Xã hội

10 sự kiện trong nước nổi bật năm 2019

01/01/2020, 06:41

Việt Nam tăng trưởng GDP 7,02% thuộc nhóm cao nhất thế giới; lập kỳ tích tại SEA Games 30... là những sự kiện nổi bật năm 2019.

Năm 2019, thế giới xảy ra nhiều biến động khó lường, nhất là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Việt Nam đạt được kết quả ấn tượng trên nhiều lĩnh vực và đời sống xã hội. Tuy nhiên, nhìn lại năm 2019, cũng nổi lên không ít những thách thức cần phải sớm được giải quyết để đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc, an toàn hơn cho mỗi người dân. Báo Giao thông bình chọn 10 sự kiện nổi bật năm 2019.

1. Tăng trưởng GDP 7,02% thuộc nhóm cao nhất thế giới

img
Năm 2019 xuất siêu gần 11 tỷ USD (Trong ảnh: XNK hàng hóa tại Cảng Hải Phòng). Ảnh: HPP

Năm 2019, tăng trưởng GDP đạt 7,02%, thuộc nhóm nước có mức tăng trưởng cao nhất thế giới. Mức tăng trưởng ấn tượng này đạt được trong bối cảnh kinh tế, chính trị thế giới có nhiều biến động, đặc biệt là cuộc chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc Mỹ - Trung vẫn tiếp diễn; ở trong nước, khu vực nông nghiệp chịu ảnh hưởng bất lợi của dịch tả lợn châu Phi và nắng nóng, hạn hán.

Tốc độ tăng GDP ấn tượng khiến bình quân GDP đầu người đạt gần 2.800 USD (năm 2018 là 2.587 USD); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,45% (năm 2018 là 5,23%). Nợ công giảm mạnh, xuống mức 55% GDP; dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng cao, đạt trên 70 tỷ USD; xuất siêu gần 11 tỷ USD, mức kỷ lục từ 2012 đến nay. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt gần 31,8 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2018, vốn thực hiện ước đạt 17,62 tỷ USD, tăng 6,8%.

Trong năm qua, có khoảng 138.000 doanh nghiệp thành lập mới và 38.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Trong danh sách 200 công ty có doanh thu trên 1 tỷ USD tốt nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương do Forbes Asia 2019 công bố, có 7 doanh nghiệp của Việt Nam. Danh sách tỷ phú USD thế giới được Forbes vinh danh có 5 tỷ phú đến từ Việt Nam.

Đặc biệt, với việc tăng 3,5 điểm và 10 bậc theo đánh giá của WEF, Việt Nam trở thành quán quân trong cuộc đua cải thiện thứ hạng trong Bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019. Việt Nam lần đầu tiên vươn lên trong nửa trên của bảng xếp hạng thế giới, vị trí 67 trên 141 nền kinh tế được xếp hạng.

Những kết quả toàn diện trên minh chứng cho nỗ lực bền bỉ trong cải cách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp chúng ta đạt và vượt toàn bộ các chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội giao; tạo cơ sở vững chắc, tạo đà và động lực mới, khí thế mới cho việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020.

2. Việt Nam được quảng bá trên toàn thế giới nhờ đăng cai thành công thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2

img
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un bắt tay trong cuộc gặp ngày 27/2 tại Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Xuất phát từ mong muốn của Triều Tiên, sự đồng thuận của Hoa Kỳ và sự sẵn sàng, góp sức nhiệt tình của nước chủ nhà Việt Nam, sự kiện Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đã được tổ chức ở Khách sạn Metropole tại Hà Nội, vào các ngày 27 và 28/2/2019. Đây là cuộc gặp thứ hai giữa các nhà lãnh đạo của Triều Tiên và Hoa Kỳ, sau cuộc gặp đầu tiên vào năm 2018 tại Singapore.

