Ấn Độ là quốc gia đông dân thứ hai trên thế giới, quốc gia Nam Á này nổi tiếng với sự đa dạng về ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo.
Chính vì thế mà Ấn Độ trở thành một điểm đến tuyệt vời để du khách có thể trải nghiệm cùng lúc nhiều nền văn hóa độc đáo.
Ở nơi đây, có những phong tục, thói quen vô cùng kỳ lạ mà không nơi nào có, khiến không ít người kinh ngạc khi lần đầu đến thăm Ấn Độ.
1. Phụ nữ đã lập gia đình đeo nhẫn ở ngón chân
Tại hầu hết các nước phương Tây, việc đeo nhẫn ở ngón áp út bên trái thể hiện bạn là người đã kết hôn.
Tuy nhiên, ở Ấn Độ nhẫn cưới thường được đeo ở bàn tay bên phải vì họ quan niệm tay trái chỉ dùng để thực hiện những “công việc bẩn thỉu” như lau chùi hay xỏ giày, vệ sinh, …
Bên cạnh đó, theo truyền thống của người theo đạo Hindu, phụ nữ đã kết hôn không chỉ đeo nhẫn ở trên tay, mà họ còn có những chiếc nhẫn dành riêng cho ngón chân được gọi là bichhiya.
Những chiếc bichhiya thường được sử dụng trên ngón chân thứ hai của cả hai bàn chân.
Người Ấn Độ tin rằng, đeo bichhiya sẽ giúp ảnh hưởng tích cực tới sức khỏe của cơ thể. Lực mà chiếc nhẫn này tác động lên trên huyệt đạo của bàn chân có thể giúp điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ và giúp tử cung khỏe mạnh.
Ngoài ra, những chiếc nhẫn bichhiya cũng thường được làm bằng bạc bởi người Ấn Độ tin rằng kim loại này có thể loại bỏ năng lượng tiêu cực ra khỏi cơ thể.
2. Ẩm thực của Ấn Độ phân theo 6 mùa trong năm
Về mặt địa lý, Ấn Độ cũng có 4 mùa xuân, hạ, thu, đông.
Tuy nhiên theo lịch Hindu, quốc gia này còn có thêm 2 mùa nữa được gọi là Varsha, hay mùa mưa và Hemant, tức mùa chuyển đông.
Các mùa này được kết nối với nhau theo nguyên tắc của Ayurveda, một hệ thống y học truyền thống toàn diện của Ấn Độ.
Y học Ayurveda tập trung vào việc cân bằng các loại năng lượng khác nhau trong cơ thể và cho rằng chúng ta ăn thứ gì thì nó sẽ trở thành cội nguồn cho sức khỏe của bản thân.
Họ tin rằng, vào mỗi mùa khác nhau thiên nhiên sẽ ban cho con người chính xác những loại thực phẩm cần ăn vào thời điểm đó.
Vậy nên, trong khẩu phần ăn hằng ngày, người Ấn Độ thường chọn “mùa nào thức nấy” chứ không thích ăn thực phẩm trái mùa.
Chẳng hạn, vào mùa hè là mùa của các loại hoa quả như dưa hấu, dưa chuột,…
Đây là những thực phẩm hydrat hóa có lợi cho sức khỏe, cung cấp nước, chất điện giải và chất dinh dưỡng có lợi cho cơ thể, đặc biệt là vào thời tiết nóng nực.
Còn khi thời tiết giao mùa, rất nhiều người thường bị cảm cúm, lúc này các loại trái cây chống oxy hóa cao như các loại quả hạch sẽ có tác dụng rất tốt trong việc nâng cao sức đề kháng.
3. Các thương hiệu đồ ăn nhanh có thêm khẩu phần cho người ăn chay
Ấn Độ là quốc gia đứng đầu thế giới về số lượng người ăn chay.
Có khoảng 38% dân số không ăn bất kỳ một loại thịt nào trong suốt cuộc đời. Điều này bắt nguồn từ tín ngưỡng tôn giáo của họ.
Đó là lý do mà nhiều chuỗi thương hiệu đồ ăn nhanh lớn, chẳng hạn như McDonald’s đã phải điều chỉnh thực đơn để phù hợp với thị hiếu của khách hàng.
Ngoài những món ăn đã vô cùng quen thuộc, tại Ấn Độ thương hiệu McDonald’s còn bổ sung thêm phần ăn McAloo Tikki Burger và McVeggie, đây đều là những món ăn chay được chế biến từ đậu Hà Lan, khoai tây và các gia vị truyền thống của Ấn Độ.
4. Bò được đối xử như con người
Ở Ấn Độ, bò là loài vật rất linh thiêng bởi chúng là thú cưỡi của thần Shiva, vị thần tối cao trong Hindu giáo.
Sữa của bò cũng là một trong những thực phẩm có giá trị và mang lại nguồn dinh dưỡng cao.
Tại quốc gia này, việc giết mổ hoặc xuất khẩu bò bị cấm. Từ năm 2007, những chú bò thậm chí còn được cấp thẻ căn cước để được bảo vệ khi xuất chuồng.
Những người nông dân thường thả các con bò không còn khả năng sinh sản đi lang thang khi không thể nuôi chúng được nữa.Vì thế, cảnh tượng những con bò đi lại tự do là điều hết sức bình thường.
Ở Ấn Độ, có khoảng gần 6 triệu con bò đi lang thang trên đường phố ở các thành phố lớn, chúng đôi khi còn gây ra tắc nghẽn giao thông.
5. Những chú khỉ sinh hoạt tự do giữa lòng thành phố
Những loài động vật hoang dã có vẻ sống khá thoải mái và tự do giữa những đô thị đông đúc của Ấn Độ, điển hình là loài khỉ.
