Thông tin doanh nghiệp

10 sự kiện nổi bật 2017 của Công ty CP Đầu tư Đèo Cả

01/01/2018, 09:01

Năm 2017 tiếp tục đánh dấu một năm thành công của Công ty CP Đầu tư Đèo Cả.

34

Lễ thông xe toàn tuyến, chính thức đưa hầm đường bộ Đèo Cả vào vận hành khai thác (ngày 21/8/2017) - Ảnh: T.Nam - M.Phương

1. Thông xe, khai thác toàn tuyến hầm đường bộ qua Đèo Cả

Ngày 21/8/2017, sau 4 năm triển khai thi công xây dựng, công trình hầm đường bộ qua Đèo Cả chính thức thông xe toàn tuyến, bước vào giai đoạn vận hành, khai thác. Đây là dự án hầm đường bộ có quy mô đầu tư thuộc loại lớn nhất Việt Nam hiện nay, với tổng chiều dài 13,2km nối liền hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa.

Trong đó, hầm Đèo Cả dài 4.125m, hầm Cổ Mã dài 500m, cầu và đường dẫn dài 9km, toàn tuyến được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc thiết kế đạt 80km/h. Dự án có tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu 15.603 tỷ đồng, trong quá trình triển khai, nhà đầu tư đã nghiên cứu, điều chỉnh thiết kế, dự án đã tiết giảm được hơn 3.600 tỷ đồng.

Sau khi đưa vào khai thác, sử dụng, hầm Đèo Cả không chỉ rút ngắn thời gian lưu thông gần 1 giờ đồng hồ so với đường đèo, đảm bảo ATGT cho các phương tiện mà còn mở toang cánh cửa thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển phát triển KT-XH cho hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa nói riêng và khu vực Nam Trung bộ nói chung.

2. Hoàn thành giai đoạn 1 dự án hầm Hải Vân

Được khánh thành vào tháng 6/2005, Hải Vân là hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á (6,3km), tuy nhiên, sau 10 năm sử dụng với việc chỉ khai thác được một ống hầm đáp ứng cho hai làn xe chạy đã dẫn tới tình trạng quá tải, ùn tắc, hỏa hoạn và mất an toàn giao thông do lưu lượng xe lưu thông quá lớn. Trước nhu cầu cấp bách, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Bộ GTVT cho phép triển khai lập dự án đầu tư mở rộng ống hầm thứ hai qua đèo Hải Vân do Công ty CP Đầu tư Đèo Cả làm nhà đầu tư.

Theo đó, dự án đầu tư mở rộng hầm đường bộ Hải Vân có tổng mức đầu tư dự kiến gần 7.300 tỷ đồng, gồm hai giai đoạn: Giai đoạn 1 - Sửa chữa, cải tạo, nâng cấp hầm Hải Vân hiện hữu; Giai đoạn 2 - Mở rộng hầm lánh nạn thành hầm giao thông và xây dựng các công trình phục vụ công tác quản lý vận hành khai thác. Đến cuối tháng 12/2017, giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành, đảm bảo cho các phương tiện lưu thông qua hầm an toàn. Dự kiến, giai đoạn hai của dự án sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác trong quý I/2020.

3. Giải cứu BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn

Chính thức động thổ tháng 7/2015, nhưng hơn hai năm triển khai dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn (TMĐT: Hơn 12.000 tỷ đồng) rơi vào tình trạng bế tắc, trì trệ, vỡ tiến độ do năng lực tài chính và năng lực quản lý yếu kém của các nhà đầu tư, dự án không huy động được nguồn vốn tín dụng. Trước tình tình trên, đầu tháng 5/2017, Bộ GTVT đã kêu gọi Công ty CP Đầu tư Đèo Cả “giải cứu” dự án bằng việc mua lại Công ty CP Đầu tư UDIC (đơn vị đứng đầu liên danh các nhà đầu tư cũ) để đáp ứng năng lực tài chính và đảm bảo tuân thủ các quy định, thủ tục pháp lý.

