Hạ tầng

18 năm chưa làm xong 990m đường ở thành phố Vinh

24/11/2022, 10:20

Sau 18 nămđược phê duyệt, tuyến đường 72m (có chiều dài 990m) ở TP Vinh (Nghệ An) vẫn chưa thi công xong gây nhiều hệ lụy cho người đi đường.

Đường chưa xong, vốn không ngừng tăng

Ngày 22/11, PV Báo Giao thông có mặt tại Dự án đường giao thông nối QL1 đến đại lộ Xô Viết Nghệ Tĩnh (gọi tắt là đường 72m). Theo quan sát, công trình đang dở dang nhưng tại công trường dự án không có bóng dáng công nhân hay máy móc nào đang làm việc. Nhiều cấu kiện và vật liệu xây dựng được nhà thầu tập kết ngổn ngang trên dải phân cách giữa đường.

img

Đã 18 năm nhưng tuyến đường 72m vẫn chưa thể hoàn thành

Theo người dân xóm 17, xã Nghi Phú, tuyến đường 72m thi công kéo dài trong nhiều năm nay khiến họ gặp rất nhiều phiền toái và tiềm ẩn nguy cơ TNGT.

Cụ thể, đoạn khoảng 300m phần đường dành cho phương tiện lưu thông hướng Đại lộ Xô Viết Nghệ Tĩnh đi QL1 chưa thi công xong. Thành ra, khi lưu thông được nửa đường, các phương tiện phải chuyển hướng sang phần đường cho xe ngược chiều, rất nguy hiểm.

Ngoài ra, hệ thống mương thoát nước của đường vẫn chưa hoàn thiện, trời mưa to là ngập sâu. Hệ thống chiếu sáng đã được đầu tư xây dựng nhưng đến nay vẫn chưa được đóng điện. Chính vì thế vào ban đêm, tuyến đường này trở thành nỗi “ác mộng” của người đi đường.

Thường xuyên phải đi qua tuyến đường này, chị Trần Thị Lan (trú tại xã Nghi Phú, TP Vinh) cho biết: mỗi lần đi qua đây chị rất run tay vì lưu lượng phương tiện lớn, có đoạn phải chuyển làn và đi ngược chiều. Ngoài ra, nhiều người dân biến dải phân cách giữa thành điểm tập kết rác nên rất ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị.

Được biết, Dự án Đầu tư xây dựng đường giao thông từ QL1 đến đại lộ Xô Viết Nghệ Tĩnh nằm trên địa bàn xã Nghi Phú, TP Vinh được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt ngày 11/6/2004. Tuyến đường có chiều dài 990m, rộng 72m (bao gồm: Lòng đường 32m, dải phân cách 16m và vỉa hè 24m) nằm nối tiếp trục đại lộ Vinh - Cửa Lò.

img

Do đoạn giữa chưa xong nên các phương tiện phải di chuyển ngược chiều

Mục tiêu đầu tư của dự án là triển khai thực hiện quy hoạch phát triển đô thị thành phố Vinh đến năm 2020; khai thác nguồn quỹ đất trong các khu quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt; tạo các điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng để thu hút đầu tư và trước mắt phục vụ Năm Du lịch Quốc gia 2005 tại Nghệ An.

Dự án được giao cho Ban Quản lý các dự án Xây dựng dân dụng và Kỹ thuật hạ tầng đô thị tỉnh Nghệ An làm chủ đầu tư (thuộc Sở Xây dựng). Đến năm 2020, thì bàn giao cho Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và Công nghiệp tỉnh Nghệ An (thuộc UBND tỉnh Nghệ An).

Nhà thầu thi công dự án là Công ty TNHH Thanh Thành Đạt (có trụ sở tại số 34, đường Nguyễn Sỹ Sách, thành phố Vinh), tiến độ hoàn thành trước ngày 19/5/2005.

