Hạ tầng

16 tỷ USD đầu tư hạ tầng hàng không lấy từ đâu?

30/12/2020, 14:00

Chi phí đầu tư hạ tầng hàng không giai đoạn 2020 - 2030 khoảng 365.100 tỷ đồng (tương đương hơn 16 tỷ USD). Vậy số tiền này lấy từ đâu?

img

Giai đoạn đến năm 2030, Cục Hàng không VN đề xuất ưu tiên mở rộng Cảng HKQT Nội Bài xây dựng nhà ga T3 và khu bay phía Nam để đạt công suất 60 triệu khách/năm

Dự kiến đến năm 2030, cả nước sẽ có 26 cảng hàng không, bao gồm 14 cảng hàng không quốc tế và 12 cảng hàng không nội địa. Chi phí đầu tư giai đoạn 2020 - 2030 khoảng 365.100 tỷ đồng (tương đương hơn 16 tỷ USD).

Lên kịch bản chi tiết

Cục Hàng không VN vừa hoàn tất dự thảo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn đến năm 2030 và định hướng đến 2050. Điểm đáng chú ý trong dự thảo này là đến năm 2030, cả nước sẽ có 26 cảng hàng không, bao gồm 14 cảng hàng không quốc tế và 12 cảng hàng không nội địa.

Phân loại, phân cấp các cảng hàng không, Cục Hàng không VN chia ra làm 3 loại cơ bản gồm: Quốc tế cửa ngõ (Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất, Long Thành); quốc tế (Vân Đồn, Cát Bi, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Chu Lai, Cần Thơ, Phú Quốc, Liên Khương) và nội địa (Điện Biên, Sapa, Quảng Trị, Pleiku, Phù Cát, Tuy Hòa, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Đồng Hới, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo).

Như vậy, so với mạng cảng hàng không toàn quốc theo Quyết định 236 của Thủ tướng Chính phủ, số cảng hàng không đã giảm từ 28 xuống còn 26. Trong đó, 2 cảng hàng không Nà Sản, Lai Châu được đề xuất quy hoạch xây dựng trong giai đoạn sau năm 2030.

Giai đoạn 2030 - 2050, Cục Hàng không VN đề xuất đầu tư thêm 4 cảng hàng không mới, trong đó có sân bay thứ hai cho vùng Thủ đô và 3 sân bay mới khác gồm Lai Châu, Nà Sản (Sơn La) và Cao Bằng. Cảng hàng không thứ 2 cho vùng Thủ đô sẽ được nghiên cứu vị trí khi có nhu cầu, dự kiến vào năm 2040.

Các dự án ưu tiên đầu tư trong giai đoạn đến năm 2030 gồm xây dựng Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1, công suất 25 triệu khách/năm; từng bước triển khai giai đoạn 2 công suất 50 triệu khách/năm; xây dựng Nhà ga T3 Cảng HKQT Tân Sơn Nhất để nâng công suất toàn cảng lên 50 triệu khách/năm; mở rộng Cảng HKQT Nội Bài xây dựng Nhà ga T3 và khu bay phía Nam để đạt công suất 60 triệu khách/năm và cuối cùng là dự án mở rộng Cảng HKQT Đà Nẵng và Cảng HKQT Cam Ranh đạt công suất lên 25 triệu khách/năm.

Cần khoảng 16 tỷ USD đến năm 2030

Theo ước tính của Cục Hàng không VN, chi phí đầu tư giai đoạn 2020 - 2030 khoảng 365.100 tỷ đồng (tương đương hơn 16 tỷ USD), chi phí đầu tư giai đoạn 2030 - 2050 khoảng 866.360 tỷ đồng (hơn 39 tỷ USD).

Dự kiến nguồn vốn thực hiện quy hoạch được huy động tổng hợp các nguồn lực đầu tư khác nhau như vốn vay ODA, nguồn vốn ngân sách, vốn vay thương mại từ các tổ chức tài chính, vốn từ xã hội hóa đầu tư theo hình thức PPP.

Theo Cục Hàng không VN, với số vốn trên sẽ ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước, ODA góp đối ứng vào các dự án xã hội hóa kết cấu hạ tầng hàng không trọng điểm, liên quan đến an ninh, quốc phòng.

Cùng đó, Chính phủ xem xét hỗ trợ, cho phép vay ưu đãi, bảo lãnh vay thương mại, tạo cơ chế, chính sách thuận lợi (thuế, đất đai...) đối với các doanh nghiệp trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng hàng không đồng thời tạo điều kiện để các doanh nghiệp chủ động trong việc bố trí và huy động nguồn vốn hợp pháp, đặc biệt phát hành trái phiếu doanh nghiệp, tăng vốn điều lệ, liên kết trong việc đầu tư ngoài ngành để triển khai đầu tư.

Cục Hàng không VN cũng đề xuất sử dụng nguồn vốn huy động của địa phương nơi có cảng hàng không, sân bay mới như vốn đã được áp dụng khá hiệu quả với Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn tại Quảng Ninh.

Vốn tư nhân sẽ ồ ạt đổ vào hạ tầng hàng không

Trao đổi với Báo Giao thông, một chuyên gia kỳ cựu trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng hàng không cho hay: Từ khoảng những năm 2000, hạ tầng hàng không bắt đầu được tập trung đầu tư bài bản.

Tổng số tiền đầu tư cho hạ tầng hàng không trong 20 năm qua lên tới cả chục tỷ USD. Có sân bay được nâng cấp, đầu tư mới (Vân Đồn, Phú Quốc.), đầu tư nâng cấp, mở rộng, chỉnh trang (Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Phú Bài, Cát Bi, Phù Cát, Đà Nẵng, Tuy Hòa, Cam Ranh)…

Công nghệ áp dụng tại các sân bay cũng tương đối hiện đại. Các đường băng mới ở Cam Ranh, Vân Đồn, Phú Quốc hay các đường băng đang được sửa chữa nâng cấp tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất đều được thiết kế theo các tiêu chuẩn mới nhất hiện nay.

Cũng theo vị này, từ đầu những năm 2000, nguồn vốn đầu tư hạ tầng hàng không đều là ngân sách nhà nước. Từ năm 2010, chủ yếu là vốn của ACV, Quản lý bay và các DN Nhà nước khác. Tuy nhiên, 5 năm tới sẽ chứng kiến nguồn vốn đầu tư từ xã hội, từ khối tư nhân tiếp tục ồ ạt đổ vào hạ tầng hàng không.

“Việc Quốc hội vừa thông qua Luật PPP sẽ là tiền đề rất lớn, “cởi trói” cho việc tham gia của khối tư nhân, khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh vào hạ tầng hàng không”, chuyên gia khẳng định.

Theo Chủ tịch Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) Lại Xuân Thanh, 5 năm nữa, chỉ tính riêng hệ thống cảng do ACV quản lý, năng lực hạ tầng sẽ tăng thêm khoảng 70 triệu khách. Không tính dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang gấp rút triển khai với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 khoảng 4,7 tỷ USD, ACV cũng đã lên kế hoạch đầu tư, nâng cấp hàng loạt cảng hàng không hiện hữu với tổng số tiền lên tới hơn 66,6 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 3 tỷ USD) trong giai đoạn 2021 - 2025.

Ngoài ACV, nhiều nhà đầu tư tư nhân đã ngỏ ý tham gia vào các dự án hạng tầng hàng không. Trong đó đáng chú ý, một tập đoàn kinh tế lớn cũng từng đề xuất Chính phủ được xây dựng Cảng hàng không Chu Lai mới thay thế cảng cũ với tổng vốn đầu tư khoảng 10 nghìn tỷ đồng theo hình thức hợp đồng BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh).

Nhà đầu tư sẽ bỏ chi phí đầu tư xây dựng sân bay mới hoàn toàn. Sau khi hoàn thành, nhà đầu tư sở hữu và được quyền kinh doanh công trình trong một thời hạn nhất định. Ngoài ra, tập đoàn này cũng đề nghị đầu tư một khu đô thị sân bay Chu Lai quy mô hơn 1.000ha với tổng vốn hơn 20 nghìn tỷ đồng.

Sản lượng thông qua các cảng hàng không thời gian qua chủ yếu tập trung tại các cảng hàng không quốc tế đóng vai trò cửa ngõ (Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất). Các cảng hàng không cửa ngõ đã và đang khai thác trong tình trạng sản lượng khai thác vượt quá công suất thiết kế. Trong đó, Tân Sơn Nhất có công suất thiết kế 28 triệu khách/năm nhưng thực tế sản lượng thông qua là 41 triệu khách/năm; Nội Bài đã khai thác tới 29 triệu khách/năm trong khi công suất thiết kế chỉ là 25 triệu khách/năm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.