Cảnh tượng những con khỉ hoang dã thoải mái đi lại và nô đùa giữa thành phố lớn là điều không mấy xa lạ với người dân nơi đây.
Tuy nhiên, đôi khi những con khỉ cũng gây ra không ít phiền toái cho người dân và du khách. Chúng có thể ăn trộm đồ vật, cào cấu trẻ em và phá phách xe cộ, …
Thậm chí những con khỉ sinh sống ở thành thị này còn biết uống trộm bia rượu, dẫn đến say xỉn và gây ra những hành động phá phách.
6. Giới tính thứ ba được công nhận
Hijras là từ chỉ những người thuộc giới tính thứ ba tại Ấn Độ. Kể từ năm 2014, chính quyền bang và liên bang Ấn Độ chính thức cho phép người chuyển giới được lựa chọn “giới tính thứ 3” trong mọi giấy tờ cá nhân chính thức.
Những người hijras có thể thoải mái trang điểm và mặc các bộ saris sặc sỡ. Người Ấn Độ tin rằng, người thuộc cộng đồng hijras có thể ban phát phước lành hoặc reo rắc những lời nguyền rủa lên bạn.
Bởi vậy nếu đến Ấn Độ, bạn có thể thường xuyên thấy những người thuộc giới tính thứ 3, mặc trang phục sặc sỡ và trùm một chiếc khăn trùm đầu, đi lại giữa dòng xe cộ tấp nập để “bán” phước lành đổi lấy một ít tiền lẻ.
Một số hijras cũng được mời tới các đám cưới để ca hát chúc phúc cho các cặp vợ chồng mới cưới.
7. Người Ấn Độ có thể kết hôn với cây cối hoặc động vật
Ở Ấn Độ, người ta có thể kết hôn với cây cối hoặc động vật dù cho cuộc hôn nhân này không được công nhận về mặt pháp lý.
Trong quan niệm truyền thống của Ấn Độ, những cô gái sinh ra vào ngày Mangiks (một ngày thiên văn đặc biệt trong lịch Ấn) đều bị nguyền rủa.
Những cô gái này sẽ khiến cho người chồng của mình chết sớm và đem đến nhiều điềm xui xẻo cho gia đình chồng.
Bởi vậy họ cần phải làm một nghi lễ gọi là Kumbh Vivah để kết hôn với một cái cây hoặc động vật, có như vậy lời nguyền mới được phá bỏ.
Sau đó cô gái đó mới được phép kết hôn với người chồng thực sự của mình.
8. Kẻ mắt cho em bé
Nhiều bậc phụ huynh tại Ấn thường kẻ mắt đen cho con của mình. Họ dùng một loại mực màu đen được gọi là kajal hoặc surma có thành phần cơ bản là stibnit (một loại khoáng chất sulfua) hoặc galena (sulfua chì).
Họ tin rằng, kẻ mắt bằng kajal có tác dụng xua đuổi quỷ dữ, khiến chúng tránh xa những đứa bé.
Một số người còn cho rằng, phương pháp kẻ mắt truyền thống này có thể giúp phòng tránh những căn bệnh về mắt.
9. Đàn ông thường nắm tay nhau dạo phố
Mặc dù các cử chỉ, hành vi thân mật không được khuyến khích tại những nơi công cộng ở Ấn Độ, nhưng nắm tay lại là một hành động cực kỳ phổ biến giữa những người cùng giới tính.
Bởi vậy, nếu bạn thấy hai người đàn ông nắm tay nhau dạo phố, thậm chí là ôm nhau trên đường phố Ấn Độ, thì đó là điều hết sức bình thường. Đây được coi là hành động thể hiện tình cảm giữa những người bạn thân thiết.
10. Cảnh sát có phong cách làm việc vô cùng sáng tạo
Phong cách làm việc của cảnh sát Ấn Độ khá đặc biệt, họ được phép sáng tạo không giới hạn trong công việc của mình.
Họ có thể nghĩ ra những phương pháp khá kỳ lạ để trừng phạt người vi phạm pháp luật. Ví dụ như cảnh sát tại thành phố Pune sẽ bắt mọi người tập yoga trên đường phố.
Tập thiền và yoga hằng ngày là một thói quen được khuyến khích trong lực lượng cảnh sát. Họ tin rằng điều này sẽ giúp cải thiện kỷ luật và kiềm chế sự nóng giận khi làm việc.
Cảnh sát Ấn Độ còn được khuyến khích để ria mép, thậm chí những cảnh sát để ria mép mỗi tháng sẽ nhận thêm một khoản tiền thưởng cộng vào tiền lương của họ.
Điều này bắt nguồn từ suy nghĩ truyền thống của người Ấn Độ cho rằng, đàn ông để ria mép sẽ nam tính và tạo ra một hình tượng đáng tin cậy hơn.
11. Có tới 22 “ngôn ngữ toàn dân” chính thức
Có tới hơn 19.500 ngôn ngữ và phương ngữ được sử dụng ở Ấn Độ, trong đó chỉ có 121 ngôn ngữ được sử dụng phổ biến.
Số lượng ngôn ngữ lớn như vậy nên ở quốc gia này không chỉ có 1 mà có tới 22 ngôn ngữ được công nhận là ngôn ngữ đồng chính thức.
Tiếng Hindi là ngôn ngữ chủ yếu của 44% người dân nước này, kế đó tiếng Bengali là ngôn ngữ phổ biến thứ hai. Còn lại mỗi địa phương sẽ sử dụng một phương ngữ khác nhau.
Bên cạnh đó, tiếng Anh cũng được coi là một ngôn ngữ chính thức của Ấn Độ với hơn 129 triệu người sử dụng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận