Thể thao

18 tỷ có biến kình ngư Phương Trâm thành “Ánh Viên 2.0”?

18/04/2016, 10:13

Nguyễn Diệp Phương Trâm sẽ lên đường sang Mỹ tập huấn dài hạn từ tháng 6 tới với số tiền khủng 18 tỷ đồng.

tn-phuongtram01-anhdongnghi_kzir

Phương Trâm đã phá kỷ lục của Ánh Viên ở nội dung 50m bướm tại giải Vô địch quốc gia 2015

Nguyễn Diệp Phương Trâm sẽ lên đường sang Mỹ tập huấn dài hạn từ tháng 6 tới với số tiền tài trợ khủng 18 tỷ đồng mang theo ước vọng khổng lồ: Giành huy chương Olympic 2024. Muốn thế, Phương Trâm ít nhất cũng phải đạt tới đẳng cấp ngang hay vượt siêu kình ngư Ánh Viên. Liệu điều này có bất khả thi?

Có tài trợ “khủng” nhờ... vụ tranh chấp

Nếu như không có vụ tranh chấp đi - ở với đơn vị chủ quản TP HCM kéo dài suốt 6 tháng cuối năm 2015, có lẽ kình ngư Phương Trâm vẫn chỉ được biết đến như một gương mặt trẻ triển vọng, và có mơ cũng chưa thể đi Mỹ tập huấn dài hạn. Thế nhưng, chính việc gia đình Trâm xin đơn phương thanh lý hợp đồng, cùng những diễn biến phức tạp chưa có tiền lệ đã khiến vụ việc trở thành “điểm nóng” đặc biệt của làng thể thao và dư luận. Nó đã xảy ra những cuộc tranh luận nảy lửa, làm khó ngay cho cả các luật sư, đơn cử về mức phí đền bù, TP HCM đòi 961 triệu đồng còn gia đình chỉ chấp nhận 100 triệu đồng.

Kình ngư 15 tuổi trước đó gần như thuộc diện vô danh, nhất là đặt bên cái bóng bao trùm lên cả môn bơi của Ánh Viên, bỗng dưng nổi đình đám. Qua truyền thông, Phương Trâm xuất hiện như một điển hình của niềm đam mê và sự vượt khó, khi mà bố mẹ đã bán nhà chuyển chỗ ở vì nghiệp bơi của con, còn bản thân em cũng hy sinh cả tuổi thơ cho đường bơi xanh. Phương Trâm đã từ vị trí “cửa dưới” vọt lên chiếm thế “cửa trên” buộc ngành Thể thao TP HCM phải liên tục xuống nước, đồng ý với hàng loạt điều kiện của gia đình để giữ em ở lại.

Cái kết của vụ tranh chấp còn vượt ngoài sức tưởng tượng của những người trong cuộc, bởi một doanh nghiệp đã quyết định tài trợ 18 tỷ đồng để đưa Trâm sang Mỹ đào tạo trong 9 năm. Họ muốn chung sức chăm lo cho một tài năng trẻ, song cũng hiểu rằng Trâm đã là một “thương hiệu” sẵn có. Phương Trâm đạt được mục đích một cách mỹ mãn, còn Nhà nước không phải chi một đồng.

Cũng phải ghi nhận, bản thân Phương Trâm bất chấp những ảnh hưởng tiêu cực vẫn tập luyện, thi đấu cực tốt để tạo nên những bước tiến vượt bậc, nổi bật là chiến tích giành 9 HCV giải trẻ Đông Nam Á, 3 HCV giải trẻ châu Á. Tuyển thủ sinh năm 2001 này xứng đáng nhận được sự đầu tư đặc biệt. Thế nhưng, điều đó cũng chỉ chiếm một phần nhỏ so với lý do quyết định chính từ vụ tranh chấp đi - ở.

HCV SEA Gamestrong tầm tay

Từ nền tảng tốt đang có, nếu được rèn giũa trên đất Mỹ theo đúng chuẩn quốc tế như Ánh Viên, việc Phương Trâm đoạt HCV ở SEA Games 2017 có thể “trông thấy” ngay từ bây giờ. Thực tế kình ngư 15 tuổi cũng đang có thành tích dẫn đầu khu vực ở một số cự ly ngắn vốn là sở trường của mình như 50m tự do và 50m bướm. Đây là 2 đường bơi Trâm từng đánh bại chính đàn chị tại giải VĐQG với hai thông số phá kỷ lục. Xa hơn, Trâm cũng có thể tranh chấp huy chương ở ASIAD 2018.

Cũng giống Ánh Viên, tài năng trẻ đất Sài thành hội đủ các yếu tố thuộc diện “của hiếm” trong làng bơi Đông Nam Á, nổi bật là độ nổi cùng khả năng bám nước, bản lĩnh thi đấu và sự bền bỉ trong tập luyện. Các kỹ thuật bơi của Phương Trâm  đã tương đối hoàn chỉnh, ở cả 4 kiểu bơi. Bước xuất phát và năng lực bứt tốc trong đoạn ngắn cũng là một điểm mạnh nổi trội của Trâm.