Tuy đôi bên chưa ký được thỏa thuận chung, nhưng theo các nhà quan sát, cuộc gặp này vẫn ghi dấu và ý nghĩa đặc biệt quan trọng với tất cả các bên liên quan. Bên cạnh đó, việc trở thành nhà tổ chức cuộc gặp lịch sử cho thấy Việt Nam nhận được sự tin cậy của cả hai nước Mỹ - Triều về năng lực hậu cần, an ninh trong vai trò trung gian thúc đẩy hoà bình quốc tế.

Phát biểu trong cuộc họp tổng kết công tác tổ chức phục vụ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, dù thời gian chuẩn bị rất ngắn, chỉ hơn 10 ngày, công tác an ninh, an toàn vẫn bảo đảm tuyệt đối; công tác lễ tân, hậu cần bảo đảm trọng thị. Báo chí, truyền thông trong nước và quốc tế đưa tin đậm nét về sự kiện, về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

Theo Thủ tướng, thành công lần này đem lại vị thế mới, nâng lên tầm cao mới cho đất nước ta. Đây cũng là thông điệp mạnh mẽ của Việt Nam với cộng đồng thế giới về sự sáng tạo, vươn lên mạnh mẽ của Việt Nam trong việc phát huy tinh thần xây dựng, tích cực đóng góp vào công việc chung của khu vực và thế giới.

3. Lần đầu tiên quy định kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền

img
Ngày 23/9/2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Quy định số 205-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Ảnh: Nam Nguyễn

Ngày 23/9/2019, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 205-QĐ/TW quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Quy định chỉ rõ 6 hành vi chạy chức, chạy quyền; 8 Hành vi bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền và xử lý các hành vi chạy chức, chạy quyền. Đây là lần đầu tiên vấn đề kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền chính thức được Bộ Chính trị ban hành trong một quy định do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước ký.

Theo ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư, quy định 205 ra đời chính là điểm tựa cho tổ chức Đảng và nhân dân, giúp cho việc tuyển chọn cán bộ thực chất hơn, chọn được những người xứng đáng, đủ đức đủ tài vào bộ máy, thay vì những người chỉ biết thu vén cá nhân, động cơ tiêu cực.

Còn theo PGS. TS. Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, việc thực thi Quy định 205 trong bối cảnh chuẩn bị tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng sẽ góp phần lựa chọn cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ vào bộ máy lãnh đạo trong nhiệm kỳ tới.

4. Tiếp tục xử lý nhiều cán bộ cấp cao sai phạm

Trong năm 2019, hàng loạt cán bộ, kể cả lãnh đạo cấp cao tiếp tục bị xử lý kỷ luật, xem xét kỷ luật, khởi tố. Mới đây nhất, đầu tháng 12/2019, Ủy ban Kiểm tra T.Ư kết luận ông Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, trong thời gian giữ cương vị ủy viên Ban Cán sự đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã có vi phạm, khuyết điểm khi cho một số ý kiến chỉ đạo đối với dự án TISCO 2. Vi phạm của ông Hải đến mức phải xem xét kỷ luật.

Ủy ban Kiểm tra T.Ư cũng đề nghị Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật ông Triệu Tài Vinh, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó trưởng Ban Kinh tế T.Ư, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang.

Trước đó, ngày 4/11/2019, Thủ tướng kỷ luật cảnh cáo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh. Mức kỷ luật này tương ứng với mức kỷ luật về Đảng mà Bộ Chính trị đã kỷ luật ông Ninh trước đó, vì có vi phạm, khuyết điểm trong việc quyết định chủ trương thực hiện cổ phần hóa một số doanh nghiệp.

Như vậy, tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, có 70 cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật, trong đó có 1 Ủy viên Bộ Chính trị, 4 Ủy viên Trung ương, 14 nguyên Ủy viên Trung ương, 1 nguyên Phó Thủ tướng, 5 Bộ trưởng và nguyên Bộ trưởng, 2 Bí thư Tỉnh ủy và 5 nguyên Bí thư Tỉnh ủy, 17 tướng lĩnh.

Phát biểu bế mạc Hội nghị T.Ư 11 ngày 12/10/2019, khi đề cập tới việc có nhiều cán bộ cấp cao bị xử lý vì dính sai phạm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Thật đau xót, nhưng không thể không làm, không có cách nào khác! Tất cả là vì sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của nhân dân. Đây là bài học sâu sắc, bài học đắt giá cho tất cả chúng ta”.

5. Việt Nam lập kỳ tích tại SEA Games 30

img
Việt Nam lập kỳ tích giành Huy chương Vàng môn Bóng đá Nam tại SEA Games 30 là một trong những sự kiện nổi bật của năm 2019. Ảnh: Như Đạt - Đồ họa: Nguyễn Tường

SEA Games 30 diễn ra từ 1-11/12/2019 tại Philippines. Trước ngày lên đường, Đoàn Thể thao Việt Nam đặt mục tiêu giành 70 HCV. Tuy nhiên, kết thúc sự kiện, Đoàn giành 98 Huy chương Vàng, 85 Huy chương Bạc và 105 Huy chương Đồng, xếp thứ hai toàn đoàn sau chủ nhà Philippines. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên chúng ta vượt qua Thái Lan để xếp thứ 2 trên bảng tổng sắp, lần đầu tiên đoạt Huy chương Vàng môn quần vợt, bóng đá nam...

Đối với môn bóng đá nam, U22 Việt Nam lần đầu tiên sau 60 năm chờ đợi, đã lên ngôi vô địch. Trong khi đó, bóng đá nữ có Huy chương Vàng thứ 6, thống trị tuyệt đối khu vực. Ngoài thành tích của U22 Việt Nam, đội tuyển Việt Nam cũng đã vào tới vòng 8 đội mạnh nhất Giải Bóng đá vô địch châu Á 2019.

Gặp mặt Đoàn Thể thao Việt Nam dự SEA Games 30 vào cuối tháng 12 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, thành tích trên thể hiện sự lớn mạnh không ngừng, sự tập trung đầu tư đúng hướng, có trọng tâm, trọng điểm của thể thao Việt Nam. Kết quả thi đấu cũng thể hiện rõ trình độ chuyên môn, uy tín, năng lực của điều hành, phát triển thể thao Việt Nam. Cho rằng đây là một cú hích quan trọng, Thủ tướng mong muốn tinh thần này phải lan tỏa ra trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước thời gian tới.

6. Quốc hội quyết đầu tư 4,7 tỷ USD xây sân bay Long Thành

img
Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng CHK quốc tế Long Thành chiều 26/11. Ảnh: Việt Hưng

Ngày 26/11/2019, Quốc hội khoá XIV đã bấm nút thông qua Nghị quyết về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành (CHK Long Thành) giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư 4,779 tỷ USD. Việc báo cáo nghiên cứu khả thi được thông qua là bước tiến dài sau nhiều năm chuẩn bị dự án, bởi chủ trương đầu tư đã được Quốc hội thông qua từ năm 2015.

Theo đó, Quốc hội nhất trí việc đầu tư xây dựng 1 đường cất/hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Về phương án huy động vốn, Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ sẽ sử dụng vốn của nhà đầu tư; không sử dụng bảo lãnh Chính phủ; giao Chính phủ lựa chọn nhà đầu tư, đồng nghĩa với việc Chính phủ hoàn toàn có thể giao Tổng công ty Cảng hàng không VN - ACV đầu tư một số hạng mục chính của sân bay Long Thành chiểu theo Điều 26 của Luật Đấu thầu. Đây là cơ sở để ACV có thể khởi công dự án vào tháng 1/2021. Hạng mục khu bay sẽ được thi công tháng 3/2022, nhà ga sẽ được thi công từ tháng 6/2022, đảm bảo hoàn thành toàn bộ việc thi công xây dựng vào tháng 12/2025.

Nếu so sánh với những sân bay khác như Cần Thơ, xây xong 10 năm mới có 1 triệu khách/năm, lượng khách qua sân bay Vân Đồn trong năm đầu cũng rất thấp, thì có thể thấy hiệu quả của dự án sân bay Long Thành là rất lớn, khi vừa hoàn thành sẽ đảm bảo lượng khách 25 triệu khách/năm, đến năm 2030 sẽ là 85 triệu khách/năm.

Theo ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP HCM), đây là công trình thế kỷ có ý nghĩa rất quan trọng về an ninh, quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội. Dự án sẽ giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

7. Phát huy nội lực làm cao tốc Bắc - Nam

Năm 2019, một trong những quyết định nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của người dân và doanh nghiệp trong nước là việc Bộ GTVT tiến hành hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu quốc tế để chuyển sang đấu thầu rộng rãi trong nước lựa chọn nhà đầu tư 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam. Dù vẫn còn nhiều khó khăn liên quan đến vốn tín dụng, nhưng việc đấu thầu trong nước không những tạo điều kiện cho doanh nghiệp nội, còn góp phần thúc đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.

Cùng đó, sau gần hai năm kể từ khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 52/2017 về chủ trương đầu tư xây dựng dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 dài 654km, tháng 9/2019, Bộ GTVT tiến hành khởi công được dự án xây dựng dự án cao tốc Bắc – Nam đầu tiên là Cam Lộ - La Sơn. Đoạn tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn có chiều dài 98,35km đi qua hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế với tổng mức đầu tư khoảng 7.669 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước do Ban QLDA đường Hồ Chí Minh (Bộ GTVT) làm đại diện chủ đầu tư.

Việc khởi công dự án cao tốc Bắc - Nam đầu tiên là dấu mốc quan trọng để Bộ GTVT hiện thức hóa mục tiêu, kỳ vọng của Chính phủ đến năm 2020 cả nước sẽ có ít nhất 2.000km đường cao tốc được đưa vào khai thác, sử dụng.

8. Khai trương cổng dịch vụ công quốc gia, người dân ngồi nhà làm thủ tục

img
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương Cổng Dịch vụ công Quốc gia

Ngày 9/12/2019, Cổng Dịch vụ công quốc gia được đưa vào hoạt động. Ðây là dấu mốc quan trọng trong mục tiêu triển khai Chính phủ điện tử, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.

Từ nay, chỉ cần truy cập một địa chỉ duy nhất (dichvucong.gov.vn), bằng một tài khoản duy nhất, người dân, doanh nghiệp có thể đăng nhập đến tất cả các Cổng Dịch vụ công quốc gia cấp bộ, cấp tỉnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến; theo dõi tình trạng giải quyết, đánh giá chất lượng giải quyết và gửi phản ánh, kiến nghị không phụ thuộc thời gian, địa giới hành chính.

Tại thời điểm khai trương, cổng cung cấp các dịch vụ công, bao gồm 5 dịch vụ công thực hiện tại 63 tỉnh, thành phố gồm: Đổi GPLX, thông báo hoạt động khuyến mại, cấp lại thẻ BHYT do mất, hỏng; dịch vụ cấp điện hạ áp (phục vụ người dân, hộ gia đình), dịch vụ cấp điện trung áp (phục vụ doanh nghiệp) và tích hợp tiện ích thanh toán tiền điện. Cung cấp 3 dịch vụ công thực hiện tại cấp bộ gồm: Cấp GPLX quốc tế, đăng ký khuyến mãi, nhóm dịch vụ về cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Bên cạnh đó là 2 tiện ích nộp thuế điện tử và đối với doanh nghiệp, tiện ích thanh toán tiền điện.

Đối với 4 địa phương tích hợp trong năm 2019 sẽ cung cấp thêm một số dịch vụ công, cụ thể TP HCM: Đăng ký hộ kinh doanh và đăng ký thuế; Hà Nội: Đăng ký khai sinh, xác nhận tình trạng hôn nhân; Quảng Ninh, Hải Phòng: Đăng ký khai sinh.

Số lượng dịch vụ công này sẽ được tiếp tục tăng lên nhanh chóng trên cơ sở phối hợp chặt chẽ của Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan trong việc kết nối hệ thống và lựa chọn cung ứng dịch vụ công.

