Đường sắt

17.200 tỉ đồng khôi phục đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt

13/04/2019, 06:05

Tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt được đề xuất khôi phục theo hình thức đầu tư PPP với kinh phí lên đến hơn 17 nghìn tỷ đồng.

img
Đà Lạt là một ga trên tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát. Ảnh: K.Linh

Công ty CP Thương mại - Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng đề xuất khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt với kinh phí lên đến hơn 17 nghìn tỷ đồng theo hình thức đầu tư PPP.

Khôi phục tuyến đường sắt răng cưa huyền thoại

Công ty CP Thương mại - Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng vừa đề xuất 2 tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận và Bộ GTVT cho phép đầu tư phục hồi tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt theo hình thức đối tác công - tư (PPP), cụ thể theo hợp đồng BOT (hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) kết hợp BT (hợp đồng xây dựng - chuyển giao).

Theo tư vấn lập nghiên cứu dự án - Công ty CP Tư vấn thiết kế GTVT phía Nam (TEDI South), tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt được đề xuất khôi phục có điểm đầu là ga Tháp Chàm, điểm cuối là ga Đà Lạt dài khoảng 84km, đi qua địa bàn TP Phan Rang - Tháp Chàm, huyện Ninh Sơn (tỉnh Ninh Thuận) và huyện Đơn Dương, TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng).

Về kĩ thuật, đây sẽ là đường đơn khổ 1.000mm; Tốc độ thiết kế trên đoạn đường bằng là 60km/h, đoạn núi khi qua đường sắt răng cưa là 30km/h. Tuyến được khôi phục dựa trên cơ sở tuyến đường sắt cũ, có điều chỉnh để giảm độ dốc, với khoảng 15-17 ga, qua 5 hầm xuyên núi. Tuyến đường này sẽ kết nối với tuyến đường sắt Bắc - Nam khổ 1.000mm hiện hữu tại ga Tháp Chàm.

Về phương tiện, tư vấn đề xuất phương án sử dụng đầu máy diesel, sau này sẽ sử dụng đầu máy điện hiện đại. Còn theo đại diện nhà đầu tư Bạch Đằng, đầu máy sẽ được thiết kế hình dáng bên ngoài như đầu máy hơi nước thời Pháp và có cả bộ phận nồi hơi để phả hơi nước trong quá trình chạy tàu, nhưng không sử dụng than đốt.

Trước đề xuất này, ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết sẽ ủng hộ doanh nghiệp đề xuất dự án để bảo tồn kiến trúc và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Việc đầu tư dự án không chỉ có ý nghĩa với các địa phương tuyến đi qua mà còn giúp phát triển kinh tế du lịch của nhiều tỉnh lân cận, trong đó Lâm Đồng với thế mạnh về du lịch cảnh quan núi, Ninh Thuận với du lịch biển.

Ông Nguyễn Tiến Thịnh, Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư - Hợp tác quốc tế Cục Đường sắt VN cho biết, chủ trương khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt đã được nêu trong Quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 ban hành năm 2015. Việc khôi phục lại tuyến đường sắt này sẽ đem lại hiệu quả lớn trong phát triển vận tải đường sắt kết nối khu vực Tây Nguyên và cảng biển, cũng như lưu thông hành khách, hàng hóa giữa hai tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận.

Hơn 17 nghìn tỷ đầu tư có khả thi?

Tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt được người Pháp thi công từ năm 1908, đến năm 1916 những chuyến tàu đầu tiên bắt đầu hoạt động trên đoạn tuyến Tháp Chàm - Xóm Gòn. Đoạn tuyến tiếp theo đến Đà Lạt phải 6 năm sau, năm 1922 mới thi công và đến năm 1932 hoàn thành. Đoạn tuyến này rất đặc biệt, có tổng cộng 16km đường sắt răng cưa leo núi ở 3 đoạn. Những đoạn này được thiết kế thêm đường ray răng cưa ở giữa hai ray chính đường khổ 1.000mm. Đầu máy được thiết kế gắn thêm bánh răng bám vào đường ray răng cưa.
Tuyến có tổng chiều dài 84km, 12 ga và chạy qua 5 hầm xuyên núi. Năm 1986, hầu như toàn bộ đường ray, tà vẹt trên tuyến đường này được tháo gỡ. Hiện chỉ còn đoạn Trại Mát - Đà Lạt dài khoảng 7km đang khai thác chạy tàu du lịch.


Theo báo cáo giữa kỳ nghiên cứu tiền khả thi mà nhà đầu tư Bạch Đằng đưa ra xin ý kiến góp ý vào giữa tháng 3 vừa qua, tổng mức đầu tư dự án lên đến khoảng 17.200 tỉ đồng.
Đây là số tiền rất “khủng” đối với một doanh nghiệp tư nhân, lại ở lĩnh vực đường sắt rất khó thu hồi vốn. Đặc biệt, tuyến này sẽ chủ yếu là phục vụ du lịch. Bài toán thu hồi vốn sẽ thế nào để dự án khả thi?

Trả lời câu hỏi này, ông Thân Hà Nhất Thống, Chủ tịch HĐQT Công ty Bạch Đằng cho biết, với suất đầu tư, số vốn bỏ ra rất lớn, nếu chỉ thu lại bằng tiền vé du lịch, tiền vận chuyển hành khách, chắc chắn sẽ không thể thu hồi vốn. Vì vậy, nhà đầu tư đề xuất thu hồi vốn theo hai hình thức: Với đầu tư BOT tuyến đường sắt, doanh thu từ giá vé vận tải hành khách, giá cước vận tải hàng hóa và doanh thu từ dịch vụ nhà ga, trên tàu như cho thuê mặt bằng, quảng cáo trên tàu… Với đầu tư BT, hai tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận sẽ thanh toán cho nhà đầu tư bằng quỹ đất đối ứng.

Đánh giá cao đề xuất của Công ty CP Bạch Đằng, ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt VN cho biết, Bộ GTVT, Cục Đường sắt VN ủng hộ các nhà đầu tư tư nhân tham gia đầu tư lĩnh vực đường sắt. Ngay từ khi doanh nghiệp đề xuất ý tưởng, Cục Đường sắt VN đã hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư tiếp cận, tìm hiểu các quy định pháp luật, kĩ thuật và các vấn đề liên quan.

Tuy nhiên, về tính khả thi của dự án, ông Khôi cho rằng, chưa thể đánh giá được vì vẫn đang trong giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Dù nhà đầu tư đã đề xuất sơ bộ về nguồn vốn đầu tư, cách thức huy động vốn, thu hồi vốn, nhưng chưa có phương án cụ thể, đặc biệt là hình thức đầu tư BT đối với đất của các tỉnh.

Quan trọng nhất là phương án tài chính cho dự án phải khả thi. Nếu không, giao đất rồi mà đang triển khai giữa chừng, nhà đầu tư vì một lý do nào đó, không làm đường sắt nữa thì sẽ thế nào?”, ông Khôi nêu vấn đề và cho rằng, Bộ GTVT sẽ xem xét, thẩm định nghiên cứu tiền khả thi dự án sau khi nhà đầu tư hoàn thiện, nếu đạt yêu cầu mới trình Chính phủ xin chủ trương đầu tư.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.