Sau khi Công ty CP Đầu tư Đèo Cả tham gia vào dự án, ngày 31/5/2017, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) đã chính thức ký hợp đồng tín dụng trị giá 10.169 tỷ đồng cho dự án đầu tư xây dựng công trình cao tốc Bắc Giang - TP Lạng Sơn đoạn Km 45+100 - Km 108+500 (dài 64km), kết hợp tăng cường mặt đường QL1 đoạn Km 1+800 - Km 106+500 (dài 105km) theo hình thức hợp đồng BOT.

Kết quả, sau khi “thay máu” nhà đầu tư, tiến độ dự án được đẩy nhanh, hợp phần tăng cường 105km trên QL1 đoạn Km1+800 - Km106+500 đến nay đã cơ bản hoàn thành, cuối năm 2019, hợp phần xây dựng mới 64km đường cao tốc sẽ kết thúc và thông xe toàn tuyến vào đầu năm 2020.

4. Thi đấu với nguồn vốn vay ADB, kỳ vọng hoàn thành toàn tuyến cao tốc từ Bắc Giang đến Cửa khẩu Hữu Nghị của nhà đầu tư BOT Bắc Giang - Lạng Sơn

Ngày 18/11/2017, trong phiên trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV về kế hoạch triển khai đoạn tuyến cao tốc Chi Lăng - Hữu Nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, dự án không dùng vốn vay nước ngoài mà sẽ triển khai bằng hình thức BOT trên tinh thần khắc phục những vấn đề còn tồn tại của hình thức này.

Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến chấp thuận của các bộ, ngành, Công ty CP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn đã có văn bản đề xuất Bộ GTVT giải pháp bổ sung đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng vào dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn. Đây là phương án khả thi nhất để đảm bảo phương tài chính của dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn không bị phá vỡ, còn đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng cũng rút ngắn được hơn 2 năm thu phí so với việc dùng vốn vay ADB.

Đồng thời, khi tiến hành gộp vào dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn, trong năm 2018 đoạn cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng sẽ triển khai xây dựng được ngay để hoàn thành toàn tuyến vào năm 2020, phát huy hiệu quả đồng bộ của tuyến hành lang kinh tế Hà Nội - Lạng Sơn - Nam Ninh (Trung Quốc). Hơn nữa, việc sử dụng nguồn vốn trong nước sẽ không làm tăng nợ công của Chính phủ và lộ trình tăng phí đoạn cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng thấp hơn phương án vay vốn của ADB.

5. Thay đổi để tồn tại, điều chỉnh mô hình quản lý

Giữa tháng 12/2017, Công ty CP Đầu tư Đèo Cả đã tổ chức thành công đại hội cổ đông bất thường để tái cấu trúc doanh nghiệp, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả, đồng thời đề ra những chiến lược mới mang tính đột phá, đưa doanh nghiệp tiếp tục phát triển mạnh mẽ nhưng phải bền vững, phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn trong thời gian tới.

Văn phòng HĐQT hình thành thực hiện chức năng hỗ trợ, giám sát Ban điều hành; đẩy mạnh vai trò của các thủ lĩnh điều hành ở lĩnh vực đầu tư, thi công, tư vấn,… Đồng thời, Công ty bổ nhiệm một số vị trí nhân sự mới, đặc biệt là sự chuyển giao chức vụ Chủ tịch HĐQT một cách hài hòa, đầy tính nhân văn.

6. Bài toán khó phải giải - chủ động đối thoại để giải quyết bức xúc của chủ phương tiện

Đầu tháng 12/2017, tại Trạm thu phí Ninh An (TX Ninh Hòa, Khánh Hòa) hoàn vốn cho dự án BOT QL1 (đoạn từ Km 1374+525-Km 1392 và đoạn Km 1405-Km1425+500) do Công ty CPĐT BOT Đèo Cả Khánh Hòa làm nhà đầu tư xuất hiện tình trạng một số chủ phương tiện trả tiền lẻ, cố tình gây ùn tắc tại trạm thu phí vì cho rằng, dự án thực hiện miễn giảm vé cho người dân trong khu vực không đồng bộ.

