Xã hội

10 sự kiện trong nước nổi bật năm 2020

01/01/2021, 07:01

Kỳ tích kiểm soát, khống chế dịch Covid-19; Tăng trưởng kinh tế nhờ thực hiện “mục tiêu kép”... là những sự kiện trong nước nổi bật năm 2020.

Năm 2020 khép lại với những biến động chưa từng có trên phạm vi toàn thế giới. Giữa muôn trùng gian khó, Việt Nam đã kiên cường, nỗ lực để vượt qua tất cả, trở thành điểm sáng toàn cầu về phát triển kinh tế và kiểm soát tốt đại dịch Covid-19.

Nói như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, đây là năm thành công nhất của Việt Nam trong nhiệm kỳ 5 năm (2016 - 2020).

Báo Giao thông bình chọn 10 sự kiện trong nước nổi bật năm 2020.

1. Kỳ tích kiểm soát, khống chế dịch Covid-19

img

Từ khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các hãng hàng không trong nước đã thực hiện hàng trăm chuyến bay đưa công dân Việt về nước

Tại Việt Nam, Covid-19 chính thức được ghi nhận ngày 23/1/2020 khi phát hiện hai cha con người Trung Quốc tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ngày 1/2, một nữ lễ tân 25 tuổi được xác định nhiễm nCoV tại tỉnh Khánh Hòa, do tiếp xúc với hai cha con người Trung Quốc, trở thành bệnh nhân Covid-19 đầu tiên của Việt Nam.

Ngay sau đó, Thủ tướng công bố dịch tại Việt Nam và ra quyết định thắt chặt biên giới, các hoạt động xuất, nhập cảnh được kiểm soát nghiêm ngặt.

Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 và các địa phương nhanh chóng được thành lập, cả đất nước bước vào trạng thái mới theo tinh thần “chống dịch như chống giặc”, phải đối mặt với những tình huống chưa từng có trong lịch sử: Các biện pháp cách ly y tế được thực hiện ở nhiều cấp độ và từ ngày 1/4/2020 đến cuối tháng, Việt Nam thực hiện cách ly toàn xã hội. Các hoạt động giao thương, đi lại bị hạn chế, người dân phần lớn ở trong nhà, chỉ có những hoạt động sản xuất, kinh doanh thực sự cần thiết mới được duy trì.

Cuối tháng 3, Chính phủ dừng nhập cảnh với người nước ngoài; đầu tháng 4, dừng toàn bộ đường bay thương mại với các nước. Hàng trăm chuyến bay đưa công dân Việt tại các vùng có dịch về nước đã được thực hiện từ đó đến nay.

Sau 1 năm kể từ khi bùng phát tại Vũ Hán (Trung Quốc), tới nay dịch Covid-19 đã lây lan ra 215 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 75,3 triệu ca mắc và hơn 1,6 triệu người tử vong.

Nhờ những quyết sách kịp thời, hiệu quả của Đảng, Chính phủ cho tới sự quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân cả nước, đến giờ phút này có thể khẳng định, Việt Nam đã lập nên kỳ tích trong việc kiểm soát, khống chế dịch Covid-19. Đến nay Việt Nam mới xuất hiện hơn 1.400 ca bệnh, phần lớn là nhập cảnh và 35 ca tử vong, trở thành điểm sáng hiếm hoi về phòng chống dịch Covid-19, được thế giới ghi nhận và đánh giá cao.

2.Tăng trưởng kinh tế nhờ thực hiện “mục tiêu kép”

Khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều nước kinh tế ngưng trệ, du lịch đóng băng, chuỗi sản xuất đứt gãy... Tuy nhiên, với sự quyết liệt và ứng phó linh hoạt, Chính phủ đã đề ra “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch hiệu quả, bảo vệ an toàn sức khỏe nhân dân, vừa nỗ lực phục hồi, duy trì nhịp độ kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.

