Chính trị

12 cựu quan chức không trả nhà công vụ: “Phải cưỡng chế thì thật xấu hổ"

21/04/2020, 19:21

Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Phương cho rằng, 12 vị cựu quan chức không chịu trả nhà công vụ đến mức phải cưỡng chế thì “thật đáng xấu hổ”.

img
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)

Thiếu tinh thần trách nhiệm nêu gương

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh vừa ký loạt thông báo gửi 12 cựu quan chức yêu cầu trả lại nhà công vụ của Chính phủ, sau vài ba lần Bộ gửi thông báo tương tự nhưng chưa “đòi” được nhà.

Điều đáng nói, không ít người trong số quan chức này có hệ số phụ cấp chức vụ khi đang công tác là 1 - 3 năm, đảm nhận chức danh thứ trưởng hoặc tương đương hàm thứ trưởng.

Bàn về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết, ông bất ngờ khi biết tin Bộ Xây dựng phải gửi thông báo cho 12 cựu quan chức để "đòi nhà".

“Đây là hành vi không chấp hành đúng chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước về sử dụng tài sản công. Nghị quyết Trung ương 8 (Khóa XII) đã nêu rất chi tiết về trách nhiệm nêu gương của người đảng viên. Ở đây không ít những đảng viên từng giữ chức vụ cao, đến hàm thứ trưởng nhưng ý thức nêu gương, chấp hành chủ trương chính sách của Nhà nước lại không được tốt thì quả thật đáng buồn”, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nói.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc còn cho rằng, không chỉ vi phạm về trách nhiệm nêu gương, những cán bộ về hưu này xét ở góc độ nào đó còn có dấu hiệu vi phạm những điều đảng viên không được làm.

“Phải chăng đằng sau việc không muốn trả nhà công vụ là ý định chiếm đoạt tài sản công? Nếu đúng như vậy họ còn vi phạm vào 19 điều đảng viên không được làm”, ông Phúc cho hay.

Ông Phúc cho rằng, bản thân các cán bộ này nên đề cao lòng tự trọng và ý thức trách nhiệm. “Tôi tin rằng, trong số này có người không chỉ có mỗi nhà công vụ để ở mà còn có nhà khác nữa. Từng giữ cương vì đó nên có ý thức tự giác trao trả lại nhà, điều đó bảo toàn được danh dự, uy tín của mình”, ông Phúc nói.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc còn phân tích, hành động “chây ì” không chịu trả lại nhà công vụ của các vị quan chức này mất nhiều hơn được. Bởi, nếu đã nhắc tới 2 - 3 lần mà vẫn chưa trả nhà thì chắc chắn uy tín và danh dự cũng sẽ bị ảnh hưởng nhiều. "Tôi khuyên những vị này nên suy xét lại, đừng làm khó cơ quan quản lý, nên tự giác trao trả lại nhà khi còn chưa muộn”, ông Phúc chia sẻ.

Về phía cơ quan quản lý, ông Phúc cho rằng cần phải thực thi nghiêm túc việc lấy lại nhà công vụ. Không thoái thác, nể nang, không làm hết trách nhiệm, từ đó dẫn đến mất uy tín của cán bộ, đảng viên và cơ quan.

img
Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình Bùi Văn Phương

Cần nêu đích danh trên phương tiện thông tin đại chúng

Cùng quan điểm với PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình Bùi Văn Phương cho rằng, trách nhiệm nêu gương của 12 vị quan chức về hưu này cần phải xem xét lại.

“Nếu đúng là đã có công văn “đòi nhà” công vụ đến 2 - 3 lần như vậy mà không trả thì cần phải xem xét trách nhiệm nêu gương của những vị này. Không biết, khi còn đương chức, những vị này phát biểu trước các đảng viên khác thì có nói đến trách nhiệm nêu gương không? Chắc là có, nhưng đến bây giờ đến lượt mình, không hiểu vì sao những vị này lại thiếu đi sự nêu gương đến như vậy”, ông Phương nói.

Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình còn cho rằng, những người đã từng “lên lớp”, “dạy bảo” người khác nhưng bản thân mình lại không thực hiện trách nhiệm nêu gương thì thực sự đáng buồn.

Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Phương cho biết: “Nếu không có lý do bất khả kháng mà không trả lại nhà công vụ khi đã về hưu thì thật quả là đáng xấu hổ trước nhân dân. Đã là cán bộ kinh qua nhiều vị trí và được bổ nhiệm chức vụ cao thì không thể có tư duy “chây ì” như vậy được".

“Tôi nghĩ bản thân các đồng chí này vẫn còn lòng tự trọng, không những vậy người thân họ cũng sẽ còn lòng tự trọng trước hình ảnh nhân dân nhìn vào”, ông Phương nói.

Ông Phương cho rằng: “Nếu đôn đốc, nhắc nhở mà các vị này vẫn “chây ì” không trả nhà công vụ thì phải công khai trên phương tiện thông tin đại chúng để dư luận soi xét về từng trường hợp cụ thể”. Còn khi nêu đích danh trên các phương tiện thông tin đại chúng mà các cựu quan chức này vẫn không trả nhà thì phải xử lý. Trước hết, là kỷ luật trong đảng, sau đó nhà nước tổ chức cưỡng chế.

“Tôi hy vọng không đến mức phải cưỡng chế thì những vị quan chức về hưu này mới trả nhà công vụ. Nếu phải dùng hình thức cưỡng chế thì quả thật là rất xấu hổ”, ông Phương nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.