Xã hội

14 người nộp lại quà tặng, 72 cán bộ kê khai tài sản, thu nhập chưa đúng

08/11/2022, 11:15

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, năm 2022, có 19 người bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng.

Có 14 trường hợp nộp lại quà tặng cho đơn vị

Sáng 8/11, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đã trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022.

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, năm 2022, thực hiện công tác phòng chống tham nhũng, các bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra tại 14.425 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, đã phát hiện, chấn chỉnh, xử lý đối với 111 cơ quan, tổ chức, đơn vị có vi phạm.

img

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong

Cùng với đó, tiến hành 3.927 cuộc kiểm tra việc thực hiện các định mức, tiêu chuẩn, chế độ, phát hiện 283 vụ việc, đã chấn chỉnh và xử lý 386 người có vi phạm (tăng 2,6% so với năm 2021).

Về thực hiện quy tắc ứng xử, đã tiến hành kiểm tra tại 8.975 cơ quan, tổ chức, đơn vị; phát hiện, chấn chỉnh và xử lý 477 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp (tăng 299 trường hợp so với năm 2021).

Năm 2022, có 14 trường hợp nộp lại quà tặng cho đơn vị, với tổng số tiền là 260,7 triệu đồng.

74 người kê khai tài sản, thu nhập chưa đúng

Về kiểm soát tài sản, thu nhập, đã có 542.337 người thực hiện kê khai tài sản, thu nhập; đã xác minh tài sản, thu nhập đối với 7.662 người; đã được kiểm tra việc thực hiện kiểm soát tài sản, thu nhập đối với 4.934 số cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Qua xác minh có 74 người kê khai chưa đúng, đã chấn chỉnh, xử lý theo quy định. Về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng năm 2022, có 19 người bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng.

Đối với công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 7.844 cuộc thanh tra hành chính và 195.326 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, phát hiện vi phạm về kinh tế 79.102 tỷ đồng, 10.621 ha đất; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 538 vụ, 306 đối tượng.

Cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã giải quyết 24.075 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 89%, kiến nghị thu hồi cho Nhà nước 132,9 tỷ đồng, 122 ha đất; trả lại cho tổ chức, cá nhân 148,9 tỷ đồng, 20,5 ha đất; khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 119 tổ chức, 576 cá nhân; kiến nghị xử lý 547 người; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 32 vụ, 55 đối tượng.

Về kết quả kiểm toán, đã kiến nghị xử lý tài chính 36.293,5 tỷ đồng, chuyển 08 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự sang cơ quan điều tra để xử lý theo thẩm quyền.

"Trong những năm tới, đất nước ta tiếp tục đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới, với những thời cơ, thuận lợi, khó khăn và thách thức mới đan xen, cùng với sự phát triển của đất nước và quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp, khó lường hơn, xảy ra trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước; tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp; tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ", Tổng Thanh tra Chính phủ nói.

img

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga

Phòng chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”

Trình bày Báo cáo thẩm tra tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, năm 2022, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) vẫn tiếp tục được đẩy mạnh và có bước tiến mạnh, đột phá với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ"; tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, có chiều hướng thuyên giảm.

Kết quả công tác PCTN đã tạo hiệu ứng tích cực, lan toả mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, được bạn bè quốc tế ghi nhận.

Về kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng trong năm 2022, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và có bước đột phá mạnh mẽ; kết hợp giữa xử lý kỷ luật, hành chính của Đảng, Nhà nước với xử lý hình sự.

Cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã tập trung kiểm tra phát hiện, làm rõ nhiều sai phạm và thi hành kỷ luật đối với nhiều đảng viên vi phạm pháp luật về PCTN, tiêu cực; Tổ chức bộ máy các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng tiếp tục được kiện toàn, phát huy vai trò nòng cốt trong công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; Các cơ quan chức năng đã làm rõ, khởi tố mới nhiều vụ án, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm minh, công khai các đối tượng sai phạm.

Trong đó, có nhiều cán bộ cao cấp thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương quản lý; nhiều hành vi tham nhũng nghiêm trọng, kéo dài và những hành vi tham nhũng trước đây ít được phát hiện như nhận hối lộ, đưa hối lộ… đã được khám phá, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời.

Tuy nhiên, Uỷ ban Tư pháp nhìn nhận công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế để PCTN còn có những hạn chế; một số quy định còn sơ hở, chồng chéo, dễ bị lợi dụng, dễ làm nảy sinh tham nhũng nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung; việc thực hiện một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng còn có những hạn chế...

Uỷ ban Tư pháp đề nghị Chính phủ cần tổng kết, đánh giá, nhận diện đầy đủ các hạn chế và nguyên nhân để dự báo đúng tình hình tham nhũng; trên cơ sở đó xác định rõ nguyên nhân chủ yếu và đề ra giải pháp đột phá để phòng, chống có hiệu quả.

Nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cấp chính quyền, xây dựng văn hóa liêm chính của cán bộ, đảng viên và nhân dân, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu trong PCTN, tiêu cực. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.