Hàng loạt các giải pháp điều hành kinh tế được Chính phủ đưa ra như: Các gói hỗ trợ doanh nghiệp (lãi suất, miễn giảm phí, giãn thuế…), hỗ trợ người dân bị mất thu nhập; quyết liệt chuyển các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) sang đầu tư công nhằm thúc đẩy đầu tư công; thúc đẩy việc giải ngân đầu tư công…

Nhờ có các giải pháp kịp thời, Việt Nam được ghi nhận là một trong số ít các quốc gia hiếm hoi trên thế giới tăng trưởng dương, GDP đạt 2,91%, được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá là mức tăng trưởng cao nhất khu vực.

Kinh tế Việt Nam ghi nhận những điểm sáng như: Xuất siêu đạt mức kỷ lục hơn 20 tỷ USD; thu hút 2.500 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đăng ký đạt gần 15 tỷ USD. Khoảng 180 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 0,9% so với năm trước. Giải ngân vốn đầu tư công tăng mạnh nhất trong giai đoạn 2011 - 2020, đạt hơn 90%...

Sự phục hồi tích cực của kinh tế vào quý IV được kỳ vọng sẽ tạo đà vững chắc cho tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2021 trong bối cảnh sản xuất vaccine phòng Covid-19 được đẩy mạnh.

3. Tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp

Đây là chuỗi sự kiện chính trị quan trọng nhất năm 2020, mở đầu bằng Đại hội Đảng bộ cơ sở vào tháng 4, tiếp đó là Đại hội Đảng bộ cấp huyện, hoàn thành trong tháng 8. Cuối cùng là Đại hội 67 Đảng bộ trực thuộc Trung ương, diễn ra vào trung tuần tháng 9 và tháng 10. Đáng chú ý, đội ngũ lãnh đạo cấp tỉnh đã có sự chuyển giao thế hệ với nhiều lãnh đạo trẻ, trong đó có 28 Bí thư tỉnh ủy từ 50 tuổi trở xuống, chiếm 43%. Có 23/65 Bí thư cấp ủy được bầu là người tham gia lần đầu.

Tổng cộng có 9 nữ Bí thư tỉnh ủy, tăng 6 người so với nhiệm kỳ trước, cao nhất từ trước tới nay. Bí thư cấp ủy không phải người địa phương tăng 27 người, đạt khoảng 42%, cao hơn nhiệm kỳ trước 23%. Bí thư cấp ủy có trình độ từ thạc sĩ trở lên là 51 người, đạt 78%, cao hơn nhiệm kỳ trước gần 14%.

Phát biểu tại Hội nghị cán bộ toàn quốc tổng kết công tác tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, nhân sự đã được chuẩn bị kỹ lưỡng ở tất cả các khâu, góp phần nâng cao chất lượng nhân sự cấp uỷ các cấp và chuẩn bị cho nhân sự Trung ương.

4. Vị thế Việt Nam trên trường quốc tế được nâng tầm

Năm 2020, Việt Nam tiếp quản chức Chủ tịch luân phiên ASEAN. Khó khăn lớn nhất mà Việt Nam, với vai trò Chủ tịch phải đối mặt là đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh và cuộc thương chiến Mỹ - Trung tiếp tục diễn ra căng thẳng. Tuy nhiên, phát huy tinh thần “Gắn kết và chủ động thích ứng” trong năm 2020, với sự lèo lái của Việt Nam, ASEAN đã không bị cuốn theo những cơn gió dữ, tiếp tục duy trì được đà hợp tác, củng cố vai trò trung tâm, duy trì động lực cho đối thoại và hợp tác trong và ngoài khu vực vì hòa bình, an ninh và phát triển bền vững toàn cầu.

Trong nhiệm kỳ chủ tịch, Việt Nam đã tổ chức thành công bằng hình thức trực tuyến, bán trực tuyến Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 và 37 cùng các Hội nghị cấp cao liên quan; đề xuất 13 sáng kiến, nỗ lực hợp tác kiểm soát dịch Covid-19; đã thông qua hơn 80 văn kiện, số lượng cao nhất trong các kỳ họp ASEAN.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam không chỉ là thành viên tích cực, nghiêm túc thực thi các thỏa thuận đã cam kết, mà đã trở thành chỗ dựa vững chắc, tin cậy, đặc biệt trong những thời khắc ASEAN phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong đại dịch Covid-19 hiện nay. Nhiều sáng kiến, ưu tiên của Việt Nam đã trở thành tài sản chung của ASEAN.

