Thời sự

10 sự kiện trong nước nổi bật năm 2017

30/12/2017, 13:30

Nhìn lại năm 2017, một năm nhiều cảm xúc được thể hiện qua 10 sự kiện nổi bật do Báo Giao thông bình chọn.

11

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các Trưởng đoàn tham dự Hội nghị APEC 2017 - Ảnh: TTXVN

Cùng lúc lãnh đạo của 21 nền kinh tế tụ hội tại Đà Nẵng; hàng loạt các quyết sách quan trọng, quyết định đường hướng phát triển đất nước trong tương lai được Trung ương Đảng ban hành; nửa đầu năm kinh tế phát triển chậm, nhưng 6 tháng cuối năm tăng tốc đẩy GDP tăng cao nhất trong 10 năm; những trận mưa lũ lịch sử gây thiệt hại nhiều tỷ USD… Nhìn lại năm 2017, một năm nhiều cảm xúc được thể hiện qua 10 sự kiện nổi bật do Báo Giao thông bình chọn.

1

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các Trưởng đoàn chụp ảnh chung trong Tuần lễ cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng - Ảnh: TTXVN

1. Thành công của APEC 2017, nâng vị thế Việt Nam, tạo động lực phát triển mới

Năm APEC 2017 với chủ đề: “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” bao gồm 200 hoạt động lớn, nhỏ được tổ chức tại 10 tỉnh, thành của Việt Nam, trong đó quan trọng nhất là Tuần lễ cấp cao lần thứ 25 diễn ra vào tháng 11 tại TP Đà Nẵng với sự tham gia của 21 lãnh đạo nền kinh tế thành viên APEC, trong đó có các nguyên thủ của những nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và khoảng 10.000 đại biểu (doanh nghiệp, phóng viên…).

Tại Lễ tổng kết Năm APEC 2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang - Chủ tịch Hội nghị Cấp cao APEC đánh giá, Năm APEC 2017 đã thành công tốt đẹp trên mọi phương diện, đưa Việt Nam trở thành tâm điểm chú ý của cả thế giới, là mốc son mới trong tiến trình hội nhập quốc tế, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Việt Nam đối với châu Á - Thái Bình Dương. Thành công của Năm APEC 2017 và Tuần lễ Cấp cao đã tạo khí thế mới, động lực mới cho từng ngành, từng địa phương, doanh nghiệp và cả nước trong tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng, mở ra thời kỳ phát triển mới đầy xung lực của đất nước.

Đáng chú ý, Hội nghị lần thứ 25 các nhà lãnh đạo kinh tế APEC đã thông qua Tuyên bố Đà Nẵng, tạo động lực mới vun đắp tương lai chung. Đây là kết quả quan trọng nhất Hội nghị Cấp cao APEC 2017. Đây cũng là dịp hình ảnh Việt Nam được quảng bá trên các phương tiện truyền thông lớn nhất thế giới, là tiền đề thu hút du lịch và đầu tư vào Việt Nam trong những năm tới.

4

Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị (Tháng 10.2017) - Ảnh Đức Anh

2. Đảng ban hành nhiều quyết sách hợp lòng dân

Năm 2017 diễn ra hai kỳ họp Hội nghị T.Ư (Hội nghị T.Ư 5 và 6, khóa XII). Hai hội nghị đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng, giải quyết những điểm nghẽn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và những đòi hỏi bức thiết của đời sống: Nghị quyết một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập... Hai nghị quyết này mở đường cho việc quyết liệt thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế trong bối cảnh ngân sách ngày càng khó khăn, không kham nổi do chi thường xuyên chiếm khoảng 65% tổng chi ngân sách.

Hai nghị quyết trên trực tiếp tác động đến gần 3 triệu công chức và viên chức hiện nay. Theo đó, nghị quyết yêu cầu từ nay đến năm 2021 phải tinh giản 10% biên chế hành chính, giai đoạn 5 năm tiếp theo (2021 - 2025) giảm thêm 10%.

Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, hiện cả nước có 2,44 triệu người đang công tác tại 57.995 đơn vị sự nghiệp (82,6% thuộc y tế và giáo dục), trong đó chỉ có 3,54% đơn vị tự chủ được tài chính, 22,36% tự đảm bảo được một phần và 72,67% là ngân sách phải bao cấp toàn bộ. Nghị quyết đặt ra mục tiêu đến năm 2021 giảm 10% đầu mối đơn vị sự nghiệp hưởng lương ngân sách, phấn đấu nâng số đơn vị tự chủ tài chính lên 10%. Và kiên quyết giải thể những đơn vị sự nghiệp hoạt động không hiệu quả.

Theo ông Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức T.Ư, nếu mỗi năm giảm được 1% chi thường xuyên (trong đó chủ yếu chi lương) thì chỉ 2 năm là tiết kiệm gần 23.000 tỷ chi cho GPMB sân bay Long Thành.

2

Tàu chở hàng container vào bốc xếp hàng tại cảng Tân Vũ (Hải Phòng) - Ảnh: Duy Thính

3. Chính phủ bứt phá, GDP tăng cao nhất 10 năm gần đây

Báo cáo về kết quả thực hiện KT-XH năm 2017 tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, dự báo cả năm 2017 đạt và vượt toàn bộ 13 chỉ tiêu KT-XH Quốc hội giao. Trong đó, tốc độ phát triển kinh tế (GDP) đạt 6,7%, cao nhất 10 năm gần đây. Đây là một thành công lớn trong bối cảnh thiên tai hoành hành. Đây là lần đầu tiên sau nhiều năm Chính phủ hoàn thành tất cả các chỉ tiêu Quốc hội giao.

Kết quả trên cho thấy phương châm hành động “Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động và phục vụ” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đi vào cuộc sống. Thực tế những chỉ đạo về tháo gỡ khó khăn, tạo mọi thuận lợi cho sản xuất kinh doanh; rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật; đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh; thường xuyên đối thoại, lắng nghe, giải quyết kịp thời hơn kiến nghị của doanh nghiệp, người dân... mà Chính phủ mới đề ra đã có những chuyển biến tích cực. Đến nay, đã cắt giảm, đơn giản hóa trên 5.000 thủ tục hành chính và năm 2017 được xem như mở màn cho việc cương quyết cắt giảm giấy phép con... Đây là tiền đề quan trọng cho việc cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển KT-XH trong năm 2018 và những năm tiếp theo.

3

Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua dự án cao tốc Bắc - Nam - Ảnh: Đức Anh

4. Quốc hội bấm nút thông qua 2 dự án giao thông lớn

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội chính thức bấm nút thông qua 2 nghị quyết xây dựng hai dự án giao thông lớn.

Cụ thể, với trên 83% đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua nghị quyết xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Trong giai đoạn 2017 - 2020, dự án cao tốc Bắc - Nam được đầu tư 654 km, chia làm 11 dự án thành phần với tổng mức đầu tư hơn 118.000 tỷ đồng. Quốc hội giao Chính phủ chuẩn bị đầu tư để thực hiện dự án từ năm 2017 và cơ bản hoàn thành năm 2021.

Với 91,4% đại biểu tán thành, Quốc hội cũng bấm nút thông qua Nghị quyết về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư CHK quốc tế Long Thành, với tổng mức đầu tư Dự án hơn 22,9 nghìn tỷ đồng. Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tiến hành một lần và hoàn thành trước năm 2021.

Ngay sau khi được Quốc hội thông qua, Chính phủ, Bộ GTVT đã có nhiều cuộc họp quan trọng với cơ quan liên quan và tỉnh Đồng Nai để rốt ráo triển khai thực hiện. Khi 2 đại dự án này hoàn thành sẽ gỡ được nút thắt ùn tắc giao thông cho CHK quốc tế Tân Sơn Nhất và QL1, đồng thời sẽ tạo cơ sở để đột phá phát triển KT-XH khu vực TP.HCM - Đồng Nai và những nơi đường cao tốc Bắc - Nam đi qua.

