Xã hội

14 hộ dân xã Đồng Tâm đang sử dụng đất quốc phòng

28/08/2019, 06:46

Toàn bộ diện tích đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Nội là đất quốc phòng.

img
Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại buổi họp báo Thành uỷ chiều ngày 27/8

Toàn bộ diện tích đất sân bay Miếu Môn ở xã Đồng Tâm là đất quốc phòng

Liên quan đến Kết luận thanh tra số 2346/KL-TTTP-P5 ngày 19/7/2017 của Thanh tra Tp. Hà Nội về việc thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng diện tích đất khu sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức) và quá trình xử lý từ trước đến nay, chiều 27/8, trả lời trong cuộc họp báo Thành uỷ Hà Nội, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh một lần nữa Thanh tra Chính phủ khẳng định, đất sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng, cần quản lý và sử dụng đúng mục đích.

Chánh Thanh tra Tp. Hà Nội Nguyễn An Huy cho biết, qua kiểm tra tài liệu có liên quan, hồ sơ quản lý đất nông nghiệp xã Đồng Tâm, đo đạc hiện trạng, chồng ghép các bản đồ thì diện tích đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới xã Đồng Tâm là 64,66ha (diện tích này đã được UBND xã Đồng Tâm, Nông trường quốc doanh Lương Mỹ, Xí nghiệp Vôi đá Miếu Môn bàn giao cho các đơn vị quốc phòng từ năm 1981). Thực tế, toàn bộ diện tích đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới xã Đồng Tâm là đất quốc phòng. Điều này thể hiện qua xác nhận của UBND xã Đồng Tâm tại sơ đồ phạm vi, ranh giới đất sân bay Miếu Môn do Lữ đoàn 28 lập ra.

img
Đại diện cơ quan chức năng tổ chức họp báo thông tin về kết luận thanh tra về đất Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội

“Ngoài ra, với hiện trạng đất sân bay Miếu Môn không có thay đổi, không chuyển dịch mốc giới theo đo đạc của cơ quan chuyên môn nên không có việc tăng hay giảm diện tích giữa đất sân bay Miếu Môn và xã Đồng Tâm”, ông Hà nhấn mạnh. Do vậy, việc ông Lê Đình Kình có đơn thư cho rằng, đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm là 106ha, gồm 47,36ha đã giao cho các đơn vị quốc phòng, còn lại 59ha là đất của xã Đồng Tâm là không đúng.

Theo hồ sơ quản lý đất nông nghiệp của UBND xã Đồng Tâm, xã này không có đất nông nghiệp diện tích 59ha xứ “đồng Sênh” như ông Lê Đình Kình và một vài công dân nêu. Các mốc giới do công dân dẫn Đoàn thanh tra kiểm tra tại hiện trường và vẽ trên một phần sơ đồ hiện trạng đất sân bay năm 2013 là các mốc giới hạn diện tích 50,03ha do Quân chủng Phòng không - Không quân cắm năm 2016 để giao đất cho Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) xây dựng dự án quốc phòng nằm trong đất sân bay Miếu Môn.

img
Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó tổng Thanh tra Chính phủ phát biểu tại buổi họp báo

Ông Lê Đình Kình không có quyền khiếu nại

Trả lời câu hỏi của phóng viên về thông tin xoay quanh quyền khiếu nại kết luận thanh tra, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh khẳng định: “Trong 14 hộ dân đang sử dụng đất quốc phòng (chỉ có 5 hộ có giấy do Ủy ban hành chính xã, HTX nông nghiệp Đồng Tâm cho mượn đất để ở và sản xuất từ trước năm 1980), không có hộ ông Lê Đình Kình.

Theo quy định của pháp luật, ông Lê Đình Kình là người không có quyền và lợi ích hợp pháp tại khu vực đất sân bay Miếu Môn, không phải là đối tượng thanh tra, nên không có quyền khiếu nại kết luận của thanh tra. Ông Kình có hai quyền là quyền phản ánh theo Luật Tiếp công dân (bằng đơn hoặc đến trụ sở tiếp công dân) và quyền tố cáo theo Luật Tố cáo. Ngoài hai quyền này, ông Kình không có các quyền khác”, ông Nguyễn Văn Thanh giải thích rõ.

img
Ông Nguyễn An Huy, Chánh Thanh tra thành phố Hà Nội thông tin tại buổi họp báo

Vậy tại sao một người không có quyền khiếu nại, không phải là người được người dân xã Đồng Tâm ủy quyền lại có đơn khiếu nại kết luận thanh tra? Từng là cán bộ chủ chốt tại địa phương, nắm chi tiết nguồn gốc đất đai, tại sao kể cả khi Bộ Quốc phòng cắm mốc giới ông Kình lại không có kiến nghị với các cấp có thẩm quyền mà nay lại có đơn khiếu nại? Liệu có phải có đối tượng đang lợi dụng cơ hội này vì những mục đích không trong sáng? Những thắc mắc này được Chủ tịch UBND Tp. Nguyễn Đức Chung giải đáp: Là người theo dõi, chỉ đạo xử lý vụ việc từ đầu đến nay, với những thông tin hiện có, có thể khẳng định, có việc cơ hội, lợi dụng khiếu kiện, tố cáo để xem chính quyền thành phố có bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ hoa màu hay không.

Chủ tịch UBND thành phố cũng khẳng định, đã và sẽ tiếp tục kiên trì tuyên truyền để giúp người dân hiểu rõ kết luận thanh tra, nguồn gốc cũng như quá trình sử dụng, quản lý đất đai tại địa phương và những vấn đề lịch sử nhằm tạo sự đồng thuận cao nhất để triển khai kết luận thanh tra.

"Gần 2 năm qua, chính quyền từ thành phố đến cơ sở đã thực hiện việc kiểm điểm, xử lý các cán bộ, đảng viên liên quan có vi phạm và tiếp tục kiên trì tuyên truyền, thuyết phục nhân dân hiểu đúng bản chất sự việc. Bên cạnh đó, cơ quan Công an tiếp tục thu thập các tài liệu, xét thấy cần thiết sẽ xử lý theo pháp luật…”, Chủ tịch Chung khẳng định.

Về việc tới đây, UBND Tp. Hà Nội cùng Thanh tra Chính phủ có tổ chức đối thoại với người dân xã Đồng Tâm hay không, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh khẳng định, theo quy định của pháp luật, đây là việc luật không bắt buộc. Tuy nhiên, đối thoại vẫn có thể diễn ra nếu thấy cần thiết.

Đại diện Thanh tra Chính phủ và UBND Tp. Hà Nội đều mong muốn, khi sự thật khách quan đã được làm sáng tỏ, công bố công khai, minh bạch và nhất là đại bộ phận người dân Đồng Tâm đã đồng thuận thì kết luận thanh tra cần được thực thi nghiêm.

Người dân xã Đồng Tâm với sự hiểu biết và yêu quê hương mình sẽ có nhìn nhận một cách đúng đắn để ủng hộ những nội dung đã được kết luận, tạo điều kiện cho các đơn vị quốc phòng tiến hành xây tường rào bảo vệ sân bay Miếu Môn theo đúng các mốc giới và cột mốc vẫn còn nguyên vẹn từ những năm 80 của thế kỷ trước.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.