Chính trị

Bầu xong 499 ĐBQH khóa XV, nếu có tố cáo giải quyết thế nào?

11/06/2021, 10:34

Sau công bố kết quả bầu cử, Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Bầu cử tiếp tục tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo, giải quyết trong vòng 30 ngày.

img

Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại cuộc họp báo chiều 10/6

Chiều 10/6, Hội đồng Bầu cử Quốc gia tổ chức họp báo công bố kết quả bầu cử và danh sách 499 người trúng cử ĐBQH khóa XV.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước trúng cử với số phiếu cao

Theo kết quả công bố, 17 Ủy viên Bộ Chính trị tham gia ứng cử ĐBQH khóa XV đều trúng cử.

Như vậy, trong số 18 Ủy viên Bộ chính trị khóa XIII, chỉ có ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP HCM không phải là ĐBQH. Trước đó, ông Nên không tham gia ứng cử, lý do là muốn tập trung cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo công việc của TP.

Trong số các Ủy viên Bộ Chính trị trúng cử ĐBQH, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng có số phiếu bầu rất cao, lần lượt là 93,23%, 96,65%, 98,74% và 99,89%.

Tính chung, trong danh sách 499 người trúng cử, đại biểu do các cơ quan, tổ chức ở Trung ương giới thiệu 194 người; địa phương giới thiệu 301 người.

Trong số các đại biểu do các cơ quan, tổ chức ở Trung ương giới thiệu, có 11 người thuộc khối cơ quan Đảng; 3 người thuộc cơ quan Chủ tịch nước; 126 người thuộc cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội.

Khối Chính phủ có 15 người trúng cử, ngoài Thủ tướng Phạm Minh Chính còn có Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cùng 13 Bộ trưởng (các Bộ Công an, Quốc phòng, Công thương, LĐ-TB&XH, KH&ĐT, NN&PTNT, VH-TT&DL, Tư pháp, Y tế, Tài chính, Nội vụ, Ngoại giao, GD&ĐT).

Có 12 đại biểu thuộc khối Quân đội (cơ quan bộ, các quân khu, quân chủng, binh chủng và lĩnh vực trọng yếu); 2 đại biểu thuộc Bộ Công an; 22 đại biểu thuộc cơ quan MTTQ VN và các tổ chức thành viên.

Tòa án nhân dân tối cao; Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Kiểm toán Nhà nước mỗi nơi 1 đại biểu.

Người cao tuổi nhất trúng cử là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (SN 1944), người trẻ tuổi nhất trúng cử là bà Quàng Thị Nguyệt (SN 1997, người dân tộc Khơ Mú, xã Mường Mươn, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên).

Theo danh sách trúng cử, đại biểu quê Hà Nội có số lượng đông nhất với 34 người, tiếp đó là Thái Bình 26, Thanh Hóa 25, Nghệ An 24 và Hà Tĩnh 24.

Ngoài bà Quàng Thị Nguyệt là đại biểu trẻ nhất (24 tuổi), số đại biểu từ 25 đến 30 tuổi có 10 người; 35 đến 45 tuổi 83 người; 45 đến 55 tuổi 282 người; 55 đến 65 tuổi 114 người; trên 65 tuổi có 9 người.

4 người tự ứng cử, 14 người ngoài Đảng trúng cử

Trong số có 9 người tự ứng cử, có 4 người trúng cử là ông Hoàng Văn Cường (Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân), ông Nguyễn Anh Trí (Chủ tịch Hội Huyết học và Truyền máu Việt Nam), ông Trương Trọng Nghĩa (Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM) và bà Khương Thị Mai (Giám đốc điều hành Công ty TNHH Nhôm Nam Sung Việt Nam).

Trong số này, bà Mai là trường hợp tự ứng cử lần đầu, còn lại đều là các ĐBQH khóa XIV.

Trong khóa XIV, có 11 người tự ứng cử, kết quả có 2 người trúng cử là ông Nguyễn Anh Trí và ông Phạm Quang Dũng (Nam Định). Như vậy, số người tự ứng cử trúng cử ĐBQH khóa XV tăng 2 đại biểu.

Trong tổng số người trúng cử, có 151 phụ nữ (30,26%); 89 người dân tộc thiểu số (17,84%); 47 đại biểu dưới 40 tuổi (9,42%); 14 đại biểu ngoài Đảng.

Có 15 doanh nhân trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, trong đó gần một nửa đến từ khu vực tư nhân, 8 người lần đầu tham gia và trúng cử.

Trong số các doanh nhân, hai người độ tuổi dưới 40 là bà Việt Hà - Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn chi nhánh Tuyên Quang (Agribank Tuyên Quang) và ông Nguyễn Duy Thanh - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Cà Mau. Bà Hà cũng là nữ doanh nhân trẻ tuổi nhất trúng cử lần này (36 tuổi).

