Chất lượng sống

13 tỉnh ĐBSCL chỉ có 4 bác sĩ chuyên ngành pháp y

08/08/2018, 06:37

Hiện nay, nhân lực y tế trong lĩnh vực chuyên ngành hiếm vùng ĐBSCL hiện đang thiếu rất nhiều.

Ảnh Ekip bệnh viện đặt máy khử rung theo dõi nhịp

Nhân lực y tế phục vụ trong lĩnh vực chuyên ngành hiếm tại khu vực ĐBSCL hiện đang thiếu rất nhiều.

Ngày 7/8, Cần Thơ tổ chức Hội nghị Nhân lực y tế vùng Đồng Bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mở rộng năm 2018. Tham dự có lãnh đạo của Sở Y tế đến từ nhiều tỉnh thành ĐBSCL.

Theo báo cáo của Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, năm 2018 có 1.229 bác sĩ, dược sĩ, cử nhân tốt nghiệp.

Kết quả tốt nghiệp của sinh viên theo địa chỉ sử dụng (ĐCSD) là 96,2%, tương đương kết quả chung của khóa đào tạo và nhóm sinh viên trúng tuyển diện ngân sách nhà nước.

Chỉ tiêu tuyển sinh năm 2018 của trường là 1450 chỉ tiêu, trong đó có 410 chỉ tiêu đào tạo theo địa chỉ sử dụng, thực tế năng lực đào tạo của trường hơn 1600.

Về tình hình nhân lực y tế phục vụ trong lĩnh vực chuyên ngành hiếm (Lao, phong, tâm thần, giải phẫu bệnh và pháp y) khu vực ĐBSCL theo báo cáo cho thấy hiện đang thiếu rất nhiều.

Hiện nay 13 tỉnh ĐBSCL đều có 13 trung tâm pháp y nhưng chỉ có 4 bác sĩ chuyên ngành pháp y, còn lại là bác sĩ chuyên khoa khác. Mặc dù có 8 bệnh viện Lao và bệnh phổi các tỉnh đi vào hoạt động từ lâu, nhưng số bác sĩ chuyên ngành rất ít, nhiều tỉnh có trung bình 1-5 bác sĩ. Phần lớn, các tỉnh không đủ nhân lực bác sĩ chuyên ngành giải phẫu bệnh để phục vụ chuyên ngành Ung bướu của bệnh viện tỉnh.

Nhu cầu đào tạo 5 chuyên ngành hiếm của 13 tỉnh trong vùng ĐBSCL trung bình khoảng 250 bác sĩ/năm,  trong đó ngành có nhu cầu cao là Lao, ngành có nhu cầu thấp hơn là giải phẫu bệnh và pháp y. 

Từ thực trạng trên, từ năm 2015, theo nhu cầu của các tỉnh, Trường ĐH Y Dược Cần Thơ mỗi năm được giao khoảng 150 chỉ tiêu phân bổ đều theo nhu cầu.

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Hoàng Anh, Giám đốc Sở y tế tỉnh Kiên Giang cho biết, Kiên Giang vừa có quyết định thành lập 2 bệnh viên chuyên khoa nhưng hiện tại nguồn nhân lực tại hai bênh viện đang rất thiếu chỉ khoảng 7-8 nhân lực/bệnh viện. Do là số lượng đào tạo ngành hiếm theo đào tạo chỉ định vẫn chưa ra trường, quá trình vận động nguồn nhân lực khá khó khăn.

“Nếu đợi các em đào tạo khoa hiếm ra trường thì rất lâu vì thế ngành y tế tỉnh Kiên Giang đề nghị Trường xem xét ngoài đối tượng liên thông y đa khoa thì cho chỉ tiêu liên thông đối với ngành hiếm để đáp ứng như cầu y tế tỉnh”, ông Hoàng Anh đề nghị.

Cũng tại hội nghị, các đại diện ngành y tế của khu vực ĐBSCL mong muốn Trường ĐH Y Dược Cần Thơ tiếp tục duy trì chương trình đào tạo theo địa chỉ sử sụng. Đồng thời các địa phương yêu cầu trường xem xét bổ sung chỉ tiêu đào tạo để đáp ứng như cầu y tế, khám chữa bệnh của địa phương mình.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.