Ngoài ra, năm 2020 trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam cũng đã có các sáng kiến: Tổ chức phiên thảo luận mở đầu về hợp tác giữa LHQ - ASEAN “Thúc đẩy tuân thủ Hiến chương LHQ trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế”; lần đầu tiên Việt Nam đề xuất với LHQ chọn ngày 27/12 hàng năm là Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh. Đề xuất này được hơn 100 nước thành viên LHQ ủng hộ.

Song song với các hoạt động quốc tế hiệu quả, việc kiểm soát dịch Covid-19 trong nước thành công, vị thế và hình ảnh Việt Nam được cả thế giới ghi nhận.

5. Tiếp tục công cuộc “đốt lò”, không có vùng cấm

img

Nguyễn Đức Chung, nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội bị xử phạt 5 năm tù vì liên quan đến vụ án Nhật Cường và 2 vụ án khác

Trong năm 2020, hàng loạt cán bộ, nguyên lãnh đạo cấp cao tiếp tục bị xử lý kỷ luật, khởi tố, bắt giam, cho thấy công cuộc “đốt lò” do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khởi xướng và lãnh đạo không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai.

Có thể kể đến các trường hợp như ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương (bị cảnh cáo do có các vi phạm, khuyết điểm từ khi làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước); Hoàng Trung Hải (Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, bị cảnh cáo do có các vi phạm, khuyết điểm liên quan đến dự án TISCO II); Lê Thanh Hải (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM, bị cách chức Bí thư Thành ủy TP HCM nhiệm kỳ 2010 - 2015 do có vi phạm, khuyết điểm liên quan Khu đô thị mới Thủ Thiêm);

Tất Thành Cang, nguyên Phó bí thư thường trực Thành ủy TP HCM (bị khởi tố, bắt giam do liên quan sai phạm Khu đô thị mới Thủ Thiêm); Nguyễn Đức Chung, nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội (bị khai trừ Đảng, xử phạt 5 năm tù vì liên quan đến vụ án Nhật Cường và 2 vụ án khác); nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Đô đốc Nguyễn Văn Hiến (khai trừ Đảng, bị xử phạt 3 năm 6 tháng tù do liên quan đến sai phạm đất đai xảy ra tại Quân chủng Hải quân); Lê Hoàng Quân, nguyên Chủ tịch UBND TP HCM (cảnh cáo, do có vi phạm, khuyết điểm liên quan Khu đô thị mới Thủ Thiêm); Hồ Thị Kim Thoa, nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương (khai trừ Đảng, trốn ra nước ngoài, hiện đang bị truy nã); Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi (cảnh cáo, do có nhiều vi phạm khuyết điểm trên cương vị công tác)...

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, chưa bao giờ công tác phòng, chống tham nhũng lại được chỉ đạo mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả như thời gian vừa qua; để lại dấu ấn nổi bật, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội và củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Thời gian tới sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế, kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những “khoảng trống”, “kẽ hở” để “không thể tham nhũng”.

6. Đồng loạt khởi công 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam

img

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công dự án cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 ngày 30/9/2020

Ngày 30/9/2020, tại xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, Bộ GTVT phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức lễ khởi công Dự án thành phần Mai Sơn - QL45 thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, ngày 30/9/2020 là một ngày có ý nghĩa đối với đất nước, đặc biệt đối với ngành GTVT. Ông cũng đồng thời nhấn mạnh: “Nghèo cũng phải làm giao thông, khá cũng phải làm giao thông, càng giàu càng phải làm giao thông, không có giao thông thì khó phát triển được đất nước…”.

Cùng thời điểm, hai dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam khác là Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây cũng đồng loạt khởi công.

Chỉ khoảng 3 tháng trước đó, từ khi Chính phủ đề xuất chuyển đổi hình thức đầu tư các dự án này từ PPP (đối tác công - tư) sang đầu tư công, Bộ GTVT đã nỗ lực hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn, đảm bảo nhanh chóng nhưng đúng trình tự, thủ tục để trình Quốc hội xem xét thông qua.

