qua.

Khi có sốt cao 1, 2 ngày kèm các dấu hiệu như trên thì nên cho tới khám tại cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán chính xác bệnh, có hướng xử trí phù hợp.

Theo BS. Thúy, bệnh sốt xuất huyết không phải trường hợp nào cũng phải nhập viện điều trị. Do vậy, khi có các dấu hiệu của sốt xuất huyết, việc đầu tiên là đến cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân và có hướng điều trị phù hợp.

Với những trường hợp sốt xuất huyết đơn thuần, có thể được kê đơn thuốc ngoại trú và chăm sóc tại nhà.

Lưu ý, khi chăm sóc trẻ sốt xuất huyết tại nhà, cha mẹ cần làm theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, cho trẻ nằm nghỉ ngơi tại nhà, theo dõi nhiệt độ để dùng hạ sốt cho phù hợp, có thể dùng Paracetamol, các chế phẩm Hapacol hay Efferagan. Tuyệt đối không dùng hạ sốt Ibuprofen, vì có nguy cơ làm tăng xuất huyết trong ở bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue;

Cần uống nhiều nước, có thể là oresol để bù nước và điện giải, ăn thức ăn lỏng như cháo, nước dừa, nước trắng, sữa…;

Khi có dấu hiệu sau cần cho trẻ đến khám lại hoặc nhập viện ngay, cụ thể: Mệt mỏi hơn, li bì, hỏi không đáp ứng…; Nói sảng, vật vã, khó chịu…; Nôn nhiều, trong 1 giờ đầu nôn đến 3 lần, hay trong 4-6 tiếng thì nôn 4-6 lần; Đau bụng, đau phần gan bên phải, đau có xu hướng liên tục và tăng lên; Chảy máu niêm mạc như chảy máu chân răng, chảy máu cam, với nữ không phải ngày kinh nhưng lại có kinh nguyệt (tuổi tiền dậy thì), ít đi tiểu hơn…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.