Đường sắt

13 giờ nỗ lực thông tuyến sau vụ lật tàu SE19

25/05/2018, 05:54

Sau 13 tiếng nỗ lực cứu nạn của hơn 300 công nhân, đến 14h35 chiều 24/5 tuyến đường sắt Bắc - Nam đã thông...

1

Các công nhân ngành Đường sắt đưa vật tư thiết bị kịp thời sửa chữa 80m đường ray bị hư hỏng

Quyết liệt khắc phục hậu quả tai nạn

Vụ tai nạn giữa tàu SE19 với xe tải ở Thanh Hóa làm 11 người thương vong xảy ra giữa đêm (lúc 0h30 ngày 24/5). Ngay sau khi nhận sự chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ và Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng đã có mặt tại hiện trường phối hợp cùng lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo công tác cứu hộ và khắc phục hậu quả vụ tai nạn.

0h30 sáng 24/5, tàu SE19 đang chở 407 khách từ Hà Nội vào Đà Nẵng (trong đó có 50 người nước ngoài) bất ngờ tông vào ô tô tải BKS 37C-151.38 (do tài xế Hồ Sỹ Nam sinh năm 1985, TX Hoàng Mai, Nghệ An điều khiển), tại đường ngang Trường Lâm. Vụ tai nạn làm 6 toa xe và 1 đầu máy bị lật nghiêng, văng khỏi đường ray. Gần 100m đường ray bị phá hỏng hoàn toàn. Vụ tai nạn làm anh Nguyễn Thế Hùng (1976, ngụ tại xã Hưng Hà, Thái Bình, lái tàu) và Nguyễn Xuân Đệ (SN 1985, ngụ tại xã Ân Thi, Hưng Yên, phụ tàu) tử vong; 9 người khác bị thương, trong đó có tài xế xe tải bị thương nặng.

Tại hiện trường, Thứ trưởng Thọ yêu cầu các lực lượng phải đặt ưu tiên hàng đầu là cứu chữa ngay những người đang bị thương. Song song với đó, Tổng công ty Đường sắt VN huy động tối đa nhân lực, vật tư, thiết bị giải phóng các toa xe còn mắc kẹt trên đường ray. Thông tàu trong thời gian sớm nhất. Không để hành khách bị nhỡ chậm chuyến quá lâu.

Thứ trưởng cũng yêu cầu Tổng công ty Đường sắt VN phải lập báo cáo chi tiết; làm rõ tại sao tai nạn lại xảy ra ở đường ngang có người gác. Đồng thời, rà soát lại quy trình làm việc của tất cả các bộ phận liên quan để làm rõ trách nhiệm. Tuyệt đối không để xảy ra thêm bất cứ vụ TNGT nào tương tự trên toàn tuyến.

Còn ông Khuất Việt Hùng cho biết: Sau khi nhận được thông tin, đại diện Ủy ban ATGT Quốc gia đã vào thăm hỏi, động viên các nạn nhân và gia đình hai người đã tử vong.

“Tôi cũng đề nghị các lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa phối hợp với ngành Đường sắt khắc phục hậu quả vụ tai nạn. Ngoài ra, đề nghị Công an tỉnh Thanh Hóa khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc”, ông Hùng nhấn mạnh.

2

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng chỉ đạo tại hiện trường

13 giờ nỗ lực thông đường

Theo ghi nhận của PV tại hiện trường, thời tiết ở huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) sáng qua nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời 36 - 370C. Dù vậy, hàng trăm kỹ sư, công nhân ngành Đường sắt vẫn miệt mài chạy đua với thời gian nỗ lực cứu nạn. Nhiều thiết bị chuyên dụng như: Xe cẩu tự hành, đầu máy cứu hộ... cũng đã được huy động tới hiện trường và bắt tay ngay vào công việc. Thứ trưởng Lê Đình Thọ cùng lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, lãnh đạo ngành Đường sắt đứng giữa hiện trường chỉ đạo công tác khôi phục đường.

Vụ tai nạn làm gần 100m đường bị hư hỏng hoàn toàn, 6 toa xe và một đầu máy bị lật nghiêng. Có hai toa xe đổ đè trên đường sắt gây cản trở công tác khôi phục đường. Phương án đưa ra là di dời hai toa xe bị lật sau đó dùng tà vẹt gỗ làm đường ray mới để thông tuyến.

Để đẩy nhanh tiến độ, lực lượng cứu hộ làm việc liên tục, ăn sáng ngay tại hiện trường. Những lúc mệt, đuối sức mọi người thay nhau tranh thủ tìm bóng mát nghỉ chừng 30 phút rồi lại làm việc tiếp.

3

Hiện trường vụ tai nạn giữa xe tải và tàu hỏa khiến 6 toa và đầu tàu bay xuống ruộng - Ảnh: Đào Tiến

Công nhân Lê Bá Hóa, Công ty CP Đường sắt Thanh Hóa cho biết: Anh và nhiều anh em trong cung Khoa Trường đã làm việc liên tục từ 0h30 cho đến tận bây giờ (11h30). Dù đã khá mệt nhưng anh vẫn đang cố gắng làm việc để sớm thông đường.

Có cùng quyết tâm, anh Nguyễn Văn Khuyên - người đã vác liên tiếp hơn 10 thanh tà vẹt gỗ cho hay: “Mệt anh em thay nhau nghỉ. Tất cả đều đặt quyết tâm phải thông đường thật sớm”.

Do hiện trường ở xa khu dân cư, nên công tác ứng cứu khắc phục sự cố đa phần phải làm thủ công và dựa vào kinh nghiệm. Hai toa tàu lật nghiêng đổ đè lên một phần đường ray nên các công nhân phải dùng cọc chống, chằng đỡ toa tàu. Đồng thời, mạo hiểm đưa người luồn vào gầm toa xe, dùng kích tay tạo cân bằng. Sau đó họ tiếp tục dùng tời đưa bánh toa tàu về đường ray mới, rồi mới đẩy tàu ra khỏi vị trí vụ tai nạn. Đối với toa tàu lật trong giới hạn an toàn đường sắt, các đơn vị phải điều động cẩu chuyên dụng 100 tấn để di chuyển toa tàu ra vị trí khác. Toàn bộ công việc này được các công nhân thực hiện liên tục suốt từ 7h sáng cho tới hơn 12h trưa. Đa phần công nhân đều chấp nhận nhịn đói để thông tàu.

Đến 13h45 nỗ lực không biết mệt mỏi đường sắt mới thông tàu theo giới hạn tốc độ 5km/h. Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng ở hiện trường cho tới khi đoàn tàu SE5 đi qua an toàn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.