Cùng với 3 dự án sử dụng vốn đầu tư công được triển khai từ cuối năm 2019, đầu năm 2020 (Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2), việc chuyển đổi thành công và khởi công 3 dự án Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây trong năm 2020 thể hiện ý chí và quyết tâm của Quốc hội, Chính phủ về chủ trương nối thông tuyến cao tốc Bắc - Nam đang dần được hiện thực hóa.

Khi dự án cao tốc Bắc - Nam hoàn thành, đưa vào khai thác, chúng ta sẽ có được tuyến đường cao tốc tốt nhất Việt Nam đi qua nhiều địa phương, chạy dọc theo chiều dài đất nước, kết nối nhiều cảng biển, cảng hàng không lớn từ Bắc đến Nam, tạo động lực lớn phát triển KT-XH đất nước, đồng thời tác động rất lớn đến việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế của các địa phương.

7. Một năm thiệt hại nặng nề vì thiên tai dị thường

img

2020 là một năm có nhiều thiên tai dị thường khiến 357 người chết, thiệt hại 37.400 tỷ đồng (Trong ảnh: Lực lượng cứu hộ cứu nạn tìm kiếm nạn nhân vụ sạt lở ở xã Trà Leng, Nam Trà My, Quảng Nam)

Năm 2020, thiên tai diễn ra dồn dập và đặc biệt khốc liệt, vượt mức lịch sử trên khắp các vùng miền cả nước. Tính từ đầu năm đến nay, đã xảy ra 16 loại hình thiên tai; trong đó có 13 cơn bão trên Biển Đông; 264 trận dông, lốc, mưa lớn trên 49 tỉnh, thành phố; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng xảy ra trên diện rộng tại ĐBSCL, được cho là 100 năm mới xảy ra một lần.

Đặc biệt, chỉ trong vòng 45 ngày từ giữa tháng 9 đến cuối tháng 10, miền Trung dồn dập gánh chịu 8 cơn bão và 2 đợt áp thấp nhiệt đới; trong đó cơn bão số 9 là cơn bão lớn nhất trong 20 năm qua. Cùng thời gian này, lượng mưa phổ biến từ 1.000 - 2.000mm, nhiều nơi trên 3.000mm. Ngập lụt đã xảy ra trên diện rộng, thời điểm cao nhất vào ngày 12/10 và 19/10 có trên 317 nghìn hộ (1,2 triệu nhân khẩu) bị ngập lụt tại 7 tỉnh (từ Nghệ An đến Quảng Nam), nhiều nơi ngập lụt trên nửa tháng.

Tính tới tháng 12, thiên tai đã khiến 357 người chết, mất tích và 876 người bị thương; hàng trăm nghìn căn nhà bị sập, hư hại; thiệt hại 196.887ha lúa và hoa màu; hàng nghìn km đê kè, kênh mương, bờ sông, bờ biển, đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng. Ước tính thiệt hại về kinh tế lên đến hơn 37.400 tỷ đồng.

8. Nghị định 100, điểm sáng về xây dựng pháp luật cả nhiệm kỳ

img

Năm 2020, CSGT toàn quốc xử phạt hơn 185.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định 100, tác động rất lớn đến ý thức của người tham gia giao thông

Nghị định số 100/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thay thế Nghị định số 46, có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.

Trong đó đáng lưu ý là Nghị định tăng mạnh chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm nồng độ cồn, tăng mức phạt tối đa lên đến 30 - 40 triệu đồng, tước GPLX từ 22 - 24 tháng.

Sau khi Nghị định 100 có hiệu lực, lực lượng chức năng các tỉnh, thành trên cả nước đã ra quân triển khai thực hiện và đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Trong năm 2020, CSGT cả nước phát hiện, xử lý 185.550 trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn. Với mức xử phạt tăng nặng, đã tác động tích cực đến toàn xã hội, thay đổi thói quen của người lái xe. Khẩu hiệu “đã uống rượu, bia không lái xe” được lan truyền.