Ban đầu, dự án có tổng mức đầu tư hơn 63,4 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp hơn 23,7 tỷ đồng, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng hơn 35,7 tỷ đồng và các chi phí khác. Trải qua 18 năm triển khai, dự án được UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh 4 lần vào các năm 2006, 2013, 2014 và 2022. Nguồn vốn cũng “đội lên” đến 281 tỷ đồng; tiến độ thực hiện hoàn thành trước ngày 31/12/2022.

img

Máy móc và vật liệu tập kết trên công trường nhưng nhà thầu chưa biết đến bao giờ mới hoàn thành được công trình

Chưa biết ngày về đích

Trước thực tế này, ông Trần Văn Dũng - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và Công nghiệp tỉnh Nghệ An cho biết: Ban chỉ mới tiếp nhận dự án này từ khi sáp nhập các ban của tỉnh lại.

Nguyên nhân dẫn đến dự án thi công kéo dài, dẫn đến tổng mức đầu tư tăng cao là do vướng mặt bằng và phải điều chỉnh, bổ sung thêm hạng mục mới so với thiết kế ban đầu.

Trong khi đó, ông Trần Quang Luận - Giám đốc Công ty TNHH Thanh Thành Đạt cho biết: Doanh nghiệp cũng không mong muốn khi để dự án phải kéo dài như thế này. Tuy nhiên, do không có mặt bằng nên doanh nghiệp không thể triển khai thi công được.

“Việc thi công kéo dài này vừa ảnh hưởng đến định hướng phát triển kinh tế của tỉnh; bộ mặt đô thị của TP Vinh và cả hình ảnh của công ty. Thế nhưng, đến giờ vẫn chưa có mặt bằng nên công ty cũng chưa biết đến bao giờ mới hoàn thành”, ông Luận nói.

Còn bà Võ Thị Diễm Quỳnh - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP Vinh (Nghệ An) cho biết: Đến nay, phần mặt bằng trên tuyến chính đã được giải quyết xong, còn vướng 7 hộ dân với tổng diện tích 707,6m2 nằm trong phạm vi vỉa hè của dự án.

img

Trong khi đó, tuyến đường đang trở thành điểm tập kết rác của người dân

Bà Quỳnh cho biết thêm: Theo tính toán, tổng số tiền gồm đền bù GPMB 7 hộ dân nói trên; tiền bổ sung hỗ trợ cho những hộ có đơn thư khiếu nại được cấp có thẩm quyền chấp nhận và tiền phá bỏ dải phân cách, cây xanh, đèn chiếu sáng trên đường Đại lộ Xô Viết Nghệ Tĩnh lên đến hơn 16 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay, chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý các dự án Xây dựng dân dụng và Kỹ thuật hạ tầng đô thị tỉnh Nghệ An vẫn chưa chuyển cho trung tâm.

“Giá đất đền bù đối với những hộ dân còn lại ở thời điểm bắt đầu triển khai dự án là 4 triệu đồng/1m2. Đến năm 2019, dự án được tái khởi động trở lại, dù những hộ dân ở đây trước đây là ở trong ngõ, mức giá đền bù đã được duyệt lên 10 triệu đồng/1m2 nhưng các hộ này không đồng ý. Ngoài ra, dù chỉ bị thu hồi 1 phần nhưng những hộ dân này vẫn đòi hỏi tái định cư. Đòi hỏi này là trái với quy định của pháp luật”, bà Quỳnh cho biết thêm:

Một năm trở lại đây, do chưa có tiền nên trung tâm cũng chưa làm việc lại với các hộ dân còn lại này. Vừa qua, dự án đã được HĐND tỉnh thống nhất để UBND tỉnh quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Sau khi có tiền, chủ đầu tư chuyển cho trung tâm, trung tâm sẽ làm việc lại với các hộ dân. Nếu người dân vẫn không đồng ý mức đền bù thì sẽ thực hiện các bước tiếp theo theo đúng quy định của pháp luật.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.