Cô gái 15 tuổi có sự phát triển bài bản, qua 9 năm rèn giũa tại TP HCM - trung tâm đào tạo trẻ số 1 của bơi Việt Nam, giúp cho Phương Trâm có thể thích nghi tốt với một môi trường chuyên nghiệp, hiện đại tại Mỹ. Cô gái này tránh được tình trạng phải “làm lại” từ đầu hay phải chỉnh sửa cơ bản về phương thức, kỹ thuật giống như nhiều tài năng khác của TTVN gặp phải. Xét về mọi mặt, Phương Trâm đang là tay bơi số 2 Việt Nam sau Ánh Viên, với nhiều điểm mà đàn chị cũng kém xa lúc 15 tuổi. Và cô ấy có nhiều điểm lợi hơn hẳn Ánh Viên trước khi nhà tài trợ có tham vọng đưa Trâm lên đẳng cấp hàng đầu thế giới trong tương lai: Huy chương tại Olympic 2024 ở tuổi 23, độ tuổi đỉnh cao nhất đối với một kình ngư.

Khó là “Ánh Viên 2.0”

Để hoàn thành mục tiêu khổng lồ ấy, Phương Trâm sẽ phải đạt tới tầm mức bằng thậm chí hơn Ánh Viên, người vẫn chưa có thông số chuyên môn nào lọt vào Top 8 Olympic bất cứ nội dung nào. Một câu hỏi thú vị, cũng là một vấn đề lớn đặt ra là với 18 tỷ đồng (có thể  còn hơn nhiều) trong 9 năm, liệu điều đó có khả thi khi chính giới cũng phải thừa nhận khả năng đó khó, thậm chí phần nào đó bất khả thi?

Dù Phương Trâm hơn Ánh Viên về sự bài bản, ở một số kỹ thuật, ý chí và năng lực vượt khó chịu khổ cũng có thể hoàn toàn ngang ngửa. Tuy nhiên, cô gái tuổi 15 này lại quá khó để trở thành phiên bản “Ánh Viên 2.0” bởi những cái thua yếu chí tử, mà không thể bù đắp được bằng sự đầu tư hay nỗ lực tự thân.

“Cá nhân tôi cùng làng bơi đều rất vui mừng với sự xuất hiện của một nhân tố mới như Phương Trâm. Có thể tin vào những bước thăng tiến của em khi được đưa sang Mỹ tập huấn dài hạn. Tuy nhiên, việc Trâm có thể tiến đến đâu, có thể đạt tới những thành quả như Viên hay không thì không thể nói trước.

Không phải ai tập huấn tại Mỹ cũng thành công như Viên và không phải VĐV nào có tài đi lại con đường của Viên cũng được như vậy. Điều kiện là một chuyện, HLV là một chuyện, nhưng quan trọng nhất vẫn là ý chí, nghị lực và khả năng thích nghi, đáp ứng của chính VĐV.

Ánh Viên đã phải lao động khủng khiếp, hy sinh quá nhiều mới được như ngày hôm nay. Từ hơn một năm nay, tôi đã gửi giáo án về cho Trâm tập luyện, cũng như luôn giám sát chặt chẽ và cũng mừng vì em thực hiện tương đối tốt”.HLV ĐTQG Đặng Anh Tuấn

Đó là hạn chế thể hình, rõ nhất về chiều cao và sải tay sẽ là một thử thách cực lớn với Trâm. Theo dự báo, dù có tập trung và kích thích tăng trưởng kiểu gì, chiều cao của kình ngư 15 tuổi tối đa cũng chỉ đạt mức trên dưới 1m65, dưới xa chuẩn quốc tế. Ngay Ánh Viên cao nhất làng bơi nữ Việt với 1m73 cũng vẫn “đuối” hẳn so với các đấu thủ hàng đầu thế giới. Làng bơi quốc tế  từng có một vài trường hợp ngoại lệ theo kiểu đột xuất, song nhìn chung không có kình ngư nào cao dưới 1m70 có thể bước lên bục huy chương Olympic hay giải VĐTG, đặc biệt với quy trình tuyển chọn, đào luyện hiện tại.

Việc Phương Trâm sang Mỹ ở tuổi 15 chưa muộn nhưng không phải là sớm. Chắc chắn quy trình đào tạo chuyên biệt của em thua các đấu thủ cùng lứa tuổi tại đây, ví như một số kình ngư của Singapore vài năm.

Những người không thông hiểu mấy về chuyên môn đã lấy trình độ, thành tích của Trâm ở tuổi 14-15 để đưa ra kết luận đơn giản còn hơn cả Ánh Viên lúc cùng tuổi. Thế nhưng, nếu phân tích kỹ thì Trâm được đào tạo bài bản từ năm 6 tuổi, qua 9 năm ăn tập chuyên nghiệp, còn Viên 15 tuổi coi như mới thực sự bắt đầu sau một thời gian dài ăn tập nghiệp dư. Trên thực tế, nhiều kình ngư của Singapore ở tuổi 15 như Trâm đã đoạt huy chương châu Á và tiếp cận trình độ thế giới. Và như thế, tiềm lực phát triển, hay nói cách khác, “nguồn vốn” của Trâm rõ ràng chưa thể bằng đàn chị.

Mọi chuyện còn phụ thuộc nhiều vào nội lực, sức vươn và quy trình luyện tập, thi đấu của Phương Trâm. Dù vậy, trước mắt tài năng trẻ đất Sài thành có những cái “ngưỡng” cao như đỉnh núi. Có thể tin tưởng “Tiểu Ánh Viên” sẽ sớm chinh phục được HCV SEA Games rồi huy chương ASIAD, còn đỉnh thế giới lại hoàn toàn khác.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.