Trước tình hình trên, lãnh đạo Công ty CP Đầu tư Đèo Cả đã chỉ đạo doanh nghiệp dự án tổ chức đối thoại với các chủ phương tiện để cùng nhau đưa ra các giải pháp tháo gỡ vướng mắc. Ngay sáng 5/12, sau khi lãnh đạo trạm thu phí Ninh An trao đổi, giải đáp đầy đủ kiến nghị, thắc mắc đã nhận được sự đồng thuận cao của các chủ phương tiện và tình hình thu phí tại trạm BOT Ninh An ổn định trở lại.

Đối đầu thì đếm tiền lẻ, đối thoại thì đếm lòng dân… giải quyết bài toán thu phí ngắn hạn trước mắt là bước đi cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

7. Điểm sáng hoạt động xã hội, từ thiện

Công ty CP Đầu tư Đèo Cả không chỉ là nhà đầu tư mạnh trong lĩnh vực hạ tầng giao thông mà còn là đơn vị đi đầu trong trong các hoạt động cộng đồng, công tác từ thiện xã hội. Trong năm 2017, cán bộ, công nhân viên Công ty CP Đầu tư Đèo Cả đã quyên góp hàng tỷ đồng để ủng hộ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào vùng sâu, vùng xa, nhân dân trong khu vực bị ảnh hưởng của bão lũ.

Gần nhất, ngày 5/11/2017, chỉ một ngày sau khi bão 12 quét qua, các đoàn công tác của Công ty CP Đầu tư Đèo Cả đã đến thăm hỏi, động viên và trao hơn 200 suất quà (mỗi suất trị giá 2 triệu đồng) cho các gia đình tại hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa chịu nhiều thiệt hại của bão lũ.

8. Hoa hậu Hữu nghị ASEAN thăm hầm Đèo Cả

Ngày 25/6/2017, nằm trong kế hoạch hoạt động tại cuộc thi Hoa hậu Hữu nghị ASEAN Phú Yên 2017, các thí sinh đã đến thăm, tặng quà cho công nhân đang làm việc trên công trình trọng điểm quốc gia - Hầm đường bộ Đèo Cả. Tại đây, các thí sinh đã được lãnh đạo Công ty CP Đầu tư Đèo Cả giới thiệu về quá trình thi công, những công nghệ do người Việt Nam làm chủ tại công trình đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao như hầm Đèo Cả.

9. Thay đổi trụ sở làm việc

Để thuận lợi cho công việc, đồng thời bám sát chỉ đạo của các cơ quan chức năng như: Bộ GTVT, ngân hàng tài trợ vốn Vietinbank,… để đẩy nhanh tiến độ các dự án, năm 2017, Công ty CP Đầu tư Đèo Cả đã chuyển trụ sở làm việc từ tòa nhà ICON4 (243A Đê La Thành, Q.Đống Đa, Hà Nội) về tòa nhà CAPITAL (109 Trần Hưng Đạo, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội).

10. Hội thi “Tiếng hát người Đèo Cả”

Đây là sự kiện được Công ty CP Đầu tư Đèo Cả tổ chức vào tối 1/1/2018 tại khách sạn Minh Toàn Galaxy Đà Nẵng, nhân dịp tổng kết cuối năm và chào đón năm mới 2018. Hội thi là nơi tìm kiếm tài năng ca hát cũng như khích lệ tinh thần, tạo thêm sự gắn kết của cán bộ, công nhân viên Công ty CP Đầu tư Đèo Cả.

img

Đường sắt Bắc – Nam qua Đèo Cả khó thông đường vào 9/11

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.