14 người ngoài Đảng trúng cử gồm: Thượng tọa Thích Đức Thiện (Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam); bà Phạm Thị Xuân (Thư ký viên Tòa án nhân dân huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa); Hòa thượng Thích Thanh Quyết (Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội phật giáo Việt Nam); ông Huỳnh Thành Chung (Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Bình Phước); bà Nàng Xô Vi (Giáo viên tỉnh Kon Tum); Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Trưởng ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hà Nội); bà Quàng Thị Nguyệt (nông dân ở Điện Biên); bà Đinh Thị Ngọc Dung (nhân viên Phòng Dạy nghề - Lao động trị liệu, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Hải Dương).

Ông Nguyễn Văn Thân (Chủ tịch Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam); ông Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội); ông Nguyễn Văn Riễn (Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam); bà Trần Thị Quỳnh (giáo viên THPT Nguyễn Khuyến, thành phố Nam Định); ông Nguyễn Duy Thanh (Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Cà Mau); bà Nguyễn Thị Hà (trường THPT Lương Tài, Bắc Ninh).

Sẽ điều chỉnh để đảm bảo có 40% đại biểu chuyên trách

Theo kết quả công bố, ĐBQH khóa XIV tái cử hoặc đã từng là ĐBQH các khóa trước 203 người (40,68%); tham gia Quốc hội lần đầu 296 người (59,32%).

Đại biểu trình độ trên đại học là 392 người (78,55%), trong đó Tiến sĩ 144 người, thạc sĩ 248 người; trình độ đại học 106 người (21,24%); dưới đại học một người (0,2%); 12 người là Giáo sư, 20 người là Phó Giáo sư.

Số đại biểu hoạt động chuyên trách ở Trung ương trúng cử 126; chuyên trách ở địa phương 67.

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, cơ cấu Quốc hội khóa XV đã giảm đại biểu kiêm nhiệm làm việc trong các cơ quan hành pháp, tư pháp; tăng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách. Mặc dù chưa đạt 40% so với yêu cầu về tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách trong Luật Tổ chức Quốc hội (thiếu 1,4%), nhưng lần đầu tiên trong các nhiệm kỳ Quốc hội, tỷ lệ này đạt 38,6%.

“Trong quá trình hoạt động, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, điều chỉnh để bảo đảm tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách đạt 40%”, ông Cường nói và cho biết thêm, lần đầu tiên từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa VI trở lại đây, tỷ lệ ĐBQH là phụ nữ đạt trên 30% - cao nhất từ khóa VI đến nay.

Theo Tổng thư ký Quốc hội, sau khi công bố kết quả bầu cử, Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Bầu cử các cấp tiếp tục tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo về kết quả bầu cử, giải quyết trong vòng 30 ngày để có cơ sở xác nhận tư cách người trúng cử.

Hội đồng Bầu cử Quốc gia dự kiến họp vào ngày 12/7 tới để xem xét kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo (nếu có); thông qua nghị quyết về xác nhận tư cách ĐBQH khóa XV, làm thủ tục cấp thẻ đại biểu và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất (dự kiến khai mạc ngày 20/7).

Bí thư Bình Dương không đủ tiêu chuẩn làm ĐBQH

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia Bùi Văn Cường cho biết, trong cuộc bầu cử ngày 23/5/2021, cử tri cả nước đã bầu đủ 500 ĐBQH khóa XV.

Tuy nhiên, quá trình xem xét xác nhận tư cách người trúng cử, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã quyết định không xác nhận tư cách của người trúng cử vì không bảo đảm tiêu chuẩn đối với 1 trường hợp tại đơn vị bầu cử số 1 thuộc tỉnh Bình Dương.

Trao đổi thêm, Ủy viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Phó Trưởng Tiểu ban Thường trực Tiểu ban Nhân sự Nguyễn Thị Thanh cho biết, đó là trường hợp ông Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương.

Theo bà Thanh, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương và ông Trần Văn Nam có vi phạm, khuyết điểm mà sắp tới các cơ quan chức năng sẽ có kết luận.

“ĐBQH có nhiều tiêu chuẩn, trong đó có tiêu chuẩn rất căn bản như phẩm chất đạo đức, trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, gắn bó với nhân dân, làm tròn nhiệm vụ người đại biểu nhân dân, có năng lực, sức khỏe, có uy tín và được cử tri bầu. Đó là điều kiện căn bản nhưng ông Trần Văn Nam không đảm bảo tiêu chuẩn”, bà Thanh nêu rõ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.