Năm 2020, TNGT giảm sâu nhất trong vòng 10 năm qua, số vụ giảm trên 18%, số người bị thương giảm gần 20% và lần đầu tiên số người chết do TNGT giảm xuống dưới 7.000 người. Kết quả này có đóng góp không nhỏ từ việc triển khai thực hiện Nghị định 100.

Theo đánh giá của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, việc triển khai Nghị định 100 là điểm sáng trong nhiệm kỳ này của Chính phủ.

9. Năm khởi động chuyển đổi số quốc gia

Năm 2020, thế giới chịu tác động mạnh mẽ của dịch Covid-19, song ở khía cạnh khác, dịch Covid-19 đã đem đến cơ hội đặc biệt để thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam. Hàng loạt các ứng dụng công nghệ ra đời để đối phó với dịch Covid-19 như: Ncov, Bluezone, CoMeet; các nền tảng học trực tuyến, tư vấn khám chữa bệnh từ xa, các nền tảng kế toán từ xa, quản lý doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ nhanh chóng được các doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam phát triển và ứng dụng rộng rãi... Việt Nam nằm trong top đầu thế giới về sáng tạo các nền tảng số thời Covid-19 nhờ việc làm chủ hoàn toàn công nghệ.

Đến tháng 6/2020, “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới. Mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP, Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chỉ số cạnh tranh; đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GDP, Việt Nam thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu về chỉ số cạnh tranh.

Hiện thực hóa mục tiêu phát triển Chính phủ số, trong năm 2020, Cổng Dịch vụ Công quốc gia đã tích hợp và cung cấp hơn 2.650 dịch vụ công trực tuyến, trên 6.700 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền.

Cuối tháng 11, ba nhà mạng lớn là VinaPhone, MobiFone, Viettel đồng loạt phát sóng thử nghiệm thương mại 5G, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước dẫn đầu cuộc đua 5G - công nghệ được coi là cơ sở hạ tầng quan trọng mở ra cơ hội thúc đẩy nhanh chuyển đổi số tại Việt Nam.

10. Thông “tuyến cao tốc” nối Việt Nam - châu Âu

Năm 2020 là một năm Việt Nam gặt hái nhiều thành công về kinh tế đối ngoại, mở ra thị trường rộng lớn chưa từng có. Trong đó đặc biệt phải kể đến dấu ấn đàm phán thành công Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sau 9 năm.

EVFTA là một FTA thế hệ mới, có tiêu chuẩn cao, toàn diện, độ mở lớn và cân bằng lợi ích cho cả hai bên. Riêng đối với Việt Nam, nghiên cứu của Bộ KH&ĐT cho thấy, trong điều kiện bình thường thì hiệp định sẽ góp phần giúp GDP tăng thêm bình quân lên đến 3,25% cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện, lên đến 5,3% cho 5 năm tiếp theo và lên đến 7,72% trong 5 năm sau đó.

Với cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế của EU, EVFTA dự kiến sẽ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tăng kim ngạch xuất khẩu sang EU thêm khoảng 42% vào năm 2025 và gần 45% vào năm 2030 so với kịch bản không có hiệp định và tăng thu hút đầu tư FDI vào Việt Nam.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khi đi vào hiệu lực, hiệp định này sẽ như một “tuyến cao tốc” quy mô lớn, hiện đại, nối gần hơn giữa EU và Việt Nam.

Ngày 15/11/2020 vừa qua, một dấu ấn lịch sử nữa lại được ghi khi tại Việt Nam, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa 10 quốc gia ASEAN và 5 nước đối tác (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand) đã được ký kết, kết thúc 8 năm đàm phán nhiều thăng trầm. Để có được kết quả này, Việt Nam đã phát huy tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, phát huy vai trò trung tâm, dẫn dắt của ASEAN.

Với việc tham gia hiệp định thương mại lớn nhất thế giới này, Việt Nam có thêm cơ hội tiếp cận với thị trường 2,2 tỷ người, chiếm 30% dân số thế giới và 30% GDP toàn cầu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.