Thời sự

11 tỉnh, thành vượt biên chế công chức

17/10/2017, 07:10

Theo thống kê, năm 2016, có 11 địa phương sử dụng vượt biên chế công chức, trong đó có Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng...

4

Theo thống kê, năm 2016, có 11 địa phương sử dụng vượt biên chế công chức, trong đó có tỉnh Bình Phước (Ảnh chụp bộ phận một cửa huyện Bù Đăng, Bình Phước)

Chính phủ vừa có báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2016. Theo báo cáo, tổ chức bộ máy vẫn còn cồng kềnh; tổ chức bộ máy của Chính phủ tuy giữ ổn định nhưng tăng về đầu mối tổ chức bên trong của Bộ, cơ quan ngang Bộ.

Tỷ lệ công chức giữ chức danh lãnh đạo còn rất cao

Báo cáo của Chính phủ cho biết, tổ chức cơ quan hành chính còn nhiều tầng nấc trung gian; chức năng, nhiệm vụ của một số tổ chức trên một số lĩnh vực tuy đã giảm chồng chéo nhưng vẫn còn giao thoa. Việc chuyển giao một số nhiệm vụ từ cơ quan hành chính Nhà nước cho các tổ chức xã hội còn hạn chế. Thực tế cho thấy, trong quá trình hoàn thiện các văn bản pháp luật chuyên ngành, nhiệm vụ của các cơ quan Nhà nước thời gian qua không giảm, gây áp lực cho việc tăng tổ chức, biên chế.

Hết năm 2016, cả nước có 106 Thứ trưởng

Theo thống kê, số lượng thứ trưởng tính đến ngày 22/12/2016 là 106 người. Trong đó, Bộ nhiều nhất có tới 7 thứ trưởng... Số lượng cục trưởng tại các cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ đến cuối tháng 12/2016 là 337 người, trong đó riêng Bộ Tài chính là 181, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là 63, Bộ Tư pháp là 57... Ngoài ra, số lượng phó cục trưởng là 767, vụ trưởng là 218, phó vụ trưởng là 593, giám đốc sở và tương đương là 1.200, trưởng phòng và tương đương là gần 4.600...

Về cơ bản, số lượng cấp phó tại các cơ quan, tổ chức hành chính Nhà nước thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong một số thời điểm, tại một số tổ chức, số lượng cấp phó có vượt so với quy định. Tỷ lệ công chức giữ chức danh lãnh đạo từ cấp phó phòng trở lên/số công chức một số cơ quan còn rất cao, như Bộ Công thương là 3/4, Bộ Tài chính, Bộ LĐ,TB&XH, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ là 3/5... Tỷ lệ này cũng cao ở một số cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện tại một số địa phương, như tỉnh Hà Giang là 3/4, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Kiên Giang là 1/2...

Theo thống kê, năm 2016, tổng biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính Nhà nước từ T.Ư đến cấp huyện (khối Chính phủ quản lý) là gần 270.000 người. Có 11 địa phương sử dụng vượt biên chế công chức là: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Dương, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Bình Thuận, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Long An.

Bên cạnh đó, tình trạng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố rất “khổng lồ”. Cụ thể, tính đến tháng 12/2016, số cán bộ hưởng lương từ ngân sách Nhà nước là gần 1,3 triệu người, trong đó, cán bộ, công chức cấp xã hơn 234.200 người. Trong khi số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã là gần 201.000, hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố là hơn 837.600 người. Vì vậy, tổng quỹ lương của cán bộ, công chức cấp xã và thực hiện khoán quỹ phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố (đã bao gồm BHXH và tính theo mức lương cơ sở 1.210.000 đồng/tháng) là hơn 32.400 tỷ đồng mỗi năm (trong đó quỹ lương của cán bộ, công chức cấp xã là hơn 19.600 tỷ đồng mỗi năm).

Xử lý trách nhiệm người đứng đầu

Tại báo cáo gửi Quốc hội, Chính phủ nhấn mạnh nguyên tắc phân công quản lý nhà nước “một cơ quan làm nhiều việc, nhưng một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính” và cam kết “từ nay chấm dứt tình trạng quy định tổ chức bộ máy, biên chế trong các văn bản quy phạm pháp luật không thuộc lĩnh vực tổ chức Nhà nước”.

Liên quan đến tổ chức bộ máy, giải pháp được đưa ra là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý cho các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, xây dựng cơ chế giám sát, kiểm tra theo hướng gắn quyền hạn với trách nhiệm. Cùng với đó, sẽ điều chỉnh, sắp xếp lại một số cơ quan Nhà nước có nhiệm vụ còn giao thoa, trùng lắp về quản lý nhà nước, bảo đảm liên thông về phạm vi, đối tượng quản lý.

Ngoài ra, sẽ rà soát chuyển những nhiệm vụ mà các cơ quan Nhà nước không cần thiết phải thực hiện để giao cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp... đảm nhận.

Về sắp xếp, kiện toàn tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện sẽ theo hướng nghiên cứu hợp nhất một số cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương đồng; rà soát, sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong của các sở, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh, cơ quan thuộc UBND cấp huyện, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Về tổ chức bộ máy, nghiên cứu đề xuất thí điểm hợp nhất một số cơ quan có chức năng, nhiệm vụ tương đồng nhau: 3 văn phòng (Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND cấp tỉnh) thành 1 văn phòng; Công tác thanh tra và kiểm tra thành 1 cơ quan; Tổ chức và nội vụ thành 1 cơ quan; Văn phòng các tổ chức đoàn thể, chính trị thành 1 đầu mối.

Về quản lý biên chế và tinh giản biên chế, sẽ tiếp tục thực hiện cơ chế khoán kinh phí quản lý hành chính gắn với chế độ tiền thưởng để khuyến khích những người làm việc tốt, hiệu quả. Đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu sự nghiệp và có khả năng tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động (trường đại học, học viện, viện nghiên cứu, cơ sở dạy nghề, bệnh viện...); khuyến khích thành lập các tổ chức cung ứng dịch vụ công thuộc các thành phần ngoài Nhà nước. Dự kiến, từ năm 2017, sẽ thực hiện cơ chế khoán kinh phí đối với các tổ chức hội có sử dụng biên chế. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.