Xã hội

19 ngày vượt trùng khơi tiếp tế đảo đèn Trường Sa

01/02/2017, 07:05
image

Nhật ký chuyến đi kéo dài 19 ngày vượt trùng khơi tiếp tế đảo đèn Trường Sa không thể quên...

66

Tiếp tế cho hải đăng An Bang

Tôi may mắn được lên tàu, đi trong những cơn giông gió bất ngờ của biển Đông, chờ sóng hạ để xuống cano lên đảo. Đảo gần lắm, những tưởng chỉ gang tay, nhưng nhiều khi thủy thủ đoàn phải nằm trên tàu cả tuần mới tiếp tế được. Đó là chuyến đi dài 19 ngày tôi không thể quên...

Ngày...!

Quãng quá trưa, con tàu Hải Đăng 05 dài hơn 60m kéo một hồi còi dài rồi từ từ ra khơi, nhắm hướng đảo chìm Đá Lát thẳng tiến. Lần đầu tiên đi biển, tôi đã rất lo, nhất là khi nghe nhiều người dọa say sóng. Anh thủy thủ tên Khương đùa: “Chuyến này về ít nhất cũng phải gầy đi mấy cân đấy! Trong này biển êm thế thôi, nhưng ra phao số 0 mới bắt đầu thấy sóng, tàu mới bắt đầu lắc. Mùa này biển động nên đi vất vả hơn nhiều”.

Từ bờ biển Vũng Tàu ra phao số 0 cũng mất non nửa ngày. Lúc này chưa có sóng, tàu êm tựa như đang trên du thuyền hồ Tây ở Hà Nội. Nhưng khi đất liền bắt đầu xa dần phía chân trời, cảm giác tàu lắc cũng dần tăng, dập dềnh lên xuống, rồi chao nghiêng. Cảm giác say sóng bắt đầu ập đến, nôn nao khó chịu. Tôi hít sâu, thở chậm, không dám nhìn xuống sóng nữa mà nhìn ra xa nơi mũi tàu đang hướng tới.

Mặt trời nhạt dần, tôi ngắm ánh đèn của những tàu cá xa xa như những con đom đóm chơi đùa trên sóng. Phía cuối tầm mắt có dãy đèn sáng thẳng tắp như những dãy đèn cao áp. Anh Hải, cán bộ Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn hàng hải Khu vực III bảo đấy là mũi Kê Gà, Bình Thuận. Vậy là sắp không nhìn thấy đất liền nữa rồi. Chỉ khoảng hai ngày đêm nữa sẽ đến trạm Đá Lát nếu thời tiết thuận lợi.

Ngày...!

Trạm Hải Đăng Đá Lát dần hiện trước mũi tàu. Từ xa, Đá Lát như tháp bút nhô lên giữa, dưới chân là sóng vỗ trắng xóa. Biển lặng, trời trong xanh, thuyền trưởng Trần Văn Nga ra lệnh tiếp tế. Hai ca nô xuất phát từ trạm đèn, rồi lựa sóng áp sát mạn tàu Hải Đăng, quăng dây cố định với thân tàu. Gọi là biển lặng, nhưng chiếc ca nô vẫn dập dềnh lên xuống bên mạn tàu biên độ lên xuống gần 1m.

Anh Khương hướng dẫn chúng tôi xuống ca nô, cố gắng bám chặt dây thang, khi ca nô lên đến đỉnh sóng thì bước nhanh xuống, không được lưỡng lự vì có thể khiến chân đập vào thành ca nô. Ai cũng phải kiểm tra áo phao thật kỹ trước khi rời tàu.

Đá Lát là trạm nằm trên đảo chìm, cao hơn 40m so với mặt biển và cũng là hải đăng cao nhất trong 9 hải đăng Trường Sa. Trong ba trạm đèn nằm trên đảo chìm, trạm Đá Lát được xem là vất vả nhất. Đây là trạm cấp II được xây dựng và hoàn thành năm 1994 do Viện Nghiên cứu thiết kế cơ khí GTVT thi công.

Anh Vương Văn Hưng, công nhân trạm đèn dẫn tôi leo qua những bậc thang sắt hoen rỉ để lên đỉnh cao nhất của trạm. Cảm giác rung lắc ngày càng rõ theo mỗi bậc thang lộ thiên. Gió biển rít qua khung sắt hun hút.

67

Tàu Hải Đăng 05 chuyển nhu yếu phẩm xuống ca nô để tiếp tế vào trạm đèn Đá Lát

Ngày...!

Tàu đến đảo Trường Sa Lớn. Tim tôi chộn rộn. Ước mơ đến Trường Sa, giờ đã thành hiện thực. Tàu được phép neo bên cầu tàu nên việc chuyển hàng tiếp tế cho công nhân và cả người dân trên đảo thuận lợi. Được lệnh của đảo trưởng, chúng tôi mới được phép lên đảo. Nghỉ một đêm, sáng sớm hôm sau được dự lễ chào cờ trên đảo mà cảm xúc dâng trào, tự hào ngắm nhìn lá cờ Tổ quốc tung bay trong gió. Dường như bao mệt mỏi sau mấy ngày lênh đênh trên biển đều tan biến...

Ngày...!

Nhớ lại hôm đầu tiên lên tàu, Thuyền trưởng Nga bảo, chuyến này tiếp tế khoảng hơn chục tấn hàng cho 9 trạm. Khó nhất là trạm An Bang.

Ông Nguyễn Đức Huy, Phó giám đốc Công ty BĐATHH Biển Đông và hải đảo cho biết, ở các trạm hải đăng Trường Sa thường xuyên duy trì đội ngũ khoảng 50 công nhân túc trực canh cho ngọn đèn sáng mãi. Họ là những cột mốc thực sự góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc. Chính vì vậy dù có khó khăn đến đâu, dù biển có động thế nào tàu Hải Đăng 05 vẫn sẽ ra khơi tiếp tế cho các trạm đèn. 

“Nhiều chuyến, tàu phải dừng chờ ở ngoài đến gần tuần lễ mới tiếp tế được cho An Bang”, anh Nga bảo thế. Lý do cũng vì trạm đèn này nằm trên đỉnh núi ngầm, vách gần như dựng đứng. Bên ngoài nhìn sóng yên thế thôi, nhưng vào gần đảo sóng đập vào vách núi cuộn lên rất bất ngờ, nguy hiểm. Người lái ca nô kinh nghiệm mấy cũng không dám ra.

Hôm sau chúng tôi xuống ca nô lên An Bang. Đúng như anh Nga bảo, ca nô vào gần đến đảo thì bất ngờ bị một cồn sóng dâng cao, đập vào mạn như ném chúng tôi về phía trước. Anh Khương vội giảm ga, lựa cho ca nô đi sau sóng để không bị va vào đá ngầm. Từ tàu nhìn lên An Bang gần lắm, nhưng ca nô phải đi vòng phía sau để tìm sóng lặng rồi mới dám lên.

Lên An Bang gặp bãi cát phẳng, trắng tinh chờ đón chúng tôi. Trạm trưởng Trần Văn Khánh bảo chỉ hai tháng nữa, bãi cát sẽ chuyển sang hướng Bắc. Nhưng đến tháng 4 hàng năm lại chuyển sang hướng Đông. Mọi người cũng không hiểu cát ở đâu và vì sao lại xoay chuyển được như thế.

Ngày...!

Tiếp tế ở An Bang thuận lợi, nhưng điều không ngờ nhất lại chờ đón chúng tôi ở Trạm đèn Sơn Ca bởi sóng lớn, biển động. Chúng tôi phải nằm ở tàu bốn ngày đêm chờ sóng lặng mới có thể chuyển hàng tiếp tế từ tàu lên trạm. Từ tàu nhìn vào trạm đèn chỉ tựa gang tay mà sao đường lên đó gian nan thế. Sóng xô mạn tàu nghiêng ngả, lên xuống. Ở đây sóng có lúc cao hơn 2m, mây đen cuồn cuộn bất ngờ. Đêm đen đặc, gió rít từng cơn. Thủy thủ đoàn quây quần trên câu lạc bộ ở sàn tầng 2 của tàu để xem phim, chơi cờ tướng. Giữa đêm, nồi cháo Cầu Gai nóng hổi thơm lừng như xua đi nỗi sốt ruột phải nằm chờ dài ngày trên tàu.

Ngày...!

Trong đoàn đi tiếp tế chuyến này có anh Trần Vũ, phóng viên Báo Pháp luật TP.HCM hay lọ mọ khám phá. Gần như lên trạm đèn nào cũng tha thẩn lội xuống bãi đá chìm, đi trên cát tìm những cành san hô, bắt ốc, hoặc lặn ngắm bãi đá ngầm ở đảo Tiên Nữ.

Tôi cũng trải dài chân trên cát ở An Bang, lặn ngụp dưới làn nước biển trong xanh ở trạm Tiên Nữ để ghi lại những hình ảnh về cuộc sống của loài vật biển trong những hốc đá nằm dưới mặt nước chỉ khoảng 70cm. Qua kính lặn, cả một thềm đá hiện ra lô nhô trong vắt...

Chúng tôi là khách lạ mới lên trạm đèn nên không được phép lặn lâu dưới nước và không được phép ra quá xa chân đèn. Bởi ở đây nước lên xuống bất ngờ, có thể cuốn mọi vật đi rất nhanh nên rất nguy hiểm. Nhưng như thế cũng đủ để trải nghiệm thú vị của trùng khơi.

Ngày...!

Chào Trạm đèn Song Tử Tây - điểm cuối của hành trình tiếp tế 9 ngọn hải đăng ở Trường Sa. Tàu quay hướng mũi về đất liền. Hôm nay là ngày thứ 16 của chuyến đi. Chỉ còn ba ngày nữa là về đến đất liền. Đây cũng là chuyến tiếp tế thứ 6 trong năm của tàu Hải Đăng 05. Theo lịch đến Tết này, Hải Đăng 05 còn một chuyến nữa, cận Tết sẽ mang theo cả mùa xuân từ đất liền ra trạm đèn.

Trường Sa, tháng 10/2016

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.