9. Dịch tả lợn châu phi hoành hành, thiệt hại chưa từng có

Từ ổ dịch đầu tiên được phát hiện tại tỉnh Hưng Yên ngày 1/2, trong vòng 7 tháng, dịch tả lợn châu Phi đã lan ra toàn quốc. Dịch xuất hiện ở 8.533 xã, 166 huyện/63 tỉnh. Số lượng lợn chết và tiêu hủy khoảng 6 triệu con, tổng trọng lượng gần 342.800 tấn, làm giảm trên 8% sản lượng thịt lợn cả nước. Nhiều địa phương phải chi hàng nghìn tỷ đồng để ngăn chặn dịch. Tổng thiệt hại đến nay chưa thể đo đếm hết. Người chăn nuôi lợn lâm vào cảnh khốn đốn, nhiều nơi rơi vào tình cảnh “chuồng không, trại trống”, không còn sức gượng dậy.

Dịch bệnh dẫn tới việc thiếu hụt thịt lợn nghiêm trọng, khiến giá thịt lợn tăng gần gấp đôi chỉ trong vòng vài tháng, kéo theo hàng loạt thực phẩm khác tăng giá theo. Nguy cơ đẩy chỉ số giá tiêu dùng những tháng đầu năm 2020 tăng mạnh.

Trước tình trạng giá thịt lợn tăng phi mã, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phê bình và yêu cầu Bộ NN&PTNT nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Bộ phải chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ về việc thiếu hụt thịt lợn, giá tăng cao ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, tình hình kinh tế vĩ mô.

Trước nguy cơ thiếu 200.000 tấn thịt lợn dịp cuối năm, Chính phủ dự kiến tiếp tục nhập khẩu thịt lợn và tổ chức các biện pháp bình ổn giá.

10. Báo động chất lượng không khí, an ninh nguồn nước

Rạng sáng 28/8, vụ cháy lớn tại nhà kho của Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đã giải phóng thủy ngân từ hàng triệu bóng đèn ra môi trường. Việc nhà kho nằm giữa khu dân cư đông đúc đã khiến hàng trăm gia đình bị ảnh hưởng. Mặc dù vậy, tuyệt nhiên không thấy một lời cảnh báo từ cơ quan chức năng về nguy cơ nhiễm độc thủy ngân. Một tuần sau, kết quả quan trắc mới được công bố, ô nhiễm thủy ngân vượt ngưỡng khuyến cáo của WHO và ATSDR Mỹ từ 10-30 lần. Hơn một tháng sau, công việc khử độc thuỷ ngân mới hoàn tất.

Tiếp đó, trung tuần tháng 10, nguồn nước khe suối ở Hòa Bình bị đổ trộm 9 tấn dầu thải. Dầu lan vào kênh dẫn Nhà máy Sản xuất nước sạch Sông Đà rồi chảy về vòi nước sinh hoạt các khu dân cư khu vực nội thành Hà Nội. Nhà máy Sông Đà phải cắt nước để súc rửa đường ống, các khu đô thị, gia đình phải thau bể chứa, cuộc sống đảo lộn. Cũng giống như vụ cháy nhà máy Rạng Đông, gần 1 tuần sau khi sự cố xảy ra, Hà Nội mới khuyến cáo người dân không ăn, không uống nước nhiễm dầu. Thành phố phải chở nước sạch từ các nhà máy khác đến ứng cứu khu vực nước nhiễm bẩn.

Trong 3 tháng cuối năm, các chỉ số do AirVisual công bố cho thấy mức độ ô nhiễm không khí của Hà Nội và TP HCM liên tục đứng top đầu thế giới. Điều này đã gây nên mối lo ngại lớn về mức độ ô nhiễm môi trường sống của người dân. Gần cuối tháng 12, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã chủ trì họp với 13 Bộ, ngành để tìm nguyên nhân và giải pháp hạn chế ô nhiễm không khí.

Từ các sự cố trên bộc lộ nhiều lỗ hổng trong quản lý môi trường và nguồn nước. Đồng thời là những tiếng chuông cảnh báo Chính phủ và chính quyền các TP lớn cần có những giải pháp mạnh mẽ để đảm bảo môi trường sống của người dân.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.