5

Một người dân ở huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) đứng dưới mái chòi sắp sập bởi dòng lũ cuồn cuộn chảy trong cơn bão số 12 - Ảnh Quang Thành

5. Một năm thiên tai, lũ lụt gây thiệt hại nặng nề

Trong năm 2017, Việt Nam đã bị ảnh hưởng bởi 15 cơn bão, nhiều đợt mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất làm gần 400 người chết và mất tích, tổng thiệt hại lên đến 60.000 tỷ đồng. Trong đó, cơn bão số 12 và mưa lũ sau bão đã ảnh hưởng đến các tỉnh miền Trung, đặc biệt là các tỉnh Nam Trung bộ, làm 123 người chết và mất tích, 342 người bị thương, 3.550 nhà bị sập, gây ngập lụt nhà cửa, lúa, hoa màu và cây ăn quả, hư hại nhiều công trình đê điều, giao thông… thiệt hại ước tính trên 22.600 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong hoạn nạn, một lần nữa truyền thống “tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách” của người Việt lại mạnh mẽ vươn lên, khi hàng triệu trái tim Việt đều hướng về bà con vùng lũ, sẻ chia miếng cơm, manh áo và đóng góp hàng trăm tỷ đồng giúp bà con gặp nạn sớm ổn định cuộc sống.

Qua những trận lũ lịch sử và tàn khốc, một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về nạn phá rừng chưa được ngăn chặn triệt để, lệnh đóng cửa rừng của Thủ tướng chưa được thực hiện nghiêm.

6
Khách hàng được giảm giá và hưởng nhiều ưu đãi khi mua ô tô trong năm 2017 - Ảnh:Bùi Hạnh

6. Thị trường ô tô nhiều biến động, người tiêu dùng được lợi

Năm 2017 chứng kiến nhiều biến động của thị trường ô tô, điển hình là cuộc chạy đua giảm giá hàng trăm triệu đồng/xe giữa các hãng hồi tháng 9, 10, điều chưa từng có tại thị trường Việt Nam. Đáng lưu ý, thương hiệu dẫn dắt cuộc đua giảm giá này lại là hãng xe nội THACO, sau đó mới đến Honda, Toyota, Hyundai Thành Công, Mitsubishi... Đây được coi là bước khởi động chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh khốc liệt năm 2018, khi chính sách thuế mới có hiệu lực (thuế nhập khẩu khu vực ASEAN giảm về 0% với sản phẩm có tỉ lệ nội địa hóa nội khối 40% trở lên).

Trong bối cảnh thực thi chính sách hội nhập mới, nhiều chuyên gia dự báo các doanh nghiệp nội, sản xuất ô tô khó cạnh tranh với các nước nội khối như: Thái Lan, Indonesia, Malaysia... thì các doanh nghiệp lớn tiếp tục đầu tư hàng tỷ đô la để xây dựng nhà máy mới (THACO xây nhà máy liên doanh với MAZDA, VinGroup xây tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast). Điều này thể hiện sự tự tin của các doanh nghiệp Việt trong cuộc đua cạnh tranh toàn cầu, đồng thời dấy lên niềm hy vọng và tự hào của người Việt về việc xây dựng ngành công nghiệp sản xuất ô tô, một trong những ngành công nghiệp quan trọng nhất của những nước phát triển. Bên cạnh đó, dự báo năm 2018 thị trường sẽ còn nhiều biến động và cạnh tranh khốc liệt khi Nghị định 116 về điều kiện kinh doanh và sản xuất ô tô trong đó có nhiều quy định mới có hiệu lực, hy vọng người tiêu dùng sẽ được mua giá ô tô rẻ hơn.

Năm 2017, làng nhập khẩu ô tô rúng động khi cơ quan chức năng khởi tố vụ án, bắt giam lãnh đạo Công ty CP Ô tô Âu Châu (Euro Auto - Doanh nghiệp nhập khẩu chính thức xe BMW tại Việt Nam) do có những hành vi gian lận, trốn thuế, làm hồ sơ giả. Một số thương hiệu xe sang nổi tiếng khác cũng bị truy thu thuế hàng chục tỷ đồng như: Công ty CP Ô tô Regal - nhà nhập khẩu xe Rolls Royce; Công ty CP Tập đoàn Tân Thành Đô với hai dòng xe sang là: Land Rover và Jaguar... 

7

Phạm Công Danh lĩnh án 30 năm tù vì làm thất thoát 9.000 tỷ ở Ngân hàng Xây dựng - Ảnh TTXVN

7. Năm của “đại án ngân hàng” rúng động dư luận

Ngày 8/9/2017, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Đặng Thanh Bình, nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, vì liên quan đến vụ án xảy ra tại Tổ giám sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đặt tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB) và một số đơn vị, tổ chức thuộc Ngân hàng Nhà nước. Đây là lần đầu tiên một cán bộ ngân hàng cấp cao đến Phó Thống đốc bị khởi tố.

Năm 2017 cũng chứng kiến hàng loạt chủ ngân hàng bị khởi tố, xét xử như: Phạm Công Danh, Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng, với thiệt hại được xác định lên tới 18.000 tỷ đồng. Ở giai đoạn 1, Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch VNCB; Phan Thành Mai, nguyên Tổng giám đốc cùng các đồng phạm nguyên là cán bộ ngân hàng, cán bộ Tập đoàn Thiên Thanh đã nhận mức án tổng cộng 122 năm tù, trong đó Phạm Công Danh lĩnh án 30 năm.

Ngày 24/11, Viện KSND Tối cao đã tống đạt cáo trạng truy tố 46 bị can trong giai đoạn 2 vụ án Phạm Công Danh, liên quan đến 4 ngân hàng gồm: Sacombank, TPBank, BIDV và VNCB.

Vụ án Hà Văn Thắm và 50 đồng phạm bị xét xử với các hành vi tham ô, cố ý làm trái, làm sai quy định gây thiệt hại tổng số tiền hơn 2.000 tỷ đồng. Trong đó, hành vi cố ý làm trái là chi lãi suất ngoài trái quy định của Nhà nước gây thiệt hại cho OceanBank hơn 1.500 tỷ đồng. Số cá nhân đã nhận lãi ngoài của OceanBank được xác định là hơn 51.000 người và có 392 doanh nghiệp. Tòa đã tuyên án tử hình đối với Nguyễn Xuân Sơn, tù chung thân Hà Văn Thắm cùng 49 bị cáo khác. Trong giai đoạn 2 của vụ án, đến ngày 21/12, CQĐT đề nghị truy tố tiếp 8 bị can.

8

Chăm sóc cho bệnh nhân nặng của sự cố tai biến chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình - Ảnh: Thái Bình

8. Một năm xảy ra nhiều tai biến y khoa

Năm 2017, một năm buồn với lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ khi để xảy ra hàng loạt bê bối, tai biến y khoa nghiêm trọng. Trong đó, vụ án thuốc ung thư giả của Công ty CP VN Pharma gây bức xúc lớn trong dư luận. Hàng loạt những tai biến y khoa nghiêm trọng khác cũng gây tổn hại tính mạng, sức khoẻ của nhiều bệnh nhân, gia đình người bệnh.

Điển hình là vụ tai biến chạy thận ở BV Đa khoa Hoà Bình hồi cuối tháng 5 dẫn tới cái chết cùng lúc của 8 bệnh nhân; Tai biến điều trị dẫn tới gần 50 trẻ em ở Hưng Yên bị mắc bệnh sùi mào gà; 4 trẻ sơ sinh chết do nhiễm khuẩn tại BV Bắc Ninh; liên tiếp ngộ độc rượu Methanol gây ra nhiều cái chết thương tâm; Bệnh sốt xuất huyết bùng phát ở nhiều địa phương gây tử vong cho 24 bệnh nhân. Dịch bệnh đặc biệt nghiêm trọng tại Hà Nội, TP HCM, kéo dài hơn nửa năm qua gây tổn hại về sức khoẻ, tinh thần và chi phí điều trị cho nhiều gia đình cũng như ngân sách. 

9

Phó chủ tịch UBND quận 1 Đoàn Ngọc Hải trong một lần "dẹp loạn" vỉa hè

9. Hiệu ứng “dẹp loạn vỉa hè” từ ông Đoàn Ngọc Hải

Khởi động từ TP.HCM với sự triển khai quyết liệt bởi Phó chủ tịch UBND quận 1 Đoàn Ngọc Hải, từ tháng 3/2017, chiến dịch ra quân “giành lại vỉa hè cho người đi bộ” đã gây ra hiệu ứng lan tỏa trong xã hội. Chiến dịch này lúc đầu chỉ diễn ra trong phạm vi địa bàn quận 1 nhưng từ “cảm hứng Đoàn Ngọc Hải”, chiến dịch sau đó nhanh chóng lan ra các quận khác trong thành phố. Sau đó lan ra cả Hà Nội, Đà Nẵng và nhiều thành phố khác trong cả nước. Thậm chí, tại Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung còn tuyên bố sẽ “công khai các cán bộ đứng sau chống lưng” nếu như tình hình không có chuyển biến trên địa bàn các quận, huyện.

Hiệu ứng mạnh mẽ là vậy, song đáng tiếc là chỉ sau một thời gian ngắn, mọi việc lại “đâu hoàn đấy”. Đến nay, hình ảnh ông Đoàn Ngọc Hải xuống đường dẹp vỉa hè gần như đã biến mất, nhiều tuyến vỉa hè lại tiếp tục bị tái lấn chiếm trong những tháng cuối năm. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Hà Nội và nhiều thành phố khác. Điều này cho thấy lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh đã thành thói quen xấu của đại đa số người Việt, hơn thế nó như chiếc vòi bạch tuộc không dễ gì gỡ được, nếu không có bàn tay sắt của cả hệ thống chính quyền.

10
Bóng đá nữ Việt Nam xuất sắc vượt Thái Lanvô địch SEA Games 29 - Ảnh: Huy Phạm

10. Thể thao Việt Nam buồn vui lẫn lộn

Giấc mơ HCV SEA Games môn bóng đá nam vẫn chưa thể hoàn thành khi U23 Việt Nam thất bại trên đất Malaysia. Nhưng bù lại, bóng đá nữ một lần nữa cho thấy sự xuất sắc với tấm HCV SEA Games lần thứ 5 trong lịch sử. ĐT U15 Quốc gia gây ấn tượng khi vô địch giải U15 Đông Nam Á 2017, còn tuyển U20 trong lần đầu dự World Cup cũng để lại những hình ảnh đẹp trong mắt bạn bè quốc tế. Đáng lưu ý, lần đầu tiên trong lịch sử, cả 6 đội tuyển của Việt Nam (U16, U19, U23, ĐTQG, ĐT nữ Việt Nam và Futsal Việt Nam) giành quyền dự vòng chung kết châu Á.

Ở các môn thể thao khác, điền kinh Việt Nam lần đầu đứng đầu toàn đoàn tại một kỳ đại hội thể thao Đông Nam Á với 17 tấm Huy chương Vàng, bên cạnh đó ở môn cử tạ Thạch Kim Tuấn đoạt liền 3 Huy chương Vàng tại giải Vô địch Thế giới, vận động viên khuyết tật Lê Văn Công giành Huy chương Vàng, phá kỷ lục thế giới tại giải bơi và cử tạ giành cho người khuyết tật thế giới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.